Quán cà phê, nhà hàng, khách sạn ‘chết dần, chết mòn’ vì Covid-19

Tại Tây Ban Nha là “cerrado”, ở Ý là “chiuso” và ở Đức là “geschlossen”. Đó đều là những biển hiệu cho biết một doanh nghiệp đang đóng cửa. Những nỗ lực của các chính phủ ở châu Âu nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 – thứ đã giết chết 90.000 người trên toàn thế giới là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Các nhà máy trên khắp châu Âu vắng lặng. Ở nhiều thành phố, thị trấn, làng mạc, các siêu thị hiệu thuốc còn mở cửa nhưng cửa hàng sách, quán bar, siêu thị nội thất đều tối đèn.

Một số người phải nghỉ việc và chỉ được nhận một phần nhỏ lương trong lúc chờ mọi thứ trở lại như cuộc sống bình thường. Nhiều người khác làm việc tại nhà. Kém may mắn hơn, một lượng không nhỏ thì bị sa thải, mất việc và không có thu nhập.

Hàng nghìn công ty – từ khách sạn, quán cà phê đều đang chứng kiến doanh nghiệp suy sụp chưa từng có và họ phải trông chờ vào sự hỗ trợ của chính phủ để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Một vài doanh nghiệp may mắn hơn, sản phẩm mà họ cung cấp vẫn có nhu cầu lớn nhưng họ lại phải đối mặt với cơn đau đầu khác: Thiếu nguồn nguyên liệu.

Tờ Bloomberg đã kịp ghi lại chia sẻ của một vài chủ doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đa phần đều cho thấy hiện tại vô cùng khó khăn và tương lai thì hoàn toàn bất định phía trước.

Hotel Corisco

Khách sạn gia đình, 24 phòng, Tây Ban Nha

“Chúng tôi chẳng có đồng doanh thu nào nhưng các hoá đơn thì vẫn đến đều đặn”

Khách sạn Corisco thuộc sở hữu của một gia đình ở Tây Ban Nha nằm cạnh bờ biển Địa Trung Hải tuyệt đẹp đã buộc phải đóng cửa theo lệnh của chính phủ dù đang chuẩn bị bước vào mùa hè cao điểm.

“Tôi sống trong khách sạn với bố và con trai của mình. Nhưng bố tôi năm nay đã 86 tuổi. Tôi rất lo lắng. Tôi nghĩ có nên nhận khách tiếp không vì nguy cơ nhiễm bệnh rất cao? Cuối cùng, tôi quyết định ngừng nhận khách vào thứ 4 và rồi lệnh phong tỏa được đưa ra vào thứ 7. Tôi nghĩ lúc đầu mọi người sẽ không hiểu tại sao chúng tôi lại hủy đặt phòng của họ nhưng giờ thì chắc họ hiểu rồi. Tôi đã hủy chúng khi nghĩ về cha mình, về nhân viên và gia đình mình”, Maria Teresa Coris – chủ khách sạn nói.

Hiện Coris đã tạm thời cho 3 nhân viên nghỉ việc và cũng không tuyển thêm 2 người theo dự tính trước đó nữa. Vậy là 3 nhân viên của Coris nằm trong số 10.000 người khác tạm thời mất việc trong ngành du lịch Tây Ban Nha.

Sau khi Thủ tướng Pedro Sanchez ra lệnh phong tỏa đất nước, ngân hàng của Coris đã gọi và nói rằng cô cần phải tận dụng gói hỗ trợ cho vay 100 tỷ euro của chính phủ.

Tuần trước, cô nhận được khoản vay 40.000 euro với mức lãi suất 1,5% của ngân hàng trung ương Tây Ban Nha. Cô phải trả lại nó vào năm tới nhưng từng ấy tiền chỉ đủ trả được những chi phí cố định như điện, gas, nước, nhà cung cấp và những hóa đơn của tháng trước.

“Chúng tôi không có doanh thu mà các hóa đơn thì vẫn gửi đến đều”.

Coris hiện đang làm thủ tục cho một khoản vay khác và tin tưởng rằng khoản vay này sẽ giúp cô trụ qua được mùa hè. Trong lúc đó, cô đăng tải những bức ảnh tuyệt đẹp ở Địa Trung Hải lên trang facebook kèm theo lời nhắn:

“Tôi đang làm tất cả những gì có thể và muốn mọi người biết rằng chúng tôi vẫn ở đây và đang chờ họ. Khi nào mọi thứ tốt hơn, chúng ta sẽ gặp lại nhau”.

Terry Groenen

Công ty người mẫu, Hà Lan

“Tôi không biết tình trạng này bao giờ mới chấm dứt nữa”

Mới kinh doanh được 1,5 năm, Terry Groenen nói rằng cô “phát khóc” khi chính phủ tuyên bố sẽ phạt với những trường hợp tụ tập trên 3 người. Điều đó là dấu chấm hết với công ty Inbetween Models – chuyên cung cấp dịch vụ người mẫu của cô.

Số ca nhiễm Covid-19 ở Hà Lan ít hơn Ý và Tây Ban Nha. Giống như nhiều người, ban đầu Groenen hy vọng chính phủ sẽ kiểm soát được dịch bệnh và sớm dỡ bỏ những quy định cách ly xã hội nghiêm ngặt. Nhưng mọi thứ đã không diễn ra tốt đẹp như vậy.

“Điều khó nhất là tôi không biết khi nào mọi chuyện mới chấm dứt. Điều đó khiến tôi sợ. Ban đầu chúng tôi được thông báo là lệnh phong tỏa tới cuối tháng 4 nhưng giờ lại chuyển thành tháng 6 rồi”.

Groenen lên kế hoạch gửi yêu cầu viện trợ tới chính phủ. Nếu được chấp nhận, cô sẽ được chính phủ trợ cấp 1.500 euro mỗi tháng từ tháng 3 tới tháng 6.

“Ngày nào tôi cũng viết ra một danh sách việc phải làm từ dọn bàn làm việc tới nhiều thứ khác. Tôi chỉ muốn mình vẫn bận rộn nhưng cứ nghĩ về viễn cảnh việc này sẽ tiếp diễn trong 2 tháng nữa, nó khiên tôi phát điên”.

Laurent Gerbaud

Quán cà phê, socola, Bỉ

“Tôi không thể nào ngủ được vì stress”

Đại dịch đã đến vào thời điểm không thể nào tệ hơn với Laurent Gerbaud – một người làm socola và sở hữu một quán cà phê ở Bỉ.

Cả anh và các nhân viên (6 người toàn thời gian và 25 nhân viên bán thời gian) đều đang gấp rút chuẩn bị cho Lễ tạ ơn – mùa cao điểm quan trọng và thường có doanh số bán cao nhất trong năm của quán. “Tháng 5, 6, 7 và 8 hầu như không bán được mấy bởi trời đã nóng và mọi người thích ăn kem hoặc uống bia hơn”.

Vì là quán bán đồ ăn nên Gerbaud vẫn được mở cửa khi chính phủ Bỉ ra lệnh thắt chặt ngăn ngừa đại dịch. Tuy nhiên, do không có khách du lịch và người dân địa phương cũng chẳng thiết tha ra ngoài nên quán của Gerbaud chỉ hoạt động 10% công suất so với ngày thường. Không thể kéo dài hơn được, ngày 18/3, anh đã cho đóng cửa nhà hàng.

Giống hơn 1,25 triệu người lao động Bỉ khác, nhân viên của Gerbaud hiện tạm thời thất nghiệp, họ sẽ nhận được 70% lương trợ cấp từ chính phủ, Gerbaud trả phần còn lại bằng tiền túi của mình.

“Giờ thì tôi ổn hơn một chút nhưng trong tuần đầu tiên, từ 12 – 18/3, tôi không thể nào ngủ được vì stress”. Anh đã phải bán một phần cổ phiếu và nó giúp lấp khoảng 15-20% doanh thu như bình thường. Nhưng từng đó chỉ đủ thanh toán các hóa đơn.

Nếu tình hình không thể trở lại bình thường vào cuối tháng 5, “đó sẽ là vấn đề thật sự”. Nhưng điều tôi còn lo hơn là: “Mình sẽ phải làm gì sau khi dịch kết thúc? Liệu còn ai đến mua socola hay ăn ở nhà hàng và chi tiêu nữa không?”.

The Drapers Arms

Nhà hàng, London

“Chúng tôi hết sạch tiền rồi”

Khoảng tháng 2, nhà hàng của Nick Gibson bắt đầu tăng cường các biện pháp như yêu cầu khách hàng rửa tay và các nhân viên thì hạn chế tiếp xúc gần với khách hàng…

Đến ngày 22/3, cửa hàng đóng cửa. “Tôi chợt nhận ra mọi thứ thật mong manh khi phải chứng kiến một tỷ lệ hủy đơn đặt hàng lớn đáng kinh ngạc”.

Nhân viên của Nick hiện tạm nghỉ việc và nhận trợ cấp 80% lương của chính phủ. Nhưng phần đó quá nhỏ, chỉ bằng 1/3 so với lương họ thực nhận khi đi làm vì thường có thêm tiền típ hoặc phí dịch vụ.

Gibson thì tỏ ra rất biết ơn sự giúp đỡ của chính phủ khi anh còn được hoãn hóa đơn thuế 80.000 bảng. Nhưng vẫn còn rất nhiều chi phí phải lo như tiền thuê mặt bằng…

“Tôi đã không thu được đồng tiền nào trước khi những hóa đơn đến. Nhà hàng của tôi không thể hoạt động và chúng tôi cũng không biết khi nào có thể hoạt động trở lại. Chúng tôi thực sự hết sạch tiền rồi”.

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *