Dịch Covid-19 bùng phát đã khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành hàng không chịu thiệt hại nặng nề. Các doanh nghiệp dịch vụ sân bay cũng chịu tác động lớn nhưng có sự phân hóa, các công ty vận tải hàng hóa đang cho thấy đà hồi phục nhanh, trong khi các đơn vị bán hàng miễn thuế và dịch vụ ăn uống vẫn còn gặp khó khăn.
Chuỗi giá trị ngành hàng không hiện nay gồm các nhóm: nhà sản xuất, cho thuê máy bay; doanh nghiệp cảng hàng không; doanh nghiệp vận tải hàng không; Dịch vụ/nhà ga hàng hóa; Đại lý giao nhận. Trong mảng dịch vụ/nhà ga hàng hóa hiện có nhiều dịch vụ khác nhau như phục vụ mặt đất, nhà ga hàng hóa, dịch vụ ăn uống, kinh doanh cửa hàng miễn thuế, dịch vụ tiện ích khác…
SCS và NCT hồi phục nhanh, cổ phiếu tăng giá
Khác với vận tải hành khách, các công ty khối dịch vụ hàng hóa vẫn đang “sống khỏe” và cho thấy đà hồi phục rất khả quan. Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn ( HoSE: SCS ) ghi nhận sản lượng hàng hóa tháng 10 đạt 20.774 tấn, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2019. Đây cũng là mức sản lượng cao nhất kể từ đầu năm.
Thực tế hoạt động kinh doanh của SCS đã có cải thiện trong quý III khi doanh thu thuần tăng 16% so với quý trước đó lên 167 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 15% đạt 115 tỷ đồng. Tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu và lợi nhuận vẫn còn giảm 10%.
SCS hiện sở hữu nhà ga hàng hóa lớn nhất tại sân bay Tân Sơn Nhất, chiếm 48% thị phần trong năm 2019. Theo VNDirect, SCS có thể tận dụng tăng trưởng tại Tân Sơn Nhất khi là đươn vị duy nhất có khả năng mở rộng 75% công suất nhà ga hàng hóa tại đây. Công ty có nền tảng tài chính lành mạnh khi không sử dụng nợ vay.
Tương tự, Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài ( HoSE: NCT ) cũng sống khỏe với mức lợi nhuận gần 55 tỷ đồng trong quý III, giảm gần 8% so với cùng kỳ nhưng tăng 21% so với quý trước đó. Trong khi đó doanh thu thuần tăng 22% so với quý trước, đạt 174 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Chứng khoán Yuanta, việc mở rộng ga hàng hóa của công ty ACSV tại Nội Bài sẽ là động lực tăng trưởng cho NCT trong những năm tới, dự kiến ga hàng hóa mở rộng sẽ đi vào hoạt động kể từ năm 2021.
Đà hồi phục và triển vọng mở rộng tại 2 sân bay lớn nhất cả nước giúp cổ phiếu có đà tăng tốt. Hiện SCS có mức giá 124.300 đồng/cp, tăng gần 12% so với đầu năm và NCT đạt mức 70.800 đồng/cp, tăng 17%.
|
Giá cổ phiếu SCS và NCT vẫn tăng so với đầu năm. Đồ thị: VNDirect. |
Bán hàng miễn thuế, dịch vụ ăn uống vẫn chật vật
Do phải tạm đóng cửa do giãn cách xã hội, các công ty hoạt động trong mảng kinh doanh bán hàng miễn thuế tại sân bay chịu ảnh hưởng nặng, thậm chí ghi lỗ trong các quý gần đây.
Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs, HoSE: AST ) vừa có thêm khoản lỗ hơn 30 tỷ đồng trong quý III. Sau 9 tháng, doanh thu công ty giảm 65% về 297 tỷ và lỗ gần 29 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn có lãi 154 tỷ đồng.
Taseco Airs cho biết việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh khiến các điểm kinh doanh trên toàn hệ thống đã bị ảnh hưởng trực tiếp, phải đóng cửa và dừng hoạt động. Tính đến 23/10, công ty thông báo chỉ có hơn 40% số điểm kinh doanh hoạt động trở lại.
Một đơn vị bán hàng miễn thuế khác là Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh ( HNX: CIA ) lỗ liên tiếp 3 quý đầu năm, tổng lỗ sau 9 tháng là gần 26 tỷ đồng. CIA hoạt động chủ yếu tại sân bay Cam Ranh với nguồn thu chính từ phục vụ mặt đất và dịch vụ bán hàng.
Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, UPCoM: SAS ) cũng chật vật khi doanh thu quý III giảm đến 85% so với cùng kỳ còn 106 tỷ đồng. Phần lớn do doanh thu từ cửa hàng miễn thuế giảm hơn 90% chỉ còn 19 tỷ đồng, đóng góp tỷ trọng nhỏ nhất trong hoạt động của đơn vị. Dù vậy, đơn vị vẫn có lãi 94 tỷ đồng, giảm hơn 70% so với 9 tháng năm 2019.
Sasco chủ yếu kinh doanh các cửa hàng miễn thuế, phòng khách thương gia, cung cấp suất ăn hàng không cho Bamboo Airways… Trong đó, kinh doanh hàng miễn thuế chiếm khoản phân nửa doanh thu trong các năm trước.
|
Các công ty dịch vụ hàng hóa hồi phục tốt hơn so với các mảng kinh doanh khác. |
Các đơn vị cung cấp suất ăn cũng không khá khẩm hơn, Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng ( HNX: MAS ) cũng lỗ liên tiếp 3 quý, nâng tổng mức lỗ sau 9 tháng lên 12 tỷ đồng. Hoạt động chủ yếu của MAS là cung ứng suất ăn, thuê xe, đào tạo… chiếm khoảng 40-50% thị phần tại sân bay Đà Nẵng.
Suất ăn Hàng không Nội Bài ( UPCoM: NCS ) cũng lỗ lớn 25 tỷ đồng trong quý III và kéo lỗ 9 tháng lên đến 43 tỷ đồng. Công ty chủ yếu chế biến suất ăn phục vụ hành khách tại cảng hàng không Nội Bài.
|
Giá cổ phiếu dịch vụ bán hàng và suất ăn hàng không vẫn thấp so với đầu năm. Đồ thị: VNDirect. |
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)