Sáng 10/3, TAND cấp cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH Grab (Grab).
Nhận định có mối quan hệ nhân quả giữa việc xuất hiện của Grab với thiệt hại của Vinasun, sự sụt giảm doanh thu của Vinasun do Grab, Tòa phúc thẩm đã tuyên Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng.
Sau phán quyết trên, đại diện Grab lên tiếng: “Hôm nay là một ngày buồn cho công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”.
“Chúng tôi rất tiếc khi Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đã chấp thuận giữ nguyên Bản án sơ thẩm, bất chấp việc Grab đã trình bày nhiều luận điểm vững chắc, và Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM cũng như Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại TPHCM đều ra kháng nghị khẳng định hoạt động kinh doanh của Grab tại Việt Nam không vi phạm pháp luật và không vi phạm Đề án thí điểm, và không có chứng cứ để chứng minh được quan hệ nhân quả giữa các thiệt hại (nếu có trên thực tế) mà Vinasun đang yêu cầu bồi thường là do hoạt động kinh doanh của Grab gây ra”.
Đại diện phía Grab cũng nêu rõ 2 căn cứ cho lập luận của mình.
Thứ nhất, Grab cho rằng không có đủ bằng chứng thuyết phục để Tòa phúc thẩm xác định họ đã vi phạm các quy định về kinh doanh vận tải và vi phạm Đề án thí điểm theo Quyết định 24. Việc này có thể tạo nên tiền lệ không tốt, dẫn đến thêm nhiều vụ kiện không công bằng và thiếu cạnh tranh xảy ra.
“Trong tương lai, nếu bất kỳ doanh nghiệp nào không hài lòng với mô hình kinh doanh của một doanh nghiệp khác, họ cũng sẽ lợi dụng tòa án để kiện đối thủ của mình“, Grab nhận định.
Với việc hợp pháp hóa xe công nghệ tại Việt Nam từ ngày 01/04/2020, chúng tôi tin rằng Vinasun không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để cản trở quá trình thực hiện chính sách của Chính phủ thông qua Tòa án
Grab cũng khẳng định các cơ quan chức năng đã xem xét và kết luận hoạt động kinh doanh của Grab tuân thủ Đề án thí điểm theo Quyết định 24. Trên thực tế, Bộ GTVT và các bộ ngành có liên quan, với sự phê duyệt của Thủ tướng, đã xây dựng khung pháp lý cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối như Grab tiếp tục hoạt động kinh doanh, không còn giới hạn trong 5 tỉnh thành tham gia thí điểm, mà sẽ được phép hoạt động trên toàn quốc theo Nghị định 10 (thay thế Nghị định 86) đã được ban hành vào tháng 1 năm nay.
Việc thông qua Nghị định 10 là sự công nhận với việc triển khai thành công Đề án thí điểm theo Quyết định 24 vào năm 2016, khi xe công nghệ đã phát triển và trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân Việt Nam.
“Với việc kéo dài thời gian thực hiện Đề án thí điểm và chuẩn bị triển khai Nghị định 10 (thay thế Nghị định 86), Chính phủ Việt Nam đã ghi nhận tầm quan trọng của ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành giao thông vận tải và hiện thực hóa cam kết phát triển một khung pháp lý mang lại lợi ích công bằng cho tất cả các doanh nghiệp trên thị trường”.
“Điều này bao gồm việc tạo ra sân chơi bình đẳng để các doanh nghiệp taxi và công ty công nghệ có thể cùng tồn tại song song nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dùng Việt Nam ngày càng tốt hơn. Với việc hợp pháp hóa xe công nghệ tại Việt Nam từ ngày 01/04/2020, chúng tôi tin rằng Vinasun không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để cản trở quá trình thực hiện chính sách của Chính phủ thông qua Tòa án“, đại diện Grab cho biết.
Grab cũng khẳng định phán quyết của Tòa phúc thẩm KHÔNG ảnh hưởng đến hoạt động hiện tại và kế hoạch mở rộng hoạt động của Grab tại Việt Nam. Grab cam kết sẽ tiếp tục tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ, ngành khi thực hiện Nghị định 10.
Lập luận thứ hai Grab đưa ra cho rằng Tòa cấp phúc thẩm không có bất kỳ căn cứ nào khi dựa vào báo cáo giám định của CTCP Thẩm định – Giám định Cửu Long để yêu cầu Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng cho Vinasun khi báo cáo này không đảm bảo khách quan, vô tư và có nhiều sai sót.
Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng khi không yêu cầu giám định lại và không triệu tập Công ty Giám định thiệt hại Cửu Long tới phiên tòa.
Không có căn cứ để kết luận rằng chi phí xe nằm bãi của Vinasun liên quan đến Grab.
“Tại phiên tòa hôm nay, Grab đã lại chứng minh được nhiều sai sót trong báo cáo giám định. Vì Tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục dựa vào báo cáo giám định này, nên bản án của Tòa án cấp phúc thẩm là không có tính thuyết phục“, Grab cho biết.
Cụ thể, các chứng cứ có trong hồ sơ vụ kiện cho thấy doanh thu của Vinasun trong lĩnh vực taxi không hề sụt giảm trong năm 2016 và 2017, lợi nhuận của Vinasun bị giảm sút là do các yếu tố nội tại của Vinasun mà hoàn toàn không liên quan gì đến Grab.
Thêm nữa, cũng không có căn cứ để kết luận rằng chi phí xe nằm bãi của Vinasun liên quan đến Grab.
Cuối cùng, việc giảm giá trị vốn hóa thị trường là do có nhiều yếu tố tác động chứ không phải chỉ bởi sự tham gia thị trường của một đơn vị kinh doanh mới.
Trong năm 2019, kinh doanh của Vinasun có dấu hiệu khởi sắc từ Quý 1. Báo cáo tình chính cả năm 2019 của Vinasun cho thấy, doanh nghiệp này đạt gần 2.000 tỷ doanh thu, trong đó doanh thu vận tải bằng taxi đạt 1.728 tỷ, doanh thu vận tải theo hợp đồng đạt hơn 240,5 tỷ đồng.
Thu nhập khác năm 2019 đạt hơn 92 tỷ đồng, trong đó thu nhập từ thanh lý tài sản gần 45 tỷ đồng, từ quảng cáo trên taxi hơn 40 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, Vinasun gần 109 tỷ lợi nhuận sau thuế, tăng so với mức 88 tỷ năm ngoái.
“Cho phép một vụ kiện có tính chất phản cạnh tranh được tiếp diễn sẽ tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến sáng tạo công nghệ và đặt ra nhiều điều kiện kinh doanh đầy thử thách với các nhà đầu tư và các công nghệ trong và ngoài nước. Dường như tòa án đã chọn tiếp tục bảo vệ mô hình kinh doanh truyền thống, thay vì nắm bắt khoa học công nghệ như một cách để thúc đẩy các doanh nghiệp truyền thống hoạt động hiệu quả hơn, sáng tạo hơn”.
“Bất chấp phán quyết này, chúng tôi kiên quyết tiếp tục bảo vệ uy tín và thương hiệu của mình trước những cáo buộc vô lý, sai sự thật và vô văn cứ do phía Vinasun đưa ra tại tòa. Kiên định với nguyên tắc này, Grab sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi để đạt được một kết quả công bằng, minh bạch“, đại diện Grab cho biết.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)