Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mong muốn, thông qua chương trình đối thoại với doanh nghiệp, Thành phố sẵn sàng lắng nghe để tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, tháo gỡ các thủ tục để cho các chính sách, dự án của doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn Thành phố được kích hoạt, thông suốt. Ngoài ra, Thành phố cũng muốn lắng nghe đề xuất của các nhà đầu tư, hiệp hội về phí, lệ phí… để Thành phố có điều chỉnh quyết sách cần thiết thuộc thẩm quyền.
Tại hội nghị, Tổng giám đốc Vietnam Airlines – ông Dương Trí Thành chia sẻ ngành hàng không hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, nếu sau dịch bệnh làm ăn tốt, mất tối thiểu 5 năm mới bù được lỗ phát sinh. Tuy nhiên ở thời điểm này Vietnam Airlines không đặt vấn đề lỗ lãi, mà quan trọng là cách phục hồi. Hãng xác định phải “nuôi quân và vượt qua”, cần nhất là dòng tiền hỗ trợ và nhấn mạnh đến tốc độ triển khai của các gói giải pháp. Ông Thành cho rằng các ngành mang tính chất dẫn đường phải được ưu tiên trước.
Ông Thành mong muốn về chính sách giảm thuế tạo, giãn nợ, mong muốn cùng các DN liên quan đến khách sạn, lữ hành triển khai ngay các chương trình phục hồi du lịch sớm; đề nghị các sở ban ngành tạo điều kiện giúp đỡ đối với chế độ người lao động, trong bối cảnh số lượng nhân viên của Vietnam Airlines lớn với 3.000 tiếp viên và 1.000 phi công.
Tập đoàn Hòa Phát kiến nghị tạo điều kiện lưu thông vận chuyển hàng hóa để khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, đề nghị thành phố kiến nghị với Chính phủ có cơ chế đặc thù để chuyên gia nhập cảnh Việt Nam trên tuân thủ đúng quy định cách ly và phòng chống dịch bệnh, để tạo điều kiện cho các dự án cần chuyên gia được thực hiện đúng tiến độ, nhất là các dự án về công nghệ. Theo dự kiến ban đầu trong quý 2/2020 dự án thép Hòa Phát Dung Quất sẽ ra sản phẩm thép cuộn cán nóng tuy nhiên do chuyên gia Ý chưa sang được nên tiến độ bị chậm.
Các doanh nghiệp mong giảm thuế, miễn thuế sử dụng đất
Chủ tịch Hội DN Vừa và nhỏ Hà Nội kiêm Chủ tịch Tập đoàn T&T và ngân hàng SHB, ông Đỗ Quang Hiển kiến nghị thành phố xem xét giải pháp giảm các loại thuế không chỉ trong thời gian này mà về lâu dài theo đúng tinh thần NQ 35.
Tập đoàn BRG cho biết chịu ảnh hưởng nặng nề sơ bộ 1.000 tỷ đồng vì Covid-19; 3.700 tấn gạo chưa được xuất khẩu. Chủ tịch BRG Nguyễn Thị Nga đề nghị TP cho phép mở cửa lại các khách sạn, sân golf nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch (giữ khoảng cách, sát khuẩn, đeo khẩu trang). Đề nghị giảm thuế cho DN đến 50%; áp dụng mức thuế giá trị gia tăng từ 0% hoặc giảm đến 50%; miễn thuế sử dụng đất; tạo điều kiện cho lực lượng lao động từ các tỉnh vào làm việc tại các dự án xây dựng…
Đại diện Tập đoàn Vingroup cho biết tất cả các lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn như sản xuất ô tô, xe máy, du lịch, bất động sản, giáo dục của Tập đoàn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Hơn 18.000 nhân viên tại các khu nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng bởi dịch nhưng Tập đoàn vẫn phải duy trì lương cho lượng người này, lỗ 3.000 tỷ. Tập đoàn Vingroup đề xuất giãn nộp tiền thuê đất, xin miễn tiền thuế đất năm 2019 các cơ sở kinh doanh lưu trú, xin giãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Tại Hà Nội, Tập đoàn xin hỗ trợ các thủ tục hành chính, điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch phân khu; sớm phê duyệt các danh mục sử dụng đất…
Bà Nguyễn Thị Lan Hương giám đốc CTCP Việt phúc (VPEXCO) đề xuất “doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch” vì chưa thể biết bao giờ dịch sẽ hết nhưng sản xuất thì không thể đình trệ mãi. Theo Bà Hương, TP tính phương án sắp tới nới rộng cách ly, để doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ bắt tay phục hồi dần dần sản xuất. TP cần có hướng dẫn cụ thể, đưa ra điều kiện, tiêu chuẩn phòng dịch để các doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động thực hiện nghiêm ngặt. Cụ thể như người lao động phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, đeo kính giọt bắn, khử khuẩn toàn thân, khử khuẩn môi trường làm việc…..
Đối với gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất 300.000 tỷ đồng của các ngân hàng thương mại, đề nghị ngành ngân hàng phân loại các nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đưa ra tiêu chí cụ thể đúng với ý nghĩa cứu trợ và cho triển khai trong tháng 4/2020.
Đối với các khoản vay đã có, cần có các biện pháp giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ bằng các tiêu chí cụ thể các doanh nghiệp bị ảnh hưởng duy trì qua khó khăn.
Hiện nay, lãi suất ngân hàng giảm 1,5%, xuống còn 6,5 – 7%/năm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng mức này vẫn là quá cao so với khu vực, do vậy, mong lãi suất ngân hàng giảm hơn nữa cho doanh nghiệp.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)