20 năm kỳ diệu của Alibaba: Từ startup vô danh hóa thân thành gã khổng lồ 700 tỷ USD, ‘đẻ’ ra một startup 200 tỷ USD

Vậy là 1 thập niên nữa của thế kỷ 21 đã trôi qua. 10 năm thăng trầm chìm nổi, các thuyền trưởng doanh nhân đã lèo lái con thuyền của mình ra sao trên thương trường đầy sóng gió – ai vững tay chèo, ai từng lạc lối? 

Ôn cố tri tân, hãy cùng chúng tôi lần giở lại từng trang hồi ký về các doanh nghiệp đáng chú ý nhất trong 10 năm qua với series “THẬP KỶ THƯƠNG TRƯỜNG” – Câu chuyện kinh doanh nổi bật nhất của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. 

Chúng tôi hi vọng series này sẽ là một món quà cuối năm ý nghĩa dành tặng đông đảo quý độc giả yêu mến CafeBiz, như slogan của chúng tôi: “Kinh doanh tốt hơn, Cuộc sống đẹp hơn” – “BETTER BUSINESS – BETTER LIFE”.

Dưới đây là bài viết ôn lại hành trình 20 năm kinh doanh của gã khổng lồ Alibaba. 


NHỮNG CỘT MỐC LỚN

Tháng 4/1999: Hành trình bắt đầu

Alibaba được thành lập bởi một nhóm 18 người, dẫn đầu là Jack Ma. Nhóm nhà sáng lập này lấy căn hộ của Jack Ma tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc làm trụ sở của công ty. Trang web đầu tiên của công ty là Alibaba.com, nền tảng bán buôn giữa các doanh nghiệp (B2B) bằng tiếng Anh.

Tháng 1/2000: Nhận đầu tư từ SoftBank

Năm 2000, Alibaba nhận được 20 triệu USD từ một nhóm nhà đầu tư do SoftBank dẫn đầu.

“Chúng tôi không nói về doanh thu, thậm chí không đề cập tới mô hình kinh doanh”, Tạp chí Wall Street Journal dẫn lời kể của Jack ma về cuộc gặp với CEO SoftBank Masayoshi Son khi đó. “Chúng tôi chỉ chia sẻ về tầm nhìn tương lai. Cả hai đều đưa ra quyết định nhanh chóng”. Khoản đầu tư từ đại gia Nhật Bản giúp Alibaba mở rộng thần tốc.

Tháng 5/2003: Taobao ra đời

Taobao là nền tảng mua sắm trực tuyến cho phép người dùng cá nhân giao dịch hàng hóa. Trong năm tài chính 2015, tổng giá trị giao dịch (GMV) trên sàn Taobao đạt 1.590 tỷ Nhân dân tệ (223,9 tỷ USD). Năm 2019, con số này đạt 3.110 tỷ Nhân dân tệ. Doanh thu từ Taobao hiện góp phần quan trọng vào mảng thương mại điện tử cốt lõi của Alibaba.

Tháng 12/2004: Ra mắt Alipay

Alipay là một trong 2 nền tảng thanh toán điện tử lớn nhất tại Trung Quốc, bên cạnh đối thủ WeChat Pay – thuộc sở hữu của Tencent. Alipay cho phép người dùng thanh toán trên cả các nền tảng thương mại điện tử lẫn tại cửa hàng truyền thống.

Tháng 8/2005: Yahoo trở thành cổ đông lớn nhất

Năm 2005, hãng công nghệ Mỹ Yahoo rót 1 tỷ USD vào Alibaba, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty này với 40% cổ phần. Nằm trong thỏa thuận thương vụ này, Alibaba nắm quyền kiểm soát hoạt động của Yahoo tại Trung Quốc.

“Cùng với nhau, chúng tôi sẽ tạo ra một trong những công ty Internet lớn nhất tại Trung Quốc. Tài sản chung sẽ giúp chúng tôi trở thành công ty dẫn đầu trong tất cả các lĩnh vực đang thúc đẩy tăng trưởng Internet tại Trung Quốc, bao gồm công cụ tìm kiếm, thương mại điện tử, truyền thông”, Terry Semel, CEO của Yahoo khi đó, nói trong thông cáo báo chí.

Tháng 11/2007: IPO tại Hồng Kông

Trước khi niêm yết tại Mỹ vào năm 2014, Alibaba đã chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hồng Kông vào năm 2007. IPO này mang về cho Alibaba 13,1 tỷ USD. Trong phiên giao dịch đầu tiên, giá cổ phiếu Alibaba đã tăng từ 13,5 Đôla Hồng Kông lên 39,5 Đôla Hồng Kông.

Tháng 4/2008: Tmall ra đời

Năm 2008, Alibaba ra mắt nền tảng Taobao Mall và sau đó đổi tên thành Tmall. Cùng với Taobao, Tmall hiện là một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất tại Trung Quốc tính theo doanh thu. Tmall định vị là nền tảng trực tuyến dành cho các thương hiệu quốc tế muốn bán hàng tại Trung Quốc. Nền tảng này gồm các thương hiệu thời trang xa xỉ, thương hiệu hàng điện tử và thậm chí cả Starbucks.

Tháng 9/2009: Gia nhập mảng điện toán đám mây

Alibaba bắt đầu gia nhập mảng điện toán đám mây vào năm 2009 và hiện trở thành một trong những công ty lớn nhất trong lĩnh vực này tại Trung Quốc. Điện toán đám mây hiện đóng góp doanh thu lớn thứ hai cho Alibaba và là mảng tăng trưởng nhanh nhất của công ty này. Năm ngoái, trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, CEO Daniel Zhang của Alibaba nói rằng điện toán đám mây sẽ là chiến lược dài hạn của công ty.

Tháng 11/2009: Bùng nổ mua sắm ngày Độc Thân

Ngày Độc thân (11/11), là ngày hội mua sắm lớn nhất năm tại Trung Quốc. Đây là sáng kiến của CEO Daniel Zhang của Alibaba. Vào sự kiện 11/11/2009, tổng giá trị giao dịch trên các nền tảng của Alibaba đạt 7,8 triệu USD. Con số này tăng lên 30,8 tỷ USD trong sự kiện năm 2018.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ chúng tôi có thể biến ngày này trở thành một ngày hội mua sắm cho cả cộng đồng”, Zhang nói với CNBC vào năm ngoái.

Tháng 6/2012: Hủy niêm yết tại Hồng Kông

Chỉ 5 năm sau IPO, Alibaba.com hủy niêm yết tại sàn chứng khoán Hồng Kông. Công ty này chi 2,45 tỷ USD để mua lại 27% cổ phần do các nhà đầu tư tư nhân nắm giữ, tương đương 13,5 Đôla Hồng Kông/cổ phiếu, bằng với mức giá IPO vào năm 2007.

“Hủy niêm yết Alibaba.com cho phép chúng tôi đưa ra các quyết định dài hạn tốt nhất vì lợi ích của khách hàng và không phải chịu những áp lực của một công ty niêm yết”, Jack Ma cho biết khi đó.

Tháng 9/2012: Mua lại cổ phần từ Yahoo

Cùng năm hủy niêm yết tại Hồng Kông, Alibaba mua lại 40% cổ phần từ tay Yahoo với giá 7,6 tỷ USD. Theo đó, Yahoo thu được lợi nhuận lớn từ khoản đầu tư 1 tỷ USD năm 2005.

Tháng 9/2014: IPO tại New York

Năm 2014 đánh dấu sự kiện lịch sử của Alibaba với IPO lớn nhất thế giới trên sàn chứng khoán New York, huy động được khoảng 25 tỷ USD. Từ đó đến nay, cổ phiếu Alibaba hiện đã tăng hơn 150%.

Tháng 10/2014: Ant Financial ra đời

Sau một số tranh cãi xoay quanh Alipay, Ant Financial được thành lập vào năm 2014 với mục tiêu không chỉ cung cấp nền tảng thanh toán mà còn cả các dịch vụ tài chính. Việc thành lập Ant Financial cho thấy tham vọng của Alibaba trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Hiện Ant Financial là hãng công nghệ tài chính lớn nhất tại Trung Quốc với định giá được cho là 150 tỷ USD. Alibaba hiện nắm giữ 33% cổ phần của công ty này.

Tháng 8/2015: Thương vụ Suning

Năm 2015, Alibaba đầu tư 28,3 tỷ Nhân dân tệ, khoảng 4,56 tỷ USD, vào hãng bán lẻ hàng điện tử truyền thống Suning. Trước đó, Alibaba cũng đầu tư vào hãng bán lẻ Intime. Loạt thương vụ này cho thấy tham vọng thúc đẩy chiến lược “bán lẻ kiểu mới” – theo cách gọi của Alibaba, trong đó kết hợp bán lẻ truyền thống và trực tuyến. Chiến lược này hiện vẫn được Alibaba duy trì.

Tháng 4/2016: Bước ra toàn cầu

Kể từ khi thành lập 20 năm trước, Alibaba chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa, giúp các thương hiệu trong nước và quốc tế bán hàng tại Trung Quốc. Nhưng vào tháng 4/2016, công ty này đầu tư ra nước ngoài với thương vụ thâu tóm cổ phần kiểm soát tại hãng thương mại điện tử Lazada của Singapore – nền tảng phủ sóng tại một số thị trường ở Đông Nam Á. Thương vụ này đánh dấu bước tiến lớn đầu tiên trong lĩnh vực thương mại điện tử ở nước ngoài của Alibaba.

Tháng 9/2019: Jack Ma rời vị trí chủ tịch

Tháng 9/2018, Jack Ma tuyên bố sẽ chính thức thôi giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị vào ngày 10/9 năm sau và giao lại cho CEO Zhang. Ông sẽ tiếp tục ở lại hội đồng quản trị của công ty tới cuộc họp cổ đông thường niên năm 2020.

Tháng 11/2020: Đế chế công nghệ trị giá 748 tỷ USD

VƯỢT XA NGOÀI THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Hành trình hơn 20 năm kinh doanh đầy sóng gió của Alibaba đã thu về trái ngọt. Hiện tại vốn hóa của gã khổng lồ này đã đạt 748 tỷ USD, trở thành Tập đoàn thương mại điện tử lớn bậc nhất thế giới.

Tuy nhiên, không dừng lại là một công ty thương mại điện tử thuần túy, Alibaba trở thành một đế chế với hoạt động kinh doanh trải khắp logistics, giao đồ ăn… Đáng chú ý nhất trong số đó là mảng điện toán đám mây.

Alibaba hiện là doanh nghiệp điện toán đám mây lớn nhất thế giới, sở hữu mạng lưới hậu cần cung cấp hàng triệu bưu kiện mỗi ngày.

Mảng điện toán đám mây của họ đang tăng trưởng nhanh, doanh thu lên 5,67 tỉ nhân dân tệ, tương đương 820 triệu USD, trong quý kết thúc vào ngày 30/9, tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Điện toán đám mây chiếm 7% tổng doanh thu trong quý này, lớn hơn mức 5% tổng doanh thu của cùng kỳ năm trước.

Alibaba mở rộng làm ăn điện toán đám mây ra nước ngoài trong 2 năm rưỡi qua. Hãng mở trung tâm dữ liệu mới trên toàn cầu, đặc biệt là tại châu Á và châu Âu. Mới đây, hãng mở thêm trung tâm dữ liệu tại Anh, đất nước mà Amazon có chỗ đứng vững.

“Alibaba đang đầu tư với tốc độ khủng để xây dựng các dịch vụ đám mây. Hãng đã trở thành một trong những doanh nghiệp điện toán đám mây lớn thế giới, đang bắt kịp Microsoft, Amazon và Google”, Phó Chủ tịch cấp cao Martin Garner của hãng phân tích Anh CCS Insight cho hay.

Dù vậy, Amazon Web Services (AWS), doanh nghiệp điện toán đám mây của Amazon, vẫn lớn hơn của Alibaba. AWS đạt doanh số 6,68 tỉ USD quý 3/2018. Thành công của Amazon có thể cũng sẽ đến với Alibaba.

Ngoài ra, Alibaba cũng công bố kế hoạch thiết kế chip trí tuệ nhân tạo chuyên đưa vào các máy chủ để xử lý lượng dữ liệu lớn. CEO Zhang cho biết: “Con chip là cốt lõi của sức mạnh tính toán. Vì vậy nếu bạn muốn đưa AI vào kinh doanh thì tập trung vào sức mạnh tính toán. Đó là lý do vì sao tôi nghĩ rằng doanh nghiệp phải dành thời gian sản xuất chip”.

SẢN SINH RA MỘT SIÊU KỲ LÂN 200 TỶ USD

3 năm sau sau Alibaba ra đời, Jack Ma cũng bắt đầu giới thiệu một dịch vụ thanh toán còn khá mơ hồ với mục đích thúc đẩy doanh số bán hàng cho đế chế mua sắm trực tuyến của mình từ 16 năm trước, rất ít có cơ hội thành công. Hiện tại, dịch vụ này đã trở thành xương sống của Ant Group – một gã khổng lồ tài chính có thể được định giá hơn 200 tỷ USD.

Được đặt tên là Ant – tức là “con kiến” bởi nhà sáng lập Jack Ma tin rằng “nhỏ luôn đẹp và quyền lực”. Hiện tại, Ant Group trở thành một tập đoàn đúng như vậy, nhưng không hề nhỏ bé ở Trung Quốc. Tập đoàn này đang dự tính sẽ IPO kép ở Hong Kong và Thượng Hải và rất có thể sẽ trở thành vụ IPO lớn nhất trong lịch sử, vượt cả Alibaba trước đó.

“Ant Group thật sự là một ngai vàng quyền lực của Jack Ma và của ngành công nghiệp internet của Trung Quốc”, chuyên gia phân tích Edith Yeung nói.

Đây là một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới và là nền tảng thanh toán trực tuyến lớn nhất tại Trung Quốc. Ứng dụng này đã xây dựng được sự hiện diện tại mọi mặt của đời sống tài chính ở Trung Quốc – từ đầu tư, tiết kiệm nhỏ tới bảo hiểm, điểm tín dụng và thậm chí là hồ sơ hẹn hò.

Alipay có 711 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và xử lý giá trị thanh toán tới 118 nghìn tỷ NDT (17,2 nghìn tỷ USD) trong 12 tháng qua tính tới tháng 6. Ứng dụng di động Alipay ra đời năm 2009 chiếm hơn 55% thị trường thanh toán di động Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm nay trong khi đó đối thủ WeChat Pay của Tencent và QQ chiếm 40%.

Ứng dụng này cũng kết nối hàng triệu người tới một loạt các dịch vụ tài chính. Người dùng Alipay có thể lướt và chọn các sản phẩm bảo hiểm, trả hóa đơn, nhận khoản vay, trả lương nhân viên và đầu tư tiền vào thị trường cổ phiếu.

Yeung so sánh đây như “siêu thị tài chính”. “Bất kỳ thứ gì bạn muốn làm trong thị trường tài chính đều có thể được thực hiện thông qua Alipay”.

Alipay đã tách khỏi Alibaba thành công ty riêng vào năm 2011 và trở thành một phần của Ant Group vào năm 2014.

Thời gian vừa qua, Ant đã suýt IPO thành công trong một thương vụ IPO lớn nhất trong lịch sử thế giới. Trên thực tế, trong đợt mở bán cổ phiếu trước thềm IPO, Ant đã thu hút được khối lượng đặt mua khổng lồ từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, với tổng giá trị lên tới ít nhất 3.000 tỷ USD – con số đủ để mua được 10 ngân hàng JPMorgan Chase. Đài truyền hình Hồng Kông RTHK đưa tin hơn 1,5 triệu nhà đầu tư cá nhân đã đăng ký mua, tương đương cứ 5 người dân Hồng Kông thì có 1 người đăng ký.

Tuy nhiên, ngay trước thềm cổ phiếu lần đầu tiên được giao dịch trên sàn, cơ quan quản lý Trung Quốc đột ngột đình chỉ vụ IPO khiến mọi thứ rơi vào hỗn loạn.

Hiện tại vẫn chưa biết được tương lai thương vụ IPO của Ant sẽ ra sao.

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *