Lễ chuyển giao Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân trẻ Asean chưa từng có trong lịch sử

Ra đời vào tháng 11/2015 cùng với Tuyên bố chung Kuala Lumpur 2015 tại Hội nghị Thượng đỉnh Asean lần thứ 27 diễn ra tại Malaysia, Hội đồng doanh nhân trẻ Asean (gọi tắt là AYEC) tập hợp các hiệp hội Doanh nhân trẻ của 10 quốc gia Asean nhằm mục tiêu hoà hợp và thống nhất tinh thần và tiếng nói của Doanh nhân trẻ Asean trong việc thúc đẩy đoàn kết khu vực và phát huy hợp tác kinh tế, văn hoá – xã hội trong cộng đồng Asean.

Năm 2020, Việt Nam với vai trò là Chủ tịch Hội đồng doanh nhân trẻ Asean tổ chức Carnival Doanh nhân trẻ Asean nhưng theo hình thức trực tuyến. Dưới tác động của Covid-19, các chuyên gia và doanh nhân Asean không thể bay sang Việt Nam dự họp, nên lần đầu tiên trong lịch sử, nghi thức chuyển giao cờ Chủ tịch Hội đồng doanh nhân trẻ Asean đã được diễn ra theo cách chưa từng có: trực tuyến. Trên màn hình chính, hình ảnh ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng doanh nhân trẻ Asean 2020 đã trao cờ cho đại diện của Brunei.

Brunei là Chủ tịch luân phiên Hội Doanh nhân trẻ Asean 2021

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh, hội nghị này là một minh chứng cho sự chủ động thích ứng đã và đang được phát huy tích cực, giúp chúng ta dần thay đổi để thích nghi với trạng thái “bình thường mới” của thế giới và khu vực, khẳng định rằng thế giới và trí tuệ của nhân loại rất rộng lớn và siêu việt.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, năm 2020 thực sự là một năm nhiều thử thách và khó khăn bởi sự bùng phát của đại dịch COVID-19, thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu cũng như xu thế bảo hộ đang phát triển. Thành quả về kinh tế-xã hội của cả Cộng đồng các nước nỗ lực đạt được trong hơn 50 năm qua có nguy cơ bị xóa nhòa. Trong bối cảnh khó khăn đó, ASEAN phải gồng mình thực hiện cùng lúc “vai trò kép” vừa bảo đảm đà xây dựng Cộng đồng vừa ứng phó với dịch bệnh COVID-19 và hướng tới phục hồi bền vững. Các kết quả đã đạt được trong năm ASEAN 2020 đến nay cho thấy ASEAN đã hoàn thành xuất sắc vai trò kép này.

Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định: Chính phủ các nước ASEAN luôn mong muốn được lắng nghe ý kiến từ các doanh nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là những đề xuất, kiến nghị, hiến kế để cùng nhau xây dựng và phát triển, mang lại thịnh vượng chung cho cả Cộng đồng. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành, kiến tạo môi trường thuận lợi, ủng hộ hoạt động của các bạn nhằm tăng cường sự liên kết, kết nối trong doanh nhân trẻ ASEAN.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu

Tại Carnival Doanh nhân trẻ Asean 2020, các doanh nhân Việt Nam đã thảo luận các chủ đề “Hệ sinh thái và liên minh Doanh nhân trẻ Asean” và chủ đề “Hành trình tới tương lai số” với sự tham gia của ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch tập đoàn U&I, ông Mohit Mehrotra – Chuyên gia Deloitte khu vực Châu Á Thái Bình Dương, ông Nguyễn Anh Đức, CEO Saigon Corp, bà Nguyễn Phi Vân, CEO Retail & Franchise Asia, bà Charm Co Leong, Chủ tịch hội DNT Phillipines, ông Gavin Vongkusolkit, Chủ tịch hội DNT Thái Lan, người sáng lập Glowfish Coworking Community; ông Nguyễn Văn Khoa, CEO FPT, ông Francis Tuấn Anh – cố vấn công nghệ và giải pháp VMED Group, ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO Tiki, bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh – CEO Yeah1, ông Hans Lukiman, quyền Chủ tịch Tập đoàn Ascend (Malaysia), ông Johan Nasir, Giám đốc công ty Proficeo Consultant Sdn Bhd. 

Các doanh nhân tại Việt Nam và khu vực cùng chia sẻ về các vấn đề như tạo cơ hội và hỗ trợ doanh nhân trẻ tham gia mạng lưới chuỗi cung ứng để trở thành đối tác của nhau, hay sự cần thiết và tầm quan trọng của việc chuyển đổi số với doanh nghiệp.

CEO Saigon Corp, ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ, doanh thu của Saigon Corp hiện nay khoảng 40.000 tỷ và 2.500 nhà cung cấp, các đối tác. Khoảng 60% các nhà cung cấp của Saigon Corp là các thành viên của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hoặc các tỉnh thành cả nước, đóng góp khoảng 28% doanh số cho Saigon Corp hàng năm. Tuy nhiên ông Đức nhận thấy tỷ lệ đóng góp của doanh nhân trẻ trong Saigon Corp ngày càng giảm, điều này cho thấy trong hệ sinh thái của Saigon Corp đang những bước chững lại. Ông Đức cho rằng, trong qúa trình xây dựng thì Saigon Corp không tự làm mọi thứ, trên nền tảng nền kinh tế chia sẻ, nên Saigon Corp kêu gọi sự gắn kết chia sẻ để chúng ta có hệ sinh thái riêng, trong tương lai có thể SG Corp không phải unicorn nhưng đủ phát triển, đủ mọi nền tảng để có hệ sinh thái chung và xây dựng niềm tự hào của doanh nhân trẻ Việt Nam và Asean.

Ông Gavin Vongkusolkit, Chủ tịch hội DNT Thái Lan, người sáng lập Glowfish Coworking Community thì chia sẻ, Chính phủ Thái Lan hiện đang thúc đẩy hệ sinh thái số đặc biệt là tăng đầu tư vào các startup. Nhiều tập đoàn lớn ở Thái Lan cùng tham gia vào các startup để xây dựng hệ sinh thái cho doanh nghiệp trẻ trong nhiều lĩnh vực, thành công nhất là ngành công nghiệp thực phẩm. Chính quyền cũng kết nối các tập đoàn với các địa phương, và bên cạnh việc số hoá thì quan trọng hơn cả là sự sáng tạo của các doanh nghiệp trẻ. 

Ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO Tiki cho biết trong giai đoạn Covid vừa qua, người tiêu dùng bị giảm thu nhập do đó Tiki phải thay đổi chiến lược, thoả thuận với các nhà cung cấp để đưa ra các mức giá mềm hơn mà vẫn giữ nguyên chất lượng như cũ (trước đây không tập trung khuyến mại về giá). Tiki cũng đẩy nhanh việc ra mắt Tiki Ngon, nghĩa là khách hàng có thể mua hàng tươi sống rau củ quả thịt cá trên Tiki, như vậy bên cạnh việc tạo thuận lợi cho khách hàng, Tiki cũng giúp hàng trăm tiệm tạp hoá tăng doanh số. CEO Tiki cho biết hiện lượng truy cập trên trang thương mại điện tử là hơn 70 triệu lượt.ngày, trong đợt Covid vừa qua, Tiki vẫn giữ được mức tăng trưởng gấp đôi.

Bà Nguyễn Đặng Quỳnh Anh – CEO Yeah1 chia sẻ, đại dịch xảy ra làm ngân sách quảng cáo của các nhãn bị phong toả và cắt giảm, dự kiến 160 tỷ USD sẽ mất đi trong 5 năm tới trong ngành quảng cáo truyền thông. Yeah 1 có hơn 600 nhân viên làm việc full time nhưng đến giờ chưa có nhân viên nào bị nghỉ việc do Covid. Trong 6 tháng vừa qua Yeah1 ra mắt hệ sinh thái mới hỗ trợ bán lẻ 4.0. Bà Quỳnh Anh cho biết Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp trẻ phải ra quyết định rất nhanh, có thể bỏ qua nhiều bước phân tích như trước đây. Việc quyết định nhanh này là nhờ Yeah1 đã có nền tảng và cơ sở dữ liệu từ trước. 

Ông Nguyễn Văn Khoa, CEO FPT đồng ý và cho rằng, với công nghệ realtime hiện tại thì CEO FPT chỉ cần 7-8 phút nhìn bảng vào buổi sáng là biết những gì đang diễn ra tại công ty có hàng chục nghìn nhân sự. Ông Khoa cũng cho rằng để chuyển đổi số thành công thì tư duy của lãnh đạo rất quan trọng kèm theo tập data khách hàng trong tay. Nếu doanh nghiệp vận dụng được nó thì sẽ tìm ra được chìa khoá thành công.

Cũng tại chương trình Carnival Doanh nhân trẻ Asean 2020, website chính thức của Hội đồng Doanh nhân trẻ Asean đã chính thức ra mắt.

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *