Công ty kín tiếng đằng sau bộ kit thử Covid-19 made in Vietnam: “Đại gia” lĩnh vực thiết bị y tế với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng

Trong bối cảnh dịch cúm do chủng mới virus corona đang bùng phát trên toàn thế giới, cách tốt nhất để hạn chế dịch lây lan đó là test càng nhiều càng tốt để khoanh vùng các đối tượng cách ly.

Việt Nam là một trong số ít các nước hiện nay đã sản xuất thành công bộ sinh phẩm (bộ kit) phát hiện nCoV do Học viện Quân Y và CTCP Công nghệ Việt Á sản xuất. Bộ kit xét nghiệm này cho kết quả chính xác 100% sau 2h và đáp ứng được các tiêu chí tương đương các bộ sinh phẩm do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ và WHO hướng dẫn. Bộ kit này vừa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất đại trà.

Ông Phan Quốc Việt (1980), Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á

Bộ kit sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR và realtime RT-PCR), sản xuất trên dây chuyền tiêu chuẩn ISO 13485, Labo kiểm định tiêu chuẩn ISO Class 8.

Bộ kit được bào chế dưới dạng dung dịch, có tác dụng kiểm tra nCoV trong mẫu bệnh phẩm đường hô hấp trên (dịch mũi họng, dịch súc họng), đường hô hấp dưới (đờm, dịch phế nang, dịch nội khí quản, dịch màng phổi) và mẫu máu.

Kiểm định độc lập tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đánh giá trên các mẫu bệnh phẩm, tương thích với 5 loại thiết bị phổ biến ở các cơ sở y tế trong nước đều cho kết quả chính xác 100% ở tất cả các lần thử nghiệm. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định, bộ sinh phẩm được khuyến cáo sử dụng để phát hiện nCoV.

Đơn vị sản xuất kit: Giải bài toán trong 2 tuần

Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á là một công ty chuyên về lĩnh vực sinh học phân tử, với số vốn 1.000 tỷ đồng, đặt tại quận Phú Nhuận, Tp.HCM. Công ty có đội ngũ cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm hơn 10 năm về lĩnh vực sinh học phân tử, đây cũng là nhóm đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công và đưa vào thương mại từ rất sớm các kit sử dụng kỹ thuật realtime PCR (là một kỹ thuật thí nghiệm sinh học phân tử dựa trên phản ứng chuỗi polymerase) và lai phân tử.

Cuối năm 2017, Việt Á đã tăng mạnh vốn điều lệ từ 200 tỷ lên 1.000 tỷ đồng

Công ty được trang bị đầy đủ các máy móc cần thiết cho các nghiên cứu và ứng dụng sinh học phân tử như: Máy PCR, real-time PCR, ly tâm… Hiện nay, công ty đã trang bị trên 15 máy real-time PCR thế hệ mới nhất, 1 số máy công ty đang hỗ trợ cho khách hàng là các bệnh viện lớn: BV Đa Khoa Trung Ương Cần Thơ, BV Trung Ương Huế,…

Theo chia sẻ của ông Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Học viện Quân y và công ty Việt Á đã khởi động công việc từ tháng 12/2019 (khi dịch mới xuất hiện ở Trung Quốc). Việt Á là đơn vị duy nhất có đủ các điều kiện để cấp “visa” (cấp phép) theo đúng quy định của Bộ Y tế và cũng là đơn vị duy nhất được Bộ Y tế cấp visa cho gần 15 bộ sinh phẩm tương tự.

“Trước tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, yêu cầu đặt ra là phải nghiên cứu trong thời gian 2 tuần (2 tuần phải có sản phẩm đưa vào đánh giá thực nghiệm). Rất nhanh nhạy, Học viện Quân y và chúng tôi đã chuẩn bị việc này từ trước Tết. Vì vậy, khi Bộ Khoa học Công nghệ phát lệnh là Học viện Quân y cùng chúng tôi vào cuộc. Chúng tôi đã thực hiện nghiên cứu, chuẩn hóa và cho ra sản phẩm đầu tiên trong vòng 2 tuần, sau đó đi thử nghiệm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Kết quả ban đầu cho thấy, 3 bộ kit test của chúng tôi có thể dùng để phát hiện SARS-CoV-2 (Covid-19) trong thực tế”, ông Việt chia sẻ với báo giới về quá trình nghiên cứu sản phẩm.

Hiện nay, chỉ có một phương pháp duy nhất trên thế giới được WHO công nhận là “tiêu chuẩn vàng” để phát hiện virus này là Real-Time RT-PCR. Chỉ có WHO, CDC (Mỹ), Trung Quốc, Anh, Đức, Singapore, Việt Nam, Hàn Quốc đã có kit thử Covid-19.

Theo ông Phan Quốc Việt, trong ứng dụng kỹ thuật Sinh học phân tử để làm test kit, Việt Nam không đi sau các nước trên thế giới. Kit của Việt Nam ở dạng “ready to use” tức là dạng đóng gói sẵn để “sẵn sàng sử dụng” mà không cần phải pha chế như kit của các nhà sản xuất khác.

Ông Phan Quốc Việt cho biết, “nghiên cứu này giống như một cuộc chiến, đây là trách nhiệm với cộng đồng và là cơ hội để cống hiến cho xã hội. Để sản xuất thành công sản phẩm này, rất nhiều ngày, đại diện Bộ KHCN, Học viện Quân y, Công ty Việt Á phải thức trắng đêm. Có hôm các bên tương tác qua lại từ 6h sáng hôm trước đến 3h sáng hôm sau”.

Hiện tại năng lực sản xuất của công ty khoảng 10.000 bộ kít/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần (khoảng 30.000 kít/ngày), hoàn toàn đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, hoặc hỗ trợ quốc tế.

Chi phí sản xuất bộ kít đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ nên hiện giá chỉ còn 400.000– 600.000 đồng/test. Giá thị trường của CDC Mỹ cao hơn gấp 2-3 lần, nhưng chưa sản xuất thương mại ở dạng kít “ready to use”. 1 bộ kít gồm 50 test, dùng 50 lần. Theo lý thuyết, dùng cho 50 bệnh nhân.

Năng lực sản xuất này được cơ quan chức năng đánh giá có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu một phần. “Công ty không tính đến chuyện lỗ lãi, chỉ muốn cống hiến cho cộng đồng”, ông Việt chia sẻ với báo giới.

Ông Việt cũng khuyến cáo người bình thường không thể tự mua bộ test này trên thị trường được vì yêu cầu phương tiện kỹ thuật chuyên dụng phải được sử dụng tại cơ sở y tế.

Thứ trưởng Bộ Khoa học – công nghệ Phạm Công Tạc cho biết ngay sau khi Việt Nam sản xuất thành công bộ kit real-time RT-PCR one step phát hiện SARS-CoV-2 do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp Công ty cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện, nhiều quốc gia, doanh nghiệp đã đặt vấn đề mua bộ kit do Việt Nam sản xuất.

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *