Bóng đèn Điện Quang (DQC): Doanh thu 2020 ước tăng khoảng 10%, dự báo 2021 còn nhiều thách thức

Bóng đèn Điện Quang (DQC) vừa có số ước doanh thu năm 2020 vào khoảng 913,5 tỷ đồng, tức tăng 10%. Con số này đi ngược với dự báo từ đầu năm, khi mà chịu áp lực từ Covid-19 cũng như cạnh tranh gay gắt trên thị trường, DQC đặt 2 kịch bản kinh doanh đều giảm sút mạnh so với năm 2019. Theo kế hoạch ban đầu, DQC dự kiến:

+ Kịch bản 1 doanh thu 610 tỷ – giảm 26,5%, LNTT 1,86 tỷ đồng.

+ Kịch bản 2 doanh thu 543 tỷ – giảm đến 35% và lỗ sau thuế 9,6 tỷ đồng.

Phía DQC cho biết, hiện mảng đèn leb vẫn đang chiếm phần lớn doanh thu Công ty với khoảng 80%. Mới đây, HĐQT DQC cũng vừa thông qua việc giảm tỷ lệ tại CTCP Phân phối Điện Quang từ 60,19% thành 49,19% vốn, tức giảm 11%.

Dự báo năm 2021, phía DQC phân trần sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức.

Về DQC, sớm thành lập từ năm 1973 với lĩnh vực cốt lõi là thiết bị chiếu sáng, tình hình kinh doanh của DQC nhiều năm liền chịu ảnh hưởng nặng khi mức tiêu thụ sản phẩm truyền thống giảm sút nặng, thay thế bằng xu thế chuyển sang led, bộ đèn luminare, sản phẩm thông minh (giảm dùng bóng). Dù nhanh chóng sản xuất đèn led theo xu hướng mới và ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh (giai đoạn 2016-2017), Công ty thời gian gần đây chịu áp lực từ cạnh tranh từ hàng Trung Quốc.

Được biết, hiện thuế với đèn leb ở mức 0%; trong khi không thể giảm giá bán nhằm đảm bảo thương hiệu, DQC đối mặt với cạnh tranh gay gắt về giá cả. Trong động thái mới nhất, Việt Nam sẽ có những quy định siết chặt hơn về chỉ số kỹ thuật đèn leb, đây sẽ là điểm sáng cho DQC hướng đến một môi trường kinh doanh bình đẳng hơn.

Ở diễn biến khác, HĐQT DQC đang trong quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi Công ty với 2 hướng đi chính là (1) giải pháp chiếu sáng và (2) điều khiển thông minh. Trong đó, đến nay DQC đang phát triển mạnh bộ giải pháp chiếu sáng.

Theo ban lãnh đạo, giải pháp chiếu sáng tức không còn cung cấp một bóng đèn riêng lẻ mà thay thế sẽ bán một bộ đèn. Đồng thời, DQC không còn đơn thuần là sản xuất thiết bị chiếu sáng, mà bộ giải pháp chiếu sáng sẽ phải điều chỉnh được độ sáng, hướng đến đáp ứng sâu hơn nhu cầu người dùng, đồng thời tiết kiệm được điện năng.

Được biết, từ năm 2016, Công ty đã tập trung phát triển giải pháp chiếu sáng và chính thức ra mắt sản phẩm sau 2 năm. Thời gian đầu, giải pháp DQC chỉ dừng lại ở quy mô Smart Home, tức cung ứng bộ đèn cho nhà ở, chung cư: cho phép người dùng có thể điều khiển được độ sáng, màu sắc ánh sáng phù hợp với mỗi hoạt động, nhu cầu và đồng bộ hoá. Đến nay, giải pháp ứng dụng của DQC đã mở rộng cho văn phòng, khu nghỉ dưỡng, công xưởng…

Lấy ví dụ tại các khu nghỉ dưỡng, giải pháp của DQC sẽ hỗ trợ tiết kiệm điện năng bằng cách tự động ngắt tất cả thiết bị điện khi khách hàng không ở trong phòng (thay vì trước đây thường vẫn mở). Đến nay, mảng mới này đang mang về khoảng 20% nguồn thu cho DQC, dự kiến sẽ tăng mạnh trong tương lai.

Năm 2019, DQC cũng đã chính thức khai thác nhà máy ở khu công nghệ cao với tổng đầu tư lên đến 25 triệu USD (tương đương 600 tỷ đồng). Riêng bộ phận R&D theo ban lãnh đạo chiếm đến 4 triệu USD đầu tư. Trong đó, DQC đang hợp tác với các đơn vị phát triển công nghệ thông minh trong ngoài nước như Amazon Web Service, Qualcomm, FPT, Viettel (chuyên phân phối)… DQC cũng đang tham gia vào dự án ứng dụng thử giải pháp đường phố thông minh, kết hợp với trường bách khoa.

Ngoài ra, tháng 9 năm  nay Công ty cũng lấn sân mảng điện mặt trời áp mái với tổng công suất dự kiến lên đến 100MW. Tuy nhiên, trước những thay đổi về chính sách, DQC hiện đang không đẩy mạnh mảng này.

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *