Duy nhất CEO Vietjet tăng tài sản trong năm qua
Tại thời điểm 5/3/2020, Forbes ghi nhận tài sản của các tỷ phú Việt Nam với nhiều biến động, trong đó duy nhất tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng so với thời điểm một năm trước.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – nữ tỷ phú của Việt Nam là người duy nhất có giá trị tài sản tăng so với một năm trước đó. Tại 5/3/2020, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã tăng 0,2 tỷ USD so với thời điểm tháng 3/2019 lên 2,5 tỷ USD.
Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng được Forbes ghi nhận tại ngày 5/3 là 6,6 tỷ USD (tương đương khoảng 154 nghìn tỷ đồng), giảm 1,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh nhất trong các tỷ phú Việt. Dù vậy, ông Vượng vẫn là tỷ phú Việt Nam đứng đầu danh sách Forbes.
Những tỷ phú còn lại cũng ghi nhận tình trạng tương tự, tài sản của ông Trần Bá Dương giảm 0,2 tỷ USD xuống 1,5 tỷ USD. Tài sản trên sàn của ông Hồ Hùng Anh giảm 0,6 tỷ USD xuống 1,1 tỷ USD. Tài sản theo thời gian thực của Chủ tịch tập đoàn Masan Nguyễn Đăng Quang và gia đình giảm xuống dưới ngưỡng 1 tỷ USD.
Trong bối cảnh tác động không nhỏ của dịch cúm do virus corona, nhiều cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán giảm sâu kéo theo tài sản của các tỷ phú sụt giảm mạnh. Tuy nhiên giá trị tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn tăng cho thấy nhiều khả năng Forbes đã tính thêm những tài sản trên sàn chứng khoán, cho thấy nguồn tài sản vững chắc của nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Đông Nam Á. Xếp hạng tỷ phú của Forbes thường được đánh giá theo giá trị cổ phiếu nhưng bên cạnh đó cũng tính tới các tài sản khác.
Câu chuyện tỷ phú và cả nền kinh tế
Theo Forbes, Việt Nam là một trong 6 nước trong khu vực ASEAN có các tên tuổi góp mặt trong danh sách tỷ phú USD toàn cầu. Tuy nhiên, số lượng tỷ phú USD của Việt Nam ở mức thấp nhất cả về số lượng và giá trị tài sản với tổng giá trị tài sản của 5 tỷ phú năm 2019 là 13,6 tỷ USD.
Nhìn sang láng giềng, Thái Lan có 31 tỷ phú USD với tổng tài sản 94,8 tỷ USD (gấp gần 7 lần Việt Nam), hay Malaysia có 13 tỷ phú với tổng tài sản 61,6 tỷ USD, Philippines có 17 tỷ phú với tổng tài sản 47,7 tỷ USD… Do đó, nhiều người mong muốn Việt Nam sẽ có thêm nhiều tỷ phú USD nữa, không phải chỉ để nhìn ở bề nổi để thống kê và mang thành tích so sánh với các nước mà bởi kỳ vọng những doanh nhân này, những doanh nghiệp top đầu này sẽ kéo theo sự phát triển và lớn mạnh của một hệ thống doanh nghiệp khác trong nước.
Dù quá trình thành nên các tài sản tỷ USD trên còn nhiều khía cạnh khác nhau của mỗi tỉ phú song theo quan điểm của của TS. Trần Đình Thiên, cần có cái nhìn rộng hơn bởi “nhìn phía này tối đen nhưng nhìn phía khác lại là bình minh”.
Ông Thiên còn cho hay, quá trình chuyển đổi đất nước tạo ra những kẽ hở và cũng có thể bị lợi dụng bởi những doanh nghiệp thức thời nhưng nếu nhìn một cách tích cực thì chính những tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn này đã góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của kinh tế đất nước. Ngay cả việc thao túng bất động sản, ông Thiên cũng hướng tới góc nhìn tích cực là nó làm cho tài sản của địa phương và quốc gia tăng lên, kéo theo sự phát triển của nền kinh tế.
Hay việc tích lũy tài sản từ cơ hội đất đai, ông Thiên cũng cho rằng, nhờ đó doanh nghiệp mới có năng lực tài chính để đầu tư mở rộng, thậm chí nếu doanh nghiệp biết sử dụng tốt nguồn lực đó có thể tạo ra năng lực về khoa học và công nghệ, thúc đẩy sự phát triển đất nước.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)