ĐHĐCĐ Lộc Trời (LTG): Tái cấu trúc để thoát khỏi mảng nông nghiệp truyền thống, hướng đến cung ứng dịch vụ với lợi nhuận ‘demo’ 68 tỷ trong năm 2020

Tập đoàn Lộc Trời (LTG) vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 với nhiều thay đổi đáng chú ý từ nhân sự, cơ cấu kinh doanh đến định hướng mới trong mảng nông nghiệp. Nhìn chung, Tập đoàn đang trong giai đoạn tái cấu trúc quyết liệt, nhằm thoát khỏi những khó khăn hiện hữu của mảng nông nghiệp, áp dụng công nghệ vào vận hành, hướng đến trở thành đơn vị cung ứng dịch vụ nông nghiệp trong tương lai.

Từ những nhân tố mới trong ban điều hành

Đầu tiên, ban điều hành Công ty tiếp tục ghi nhận thêm nhiều tên tuổi đáng chú ý. Nhớ lại, năm 2019 Công ty đã mời được Chủ tịch Nutifood Trần Thanh Hải và ông Mark Peacook vào vị trí Thành viên HĐQT độc lập. Song song, LTG cũng đề cử ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) tham gia đảm nhiệm vị trí Quan sát viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024.

Bước sang năm nay, ông Philipp Rosler – Nguyên Phó Thủ tướng Đức – tiếp tục ứng cử vào vị trí thành viên HĐQT độc lập theo lời mời từ Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn. Hiện, ông Rosler cũng đang nắm vị trí thành viên HĐQT của nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới, tham gia LTG với mong muốn “đem lại lợi ích cho Tập đoàn và cả Việt Nam trong lĩnh vực quan trọng là nông nghiệp. Việt Nam đang có cơ hội rất khi đã ký được các hiệp định thương mại tự do”, vị này chia sẻ.

Cùng với đó, bà Nguyễn Thị Ấm cũng tham gia vị trí Thành viên HĐQT độc lập. Thay thế cho 2 thành viên cũ miễn nhiệm là ông Mark Peacook và ông Nguyễn Tiến Tùng.

Đại hội cũng thông qua việc bầu cử ông Nguyễn Duy Thuận nắm giữ chức Tổng Giám đốc Công ty, thay thế cho ông Huỳnh Văn Thòn.

Đến tái cấu trúc toàn bộ doanh nghiệp

Nhìn lại giai đoạn trước, tình hình kinh doanh của LTG liên tục suy giảm. Nguyên nhân theo lãnh đạo do mảng chủ lực là thuốc bảo vệ thực vật đã bão hòa, hơn nữa bước vào giai đoạn suy giảm. Đây là xu hướng chung, bản thân LTG cũng điều tiết giảm dần việc sử dụng hóa chất trên từng diện tích gieo trồng.

Kết quả kéo theo, doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh bán hàng, thậm chí giảm giá, cho trả chậm, vay nợ. LTG cũng không đứng ngoài cuộc, động thái giảm giá, chấp nhận thanh toán chậm, cho mua nợ… dẫn đến việc bị chôn vốn, khoản mục phải thu LTG cũng liên tục tăng mạnh. Thậm chí, để đảm bào dòng vốn, Công ty phải vay thêm ngân hàng dẫn đến gánh nặng chi phí ngày càng lớn.

Bước sang năm 2020, Công ty quyết định tái cấu trúc, mở rộng quy mô thị trường, định hướng trở thành nhà cung cấp dịch vụ, không còn đơn thuần chỉ cung ứng vật tư nông nghiệp. Đây cũng là năm bản lề dưới sự điều hành của ban lãnh đạo mới, Công ty sẽ triển khai số hóa toàn bộ hoạt động để có thể tiến hành phân tích mùa vụ, phân tích thị trường hiệu quả hơn và giảm các chi phí quản lý doanh nghiệp.

Ngày 7/5/2020, LTG đã ký kết hợp đồng với CTCP Công nghệ Citek để triển khai hệ thống quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp ERP SAP S/4HANA. Theo tiết lộ, chi phí đầu tư hệ thống từ phần mềm đến phần cứng vào khoảng 3 triệu USD. Tính chung cả việc đưa vào vận hành thì con số chi ra tăng lên khoảng hơn 4 triệu USD, tương đương gần 100 tỷ đồng.

Trong đó, là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, liên kết vùng nguyên liệu với nông dân, ERP sẽ giúp LTG quản lý được thời gian sinh trưởng, thậm chí biết chính xác được cây trồng phát triển đến giai đoạn nào, và giai đoạn đó thì nên dùng thuốc gì. Hoặc, thông quan việc đo nhiệt độ cây trồng doanh nghiệp có thể sớm phát hiện dịch bệnh….

Sau tái cấu trúc, người cầm cương kỳ vọng LTG sẽ khắc phục được độ trễ khi đã chấp nhận đi chậm để giảm bớt rủi ro.

“Chúng tôi cam kết rằng trong quý 3-4 năm nay, sau khi khắc phục được độ vênh trong quá trình triển khai chiến lược mới, thì việc kinh doanh sẽ được đẩy mạnh và bù lại cho kết quả của quý 1-2”, ông Thòn nhắn nhủ cổ đông.

Quý 1/2020, doanh thu LTG giảm 53% so với cùng kỳ, Công ty báo lỗ ròng gần 37 tỷ đồng.

Năm 2020, mảng dịch vụ nông nghiệp dự mang về 68 tỷ lãi gộp

Riêng năm 2020, LTG sẽ lành mạnh hóa hệ thống phân phối, theo hướng quy hoạch lại hệ thống đại lý và thay đổi chính sách công nợ, tiến tới giảm 20% nợ quá hạn ghi nhận cuối năm 2019 và không phát sinh thêm nợ quá hạn trong năm. Chính sách bán hàng của Công ty cũng sẽ thay đổi. Chi tiết chỉ tiêu từng mảng:

(1) Mảng vật tư nông nghiệp dự đạt doanh thu 5.500 tỷ, lợi nhuận gộp 1.580 tỷ đồng;

(2) Mảng lương thực: Doanh thu dự giảm 35% về 1.700 tỷ do tình hình tiêu cực của thị trường Trung Quốc. Công ty sẽ đẩy mạnh thị trường nội địa cùng châu Âu để bù đắp, mục tiêu lãi gộp 120 tỷ. Cùng với đó, LTG cho biết sẽ đảm bảo dòng tiền kinh doanh dương (đã thực hiện được trong giai đoạn đầu năm 2020) và hướng đến mô hình sản xuất kinh doanh theo đơn đặt hàng.

(3) Mảng mới là dịch vụ nông nghiệp: LTG sẽ triển khai theo hướng cung cấp các dịch vụ trọn gói theo yêu cầu của nông dân, với kế hoạch doanh thu 258 tỷ và lãi gộp 68 tỷ đồng.

“Từ cuối tháng 5 đến nay, LTG đã tái cấu trúc xong toàn bộ tập đoàn, trừ một phần của bộ phận logistics và khâu sản xuất là chưa được đồng bộ hóa hoàn toàn”, ông Thòn phân trần.

Cuối cùng, liên quan đến kế hoạch niêm yết, Công ty tiếp tục dời thời gian thực hiện sang năm 2022. Mặt khác, nói về thị giá cổ phiếu không cao, ông Thuận (tân Tổng Giám đốc) giải thích do thị trường chưa hiểu được bản chất Công ty, giá cổ phiếu theo đó bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh doanh kém sắc.

Theo vị này, sức mạnh của LTG nằm ở tri thức nông nghiệp (những công trình nghiên cứu, dữ liệu lớn trong ngành nông nghiệp…) nhưng chưa ai hiểu được điều đó, kể cả nhân viên của chính Công ty.

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *