Theo nhà khởi nghiệp người Mỹ, càng thất bại có nghĩa bạn càng sớm có cơ hội gặt hái thành công.
John Spears là cây viết về các vấn đề tài chính cá nhân. Anh từng khởi nghiệp và thất bại. Tuy nhiên, nhà sáng lập người Mỹ cho rằng bản thân đã học được rất nhiều qua những trải nghiệm ấy, từ đó gặt hái thành công sau này.
Một số nghiên cứu cho thấy trên 90% startup thất bại trong 5 năm đầu tiên. Một số chỉ ra con số này là 70% nếu tính trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, bản thân tôi biết chắc dự án startup của mình sẽ thất bại 100%.
Tôi đã tạo ra ứng dụng cho phép khách du lịch kết nối và chat với nhau. Nó được thiết kế để giúp những người du lịch một mình tìm những người bạn tương tự cũng như dân địa phương ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, startup đã không vận hành tốt cho khách du lịch hay những ai có liên quan. Đó thật sự là một cú đấm với lòng tự tôn nhưng tôi cũng đã học được rất nhiều từ thất bại ấy.
Khi tôi kể với đồng nghiệp và bạn bè rằng tôi đã dừng việc kinh doanh, ai cũng hỏi vì sao. Trong trường hợp này, tôi cho rằng đấy là một câu hỏi không xác đáng. Thay vào đó, mọi người nên hỏi rằng thất bại ấy đã dạy tôi những gì. Một niềm tin dẫn dắt tôi bước qua khoảng thời gian khó khăn đó chính là bởi thất bại cũng dẫn lối cho thành công. Vì vậy, tôi đã nhiều lần ngồi xuống và nhìn lại chặng đường đã qua để tìm ra những điều mình làm chưa đúng.
Thay vì bỏ cuộc, tôi bắt đầu nghiên cứu về thất bại của các startup khác. Tôi đọc những câu chuyện của nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos cũng như Reid Hoffman – đồng sáng lập LinkedIn. Thật thú vị khi biết rằng họ cũng gặp muôn vàn khó khăn khi bắt đầu và dần tỏa sáng bởi chính những thất bại đã trải qua. Tôi đã nhận được những bài học đáng giá từ Paolo MacCallum – CEO NamoBOT. Sau nhiều dự án, nhà sáng lập này đã dùng tất cả những kiến thức mình có được từ các trải nghiệm của quá khứ để trở lại với một ý tưởng mới.
Dưới đây là những bài học tôi đút kết từ nhiều người cũng như trải nghiệm của chính mình.
Chuẩn bị đủ nguồn quỹ
Tôi không phải người duy nhất không có đủ tiền để mở công ty. Theo một phân tích của CB Insights, lý do lớn thứ hai mà startup thường thất bại là bởi hết tiền. Nguồn lực tài chính của bạn cần phải đủ ổn trước khi bắt đầu việc kinh doanh.
Khi lần đầu nảy ý tưởng khởi nghiệp, tôi đã không nghĩ đến vấn đề tài chính. Về cơ bản, ngay từ đầu, chính tôi là nhà tài trợ cho dự án của mình. Tôi nghĩ số tiền tiết kiệm có thể đủ để ra mắt startup và đúng là như vậy. Tuy nhiên, sau vài tháng, tôi bắt đầu chật vật với vấn đề về tiền bạc. Vì thiếu tiền, việc duy nhất tôi có thể làm là thỏa hiệp với những thứ thiết yếu nhất. Tôi buộc phải cho hai thành viên trong đội ngũ nhỏ bé của mình nghỉ việc. Cũng thật quá khó khăn để trả phí thuê không gian làm việc.
MacCallum gợi ý là tôi nên chuẩn bị tài chính cho ít nhất là một năm vận hành. Có nhiều cách thức để huy động vốn cho startup từ các tổ chức cho vay hay gây quỹ cộng đồng. Đó là cách mà anh ấy có được nguồn quỹ cho dự án của mình.
Thiếu tiền là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại cho nhiều startup. Ảnh: Unsplash. |
Giữ giá rẻ và giảm giá
Phải nói là việc kiếm lợi nhuận trong những tháng đầu tiên của bất cứ dự án kinh doanh nào đều là cực kỳ khó, tôi cũng vậy. Tuy nhiên, vì muốn kiếm tiền nên tôi đã giữ giá ở mức có thể mang lại lợi nhuận nhanh hơn. Nhưng ở khía cạnh của người tiêu dùng, họ luôn tìm kiếm những thứ có giá rẻ nhất.
Giá cao không mang lại hiệu quả khi bạn làm startup, đặc biệt là trong một ngành công nghiệp đã bão hòa. Thay vào đó, việc tôi cần phải làm là cung cấp dịch vụ ở mức rẻ hơn mang đến nhiều lựa chọn giảm giá – việc này có thể giúp mang đến nhiều khách hàng hơn. Tôi đã nhận ra điều này quá muộn màng.
Theo MacCallum, thay vì lo lắng vào việc phải có bằng được lợi nhuận, tôi nên quan tâm nhiều hơn đến việc làm sao mọi người có thể biết đến và bán được sản phẩm.
Không phải lời khuyên nào cũng hữu ích
Rất nhiều người trong giới startup nghĩ mình là chuyên gia khi đưa ra cho bạn vài con số, những ví dụ thành công và nghĩ là họ biết mọi thứ. Ngược lại, kinh nghiệm dạy tôi rằng bạn cần phải lọc lại những lời khuyên. Việc tham khảo ý kiến của mọi người là rất quan trọng nhưng người thực hiện lại chính là bạn.
Hãy nghĩ thật kỹ trước khi thay đổi tư duy bởi ai cũng có thứ để nói và khuyên bạn. Rốt cuộc nhất thì điều quan trọng là lắng nghe chính mình. Sau tất cả, startup là sự bất chấp, nếu bước đi quá an toàn, bạn khó có thể tạo ra đột phá.
Bạn không thể tự mình làm hết mọi thứ
Khi mới startup, tôi tự làm mọi thứ, từ tài chính, phát triển sản phẩm, kiểm nghiệm đến phát triển kinh doanh. Tôi làm tất cả. Không cần phải nói bởi có quá nhiều thứ để làm nhưng việc này cũng liên quan đến vấn đề là ngân sách của tôi quá eo hẹp. Tôi sợ không trả nổi lương khi thuê người. Tôi cũng không tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè.
Khi muốn làm điều gì đó lớn lao, bạn cần rất nhiều bàn tay trợ giúp. Tôi dám chắc rằng đền Taj Mahal không được xây dựng bởi chỉ một con người. Không như startup của tôi, ngày nay địa danh này đón hàng triệu người ghé thăm. Vấn đề là tôi đã làm những việc mà tôi thật sự không giỏi, đó là một sai lầm rất lớn.
Tôi cũng chỉ một mình đến gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng. Paolo MacCallum cho rằng bạn có thể tìm người nhiều kinh nhiệm và có sở trường mảng giao tiếp để trình bày rõ hơn về sản phẩm, từ đó thu hút nhà đầu tư rót vốn.
Chấp nhận khi thất bại
Cần rất nhiều can đảm để chấp nhận thất bại và tôi đã thiếu dũng khí ấy. Trong một thời gian dài, tôi không thể chấp nhận việc startup của mình phải dừng lại. Điều này tạo nên hiệu ứng domino và mọi thứ thậm chí còn ngày càng tệ hơn. Khách hàng bỏ đi, tiền không chảy vào nữa và mọi thứ dần cạn kiệt. Phải mất một thời gian tôi mới nhận ra thực tế là mọi thứ đã không còn hoạt động trôi chảy. Khi dần hiểu ra mọi chuyện, tôi bắt đầu dễ dàng chấp nhận hơn và chuyển sang những hành trình tuyệt vời tiếp theo.
Tiểu thuyết gia Herman Melville từng nói rằng: “Thà thất bại trong nguyên bản còn hơn thành công với một thứ sao chép”. Giữ tinh thần lạc quan là một chuyện nhưng tránh xa hiện thực lại là chuyện khác. Hãy thực tế để biết khi nào con tàu đang chìm và bước ra khỏi nó.
Thực tế là rất nhiều startup thất bại trên thế giới này. Sai lầm có khi đến từ bạn, cũng có khi mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát. Bất kể là gì chăng nữa, đừng bao giờ bỏ cuộc mà hãy học từ những kinh nghiệm đáng giá. Những thứ này sẽ theo bạn suốt đời. Một khi đã đủ am hiểu, không gì có thể ngăn cản bạn đến một ngày thành công không xa bởi ai đó từng nói rằng: “Thành công và thất bại đều ở trên cùng một con đường”.
Trương Sanh (theo e27)