Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày thứ Tư…
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ – Ảnh: Reuters.
Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày thứ Tư. Chỉ số Nasdaq đi lên nhờ sức mạnh của cổ phiếu công nghệ, trong khi S&P 500 giảm nhẹ sau khi chạm đỉnh cao kỷ lục trong phiên trước đó.
Theo hãng tin Reuters, những lùm xùm pháp lý xung quanh các cựu cố vấn của Tổng thống Donald Trump là một nguyên nhân khiến các nhà đầu tư thận trọng phiên này. Vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã bắt đầu ở Washington, nhưng dự báo sẽ không mang lại bước đột phá.
Ngoài ra, biên bản cuộc họp gần nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa được công bố hầu như không có tác động đáng kể đến cả ba chỉ số chứng khoán chính ở Phố Wall.
Biên bản này cho thấy các quan chức FED bàn về việc tiếp tục nâng lãi suất trong thời gian sớm để ngăn ngừa nguy cơ nền kinh tế tăng trưởng kinh tế quá nóng, nhưng đồng thời cũng bày tỏ lo ngại rằng xung đột thương mại toàn cầu có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động đầu tư và tiêu dùng tại Mỹ. Các thông tin trong biên bản này của FED đều không nằm ngoài kỳ vọng của thị trường.
Nhóm cổ phiếu năng lượng thuộc S&P 500 tăng 1,2% nhờ giá dầu tăng mạnh. Mặc dù vậy, trụ đỡ lớn nhất cho toàn chỉ số trong phiên này đến từ nhóm công nghệ với mức tăng 0,5%, do các cổ phiếu công nghiệp có tỷ trọng lớn hơn trong toàn chỉ số.
Vào tối hôm thứ Ba, ông Paul Manafort, nhà cựu quản lý chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump, bị buộc tội gian lận thuế và ngân hàng. Cựu luật sư của ông Trump là ông Michael Cohen thì đã thừa nhận một loạt tội danh và nói rằng ông hành động theo chỉ đạo của ông Trump.
Giới đầu tư hiện đang đánh giá xem liệu những bê bối pháp lý này liệu có ảnh hưởng đến triển vọng của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào cuối năm nay, hay làm mở rộng cuộc điều tra hình sự đang phủ bóng lên nhiệm kỳ cầm quyền của ông Trump.
“Có khá nhiều thông tin bất lợi cho ông Trump, và điều này tạo ra sự bấp bênh trên thị trường”, ông Robert Phipps, Giám đốc Per Stirling Capital Management ở Austin, Texas, nhận định.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones hạ 0,34%, còn 25.733,6 điểm. S&P 500 mất 0,04%, còn 2.861,82 điểm. Nasdaq tăng 0,38%, đạt 7.889,1 điểm.
“Thị trường đang ở điểm kháng cự kỹ thuật”, ông Phipps nói. “Chúng ta cần một chất xúc tác để đi lên, nhưng hiện chưa có một nhân tố nào như vậy”.
Hôm thứ Ba, S&P 500 có lúc đạt đỉnh cao mọi thời đại, nhưng không giữ được mức điểm đó cho tới khi kết thúc phiên giao dịch.
Trạng thái thị trường đầu cơ giá lên (bull market) của S&P 500 hiện đã kéo dài 3.453 ngày, dài nhất trong lịch sử chứng khoán mỹ.
Cổ phiếu hãng bán lẻ Target có lúc đạt mức cao nhất mọi thời đại trong phiên ngày thứ Tư, sau khi hãng này công bố kết quả kinh doanh quý 2 khả quan hơn dự báo và nâng triển vọng lợi nhuận cả năm. Chốt phiên, cổ phiếu Target tăng 3,2%.
Cổ phiếu một nhà bán lẻ khác là Lowe’s cũng đạt mức kỷ lục sau khi công ty cam kết sẽ giảm bớt những sản phẩm bán chậm và những dự án kinh doanh kém thành công. Đóng cửa, cổ phiếu Lowe’s tăng 5,8%.
Cổ phiếu công ty bảo hiểm Hartford Financial Services sụt 4,2% sau khi công ty tuyên bố mua Navigators Group với giá 2,1 tỷ USD bằng tiền mặt. Trái lại, cổ phiếu Navigators tăng 8,8%.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá phiên này nhiều gấp 1,17 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, cứ 1,49 mã tăng giá mới có 1 mã giảm.
Các nhà giao dịch ở Phố Wall chuyển nhượng 5,26 tỷ cổ phiếu trong phiên này, so với mức bình quân 6,42 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Theo Thời báo kinh tế Việt Nam.