Phó TGĐ Mebipha: Năm nay tiêu chí đầu tiên của chúng tôi là ‘Phải Sống’, đừng nói tới lời lỗ

Doanh nghiệp “thấm đòn” Covid-19

Covid-19 bùng nổ và lan mạnh trong thời điểm Tết và sau Tết Nguyên Đán trên phạm vi toàn cầu và cho đến hiện tại, tốc độ lây lan vẫn không hề giảm, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế thế giới. Không chỉ ngành dịch vụ, các ngành hàng xa xỉ như thời trang, nghỉ dưỡng, ngành sản xuất cũng bắt đầu “thấm đòn” dịch bệnh vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Tham gia buổi tọa đàm “Nữ doanh nhân vượt khủng hoảng thời Covid-19” mới đây, nhiều lãnh đạo chủ chốt ở các doanh nghiệp lớn trên địa bàn TP.HCM đã cùng thảo luận để tìm ra phương án tốt nhất cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Bà Lâm Thúy Ái, Phó Tổng GĐ Cty TNHH SXTM Mebipha không giấu nổi lo lắng: “Chúng tôi sản xuất, cung cấp vaccin, nguồn hàng chỉ có thể trữ kho đến 3 tháng. Cầu thì nhiều nhưng nguồn cung gần như đều bị gián đoạn bởi phần lớn, nguyên liệu đầu vào của chúng tôi đều đến từ Trung Quốc – nơi các công ty châu Âu đặt nhà máy. Chưa kể quy trình kiểm soát dịch chặt chẽ nhằm kiểm soát lây lan, hàng hóa phải mất một quãng thời gian gấp 3, 4 lần trước đây mới có thể cập bến. Hiện, 90% bạn hàng của chúng tôi ở Trung Quốc và kể cả khi lấy hàng từ doanh nghiệp Tây Ban Nha thì họ cũng đặt hàng từ Trung Quốc. Các ông chủ lớn tại Trung Quốc vẫn đang cập nhật hàng ngày về tình hình sản xuất bên họ để biết lộ trình thế nào. Đến khoảng tháng 5 hoặc tháng 6, hy vọng hàng hóa có thể dồi dào trở lại.

Chia sẻ về điều này, bà Nhan Húc Quân – TGĐ Cty TNHH bao bì giấy nhôm New Toyo cũng cho biết, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp bà là phần logistic. Năm nay, Tết Nguyên Đán đến sớm, các ngày kỷ niệm quan trọng như ngày vía thần tài, ngày Lễ tình nhân 14/2, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3… nối liền sau đó. Đây vốn dĩ là thời điểm vàng cho các công ty dịch vụ, cung cấp dịch vụ quà tặng. Nhưng với tâm lý e dè dịch bệnh, hạn chế tiếp xúc, hạn chế đám đông… xu hướng mua sắm giảm rõ rệt. Chỉ số tiêu dùng của Việt Nam và thế giới chạm đáy thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó Tổng Giám Đốc Tập đoàn Kido

Để giảm tải áp lực cho các doanh nghiệp vào thời điểm này, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó TGĐ Tập đoàn Kido nhận định: “Việc xác định tập trung vào kênh phân phối nào vô cùng quan trọng”. Với hai mặt hàng chủ lực là dầu ăn và kem, Kido đang chuẩn bị kịch bản ứng phó nếu chẳng may thị trường tiêu thụ trong nước bị Covid-19 đe dọa.

“Với sản phẩm kem, khi các điểm vui chơi gần như đóng cửa, chúng tôi thu hồi các tủ kem đó và tập trung đẩy mặt hàng kem vào các kênh khác nhau như siêu thị, cửa hàng tiện lợi… để không ảnh hưởng đến doanh thu. Cho nên chúng tôi đã chuyển qua kênh của các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi”, bà Hạnh nói.

Bà Nguyễn Thị Hạnh cũng nhấn mạnh chính sách của Kido trong thời khủng hoảng là đánh giá lại nguồn nguyên phụ liệu, đồng thời chấp nhận không cho nhân viên đi đến các vùng dịch, tất cả vì sức khỏe và sự an toàn của nhân viên. “Chúng tôi ưu tiên xài nguyên liệu thay thế ở Việt Nam, nhờ đó góp phần tăng giá trị liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng tôi cũng chuyển những mục tiêu kinh doanh quan trọng sang quý sau”, bà Hạnh chia sẻ thêm.

Các lãnh đạo doanh nghiệp thảo luận về phương án vượt qua khủng hoảng trong mùa dịch

Tăng cường truyền thông nội bộ, chăm sóc sức khỏe nhân viên và hỗ trợ đối tác

Là công ty sản xuất thực phẩm tiêu dùng, Saigon Food ít chịu ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh. Ngược lại, do nhu cầu sản phẩm thiết yếu tăng cao nên ngay từ sau Tết Canh Tý số lượng đơn đặt hàng đã tăng đột biến, đặc biệt với các mặt hàng ngành đông lạnh, thực phẩm ăn liền. Do lượng đơn hàng tăng quá nhanh, Saigon Food gặp trở ngại về mặt chi phí khi giá một số nguyên liệu đầu vào tăng cao, công nhân phải tăng ca ngay sau tết dẫn đến chi phí sản xuất tăng theo.

Bên cạnh đó, Saigon Food còn bị ảnh hưởng bởi nguồn bao bì nhập khẩu không về kịp thời với nhu cầu sản xuất. Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó TGĐ Saigon Food khẳng định, dù khó khăn nhưng vẫn cam kết không tăng giá sản phẩm, đồng thời tìm mọi phương án khả thi để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, đặc biệt là khách hàng trong nước.

Còn theo bà Lâm Thúy Ái – Phó TGĐ Công ty TNHH SXTM Mebipha, Covid-2019 là cơ hội để thể hiện uy tín và đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp. “Dù nguyên liệu hết sức khó khăn nhưng chúng tôi không ghim hàng, mà chia cho nhiều người sử dụng, cả ở mặt hàng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, vitamin lẫn vaccin. Bình thường, Mebipha bán khoảng 10 tấn Vitamin E, nhưng do ở thị trường cầu nhiều hơn cung, chúng tôi bán 11 đến 12 tấn nhưng chỉ tăng giá một chút xíu, chứ không tăng quá cao như nhiều doanh nghiệp khác”.

Bà Ái cũng nhấn mạnh vì hàng nằm trong vùng dịch không đi được, Mebipha phải chuyển đổi sang nhà cung cấp khác, loại thuốc khác công dụng tương tự và tư vấn cho khách hàng. “Chiến lược kinh doanh của chúng tôi phải thay đổi, không thể dùng chiến lược cho năm 2020 đã đề ra trước khi dịch bùng phát. Năm nay tiêu chí đầu tiên của chúng tôi là “Phải Sống”, bảo toàn sức khoẻ tất cả anh chị em nhân viên là trên hết, làm sao lướt được cơn bão này là tốt rồi, đừng nói tới lời lỗ”.

Về đối nội, các doanh nghiệp đều tăng cường các biện pháp bảo vệ an toàn cho người lao động và sản phẩm của công ty. Trong đó, việc củng cố tinh thần cho nhân viên cũng là một trong những vấn đề được các nữ doanh nhân đặc biệt quan tâm. Bà Lâm Thúy Ái cho biết nếu như trước đây bà chọn mô hình quản lý từ xa qua thiết bị internet thì tại thời điểm này, bà luôn có mặt đủ 5 ngày trong công ty mỗi tuần để truyền năng lượng, cỗ vũ nhân viên.

“Chúng tôi liên tục tuyên truyền cho nhân viên để họ hiểu về Covid-19 và cách phòng tránh để không quá hoảng sợ. Ngoài cung cấp khẩu trang, nước rửa tay cho nhân viên, chúng tôi còn linh hoạt sắp xếp tráo ca để các anh chị có thể yên tâm đi làm mà vẫn có thể chăm sóc được con cái”, Phó TGĐ Công ty TNHH SXTM Mebipha chia sẻ quan điểm.

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *