Không chỉ đại gia Phát “dầu” mê lâu đài, một đại gia xăng dầu khác còn xây lâu đài “khủng khiếp” hơn

Trong số những lâu đài nổi tiếng nhất Việt Nam do các ông chủ Việt sở hữu, 2 lâu đài của ông Ngô Văn Phát – đại gia xăng dầu vừa bị khởi tố hồi tháng 9 – được biết đến nhiều hơn cả.

Tại quê nhà ở huyện Tiền Hải (Thái Bình), ông Phát sở hữu căn biệt thự khổng lồ có thể đỗ trực thăng trên mái. Tại Hải Phòng, tòa lâu đài hoành tráng của đại gia này nằm trên đường Lê Hồng Phong với diện tích hàng trăm m2, thuộc khu đất 2.300m2 với mặt tiền rất dài.

Nhưng không chỉ có ông Phát “dầu” mê lâu đài, tại Phú Thọ có một đại gia xăng dầu khác cũng yêu thích kiểu kiến trúc này. Đó là ông Lê Văn Tám (sinh năm 1966), Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH Hải Linh. Đây là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất cả nước hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu và dịch vụ logistics.

Ông Lê Văn Tám – Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH Hải Linh

Đại gia đứng đầu các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh xăng dầu

Hải Linh ra đời vào ngày 18/7/2002, trụ sở tại Khu 2, xã Sông Lô, thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Tính đến tháng 6/2020, vốn điều lệ Hải Linh đạt 1.550 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất là ông Lê Văn Tám (nắm 68,67% vốn). Cổ đông còn lại là bà Nguyễn Thị Hải (sở hữu 31,33%).

Chia sẻ trên báo Phú Thọ, ông Lê Văn Tám cho biết, Hải Linh ra đời vào giữa năm 2002, khi đó công ty gặp rất nhiều khó khăn do kinh doanh xăng dầu gần như là độc quyền của một số doanh nghiệp Nhà nước. Nhưng sau hơn 3 năm được cấp phép xuất – nhập khẩu xăng dầu, Hải Linh đã tăng tốc và hiện tại có hơn 60.000 nhân sự khắp cả nước.

Ngoài 7 đơn vị thành viên đang hoạt động trong nước (trong đó tại Phú Thọ có 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Hải Linh và Công ty TNHH MTV Dầu khí Hải Linh Tây Bắc), Hải Linh còn có một Công ty thương mại hoạt động tại Singapore và nhiều dự án đang thực hiện như: Kho xăng dầu ngoại quan ở Cái Mép – Vũng Tàu có sức chứa 120.000m3 và đang được nâng công suất lên 320.000m3; Dự án xây dựng bể chứa khí hóa lỏng thiên nhiên sức chứa 220.000m3 tại Cái Mép Vũng Tàu. Được biết, Hải Linh là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam thực hiện dự án này.

Bên cạnh đó, công ty này cũng thực hiện dự án Nhà máy điện khí Hiệp Phước 1 (công suất 1.000MKW), nhà máy điện khí Hiệp Phước 2 (công suất 1.500MKW).

Về phương tiện vận tải, Hải Linh đang có hai tàu biển quốc tế có trọng tải lần lượt là 10.000 tấn và 45.000 tấn và 11 phương tiện vận tải đường thủy (tàu dầu và tàu container) có trọng tải lần lượt là 7.000 – 20.000 tấn.

Năm 2018, tổng doanh thu của Công ty đạt trên 17.500 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2017. Theo dữ liệu từ Công ty Cổ phần Nghiên cứu Ngành và Tư Vấn Việt Nam (VIRAC), năm 2019, Công ty TNHH Hải Linh đạt doanh thu thuần 18.880 tỷ đồng.

Theo dữ liệu của báo Nhà đầu tư, không chỉ dẫn đầu về mặt doanh thu trong danh sách các công ty tư nhân kinh doanh xăng dầu, Hải Linh cũng đứng đầu về tổng giá trị tài sản, đạt 12.258 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2019.

Tòa lâu đài lớn nhất Việt Nam

Khởi công đầu năm 2019, tòa lâu đài được xây dựng làm trụ sở, văn phòng kinh doanh của Công ty TNHH Hải Linh nằm trên trục đường Nguyễn Tất Thành, xã Trưng Vương, Việt Trì gây chú ý rất lớn.

Công ty kiến trúc Trịnh Gia – đơn vị xưng là nhà tư vấn thiết kế lâu đài Hải Linh khẳng định đây là lâu đài lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 13.000m2 sàn xây trên khu đất 3.500m2. Lâu đài gồm 8 tầng (5 tầng chính và 3 tầng chóp).

Công ty này cũng tiết lộ tổng mức đầu tư của lâu đài lên đến cả nghìn tỷ đồng.

“Nếu đem so sánh với những mẫu lâu đài Phú Thọ khác thì Hải Linh Place được ví như nét đẹp dịu dàng, thuần khiết của chủ nghĩa tân cổ điển, không thể lẫn vào bất cứ công trình kiến trúc nào khác” – Đơn vị thiết kế chia sẻ một cách tự hào.

Tuy nhiên, vào tháng 6/2020, nhiều tờ báo đăng tải thông tin về việc tòa lâu đài này xây dựng trái phép. Theo tờ Dân Việt, giấy phép xây dựng của lâu đài cho biết diện tích khuôn viên là 4.485,3m2. Tổng số tầng của công trình là 5 tầng và 1 tum mái.

Ông Dương Anh Tuấn – Đội trưởng Đội Thanh tra trật tự đô thị thành phố Việt Trì cho biết trên báo chí: Đây là công trình xây dựng thuộc một doanh nghiệp rất lớn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nên đã xuất hiện tâm lý chủ quan, không sát sao kiểm tra, giám sát ngay từ đầu.

“Khi làm móng, cán bộ xã Trưng Vương cùng Đội Thanh tra trật tự đô thị đã xuống kiểm tra thì diện tích chiếm đất mặt bằng tầng 1 không sai so với giấy phép. Trong quá trình kiểm tra, quản lý đã có sơ suất là không gặp được chủ đầu tư, không tiếp cận được bản vẽ nên chậm trễ trong việc xử lý vi phạm. Theo đo đạc bằng tay của chúng tôi thì công trình này vi phạm vượt quá chiều cao trong giấy phép từ 30 đến 35m” – ông Tuấn nói.

Tòa lâu đài đang được xây dựng. Ảnh: Báo Dân Việt

Ngày 29/5, UBND ban hành quyết định xử phạt, số tiền xử phạt là 40 triệu đồng về hành vi xây dựng trái phép. Ngày 1/6, Công ty TNHH Hải Linh đã nộp phạt tại kho bạc Nhà nước theo quy định.

Sau khi lập hồ sơ xử phạt, công trình này được cho biết đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị cấp giấy phép xây dựng bổ sung đối với phần vượt chiều cao theo quy định của Luật Xây dựng. Ngoài ra, doanh nghiệp đã xin được văn bản chấp thuận của Bộ Quốc phòng về chiều cao tĩnh không do liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng.

Hiện tại, trụ sở của Công ty TNHH Hải Linh cũng là một công trình được thiết kế ấn tượng theo phong cách hiện đại trong khuôn viên khu đất rộng khoảng 2,4ha.

Ảnh: Hiệp hội Xăng dầu

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *