Ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên nền kinh tế toàn cầu nói chung cũng như Việt Nam nói riêng ngày càng rõ nét, đã có không ít trường hợp phải tuyên bố phá sản vì không thể tiếp tục cầm cự.
Diễn biến ngược lại, tận dụng những nguyên liệu sẵn có để chuyển hướng kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thị trường ngắn hạn trong mùa dịch lại đang đem về mức tăng trưởng đáng chú ý cho nhiều doanh nghiệp: từ đơn vị cung cấp khẩu trang, gel rửa tay đến thuốc tăng đề kháng, thực phẩm.
Khẩu trang bù đắp mức sụt giảm doanh số truyền thống của doanh nghiệp dệt may
Đầu tiên phải kể đến doanh nghiệp sản xuất và cung ứng khẩu trang kết thúc quý 1/2020 với điểm sáng về nhóm sản phẩm mới này, mặc dù ngành nghề truyền thống bị ảnh hưởng không ít bởi dịch. Đặc biệt, trong cơn sốt khẩu trang nội địa khoảng đầu tháng 2, nhiều doanh nghiệp ghi nhận doanh thu nội địa tăng đột biến.
Điển hình có CTCP Đầu tư và Thương mại TNG, tháng 2 doanh thu nội địa Công ty tăng đến 240% so với cùng kỳ. Luỹ kế 3 tháng đầu năm, mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khiến nguyên phụ liệu nhập khẩu bị chậm, dẫn đến thời gian giao hàng dãn khiến chỉ tiêu mảng cốt lõi không đạt như kỳ vọng; tổng doanh thu TNG chỉ giảm nhẹ 4% xuống còn 773 tỷ đồng.
Việc sản xuất khẩu trang kháng khuẩn phục vụ chống dịch đã giúp doanh thu tiêu thụ nội địa trong quý vừa qua đạt hơn 63 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Kết quả, lãi sau thuế đạt gần 34 tỷ đồng, giảm 10% cùng kỳ năm trước.
Điểm sáng từ kinh doanh khẩu trang cũng góp phần thúc đẩy thị giá cổ phiếu TNG trên thị truờng tăng tích cực, hiện TNG đang giao dịch tại mức 11.600 đồng/cp.
Tổng CTCP Y tế Danameco (DNM) cũng vừa công bố KQKD quý đầu năm với doanh thu tăng 225% lên 127 tỷ; lợi nhuận gộp tăng 134% đạt 24 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, LNST Công ty tăng đột biến 650% đạt 8,2 tỷ đồng, tương đương với mức lãi cả năm 2019.
DNM cho biết khi dịch Covid-19 bùng phát đã tập trung đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, trang phục chống dịch… Doanh nghiệp còn đầu tư máy móc, tăng năng lực sản xuất và mở rộng thị trường.
Hay Tập đoàn Dệt may (Vinatex), mặc dù đang gồng gánh nhiều chi phí và đối mặt với nguy cơ mất thanh khoản, doanh nghiệp vẫn ghi nhận điểm sáng trong quý 1 là doanh thu nội địa tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Song, doanh thu xuất khẩu sụt giảm khiến doanh thu của Tập đoàn giảm 7% so cùng kỳ năm ngoái, thực hiện 20% kế hoạch năm.
Đáng chú ý, việc sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn đã giúp Tập đoàn và các đơn vị thành viên bù đắp phần thiếu hụt của các sản phẩm truyền thống, phía Tập đoàn nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cung ứng gel rửa tay ghi nhận kết quả đột biến
Một sản phẩm cũng không kém sốt, gel rửa tay. Đáng chú ý, Bột giặt Lix (Lixco, LIX) vừa thông báo doanh thu quý 1 đạt hơn 880 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Trong đó, phần tăng chủ yếu đến từ doanh thu khu vực nội khi đạt 776 tỷ đồng, tăng 64%; thông qua việc bán sản phẩm nước rửa tay khô On1 giữa đại dịch. Nhu cầu đột biến về nước rửa tay và chất tẩy rửa khác một phần nào giúp doanh thu nội địa tăng cao.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu LIX hiện đang giao dịch với mức giá 57.900 đồng/cp (kết phiên 17/4), tăng khoảng 38% so với đầu năm và mức giá hiện đang tiệm cận đỉnh lịch sử năm 2016.
Bột giặt Net (Netco, NET) cũng kết thúc quý đầu năm với kết quả đột biến, doanh thu thuần tăng 42% lên 357 tỷ nhờ sản lượng tiêu thụ tăng và lợi nhuận sau thuế tăng 108% lên 32 tỷ đồng. Đây là quý có kết quả lợi nhuận cao nhất trong lịch sử niêm yết từ 2009.
Trong đó, Net cũng khai thác nhu cầu dịch Covid-19 với sản phẩm nước rửa tay khô kháng khuẩn Net Care+. Ngoài ra, Netco còn gia công sản phẩm cho đối tác Unilever với các nhãn hiệu như Omo, Surf, Sunlight…
Nhóm dược, thực phẩm cũng tăng lãi giữa đại dịch
Cuối cùng, ngành dược cũng được hưởng lợi từ dịch bệnh khi nhu cầu về thuốc men, đặc biệt thực phẩm tăng sức đề kháng, vitaminC tăng cao. Theo đó, Dược Hậu Giang (DHG) vừa công bố doanh thu quý 1/2020 đạt 858 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp tăng 26% lên 423 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp tăng từ 44% lên 49%.
Công ty cho biết nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng cao trong dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là các sản phẩm tăng sức đề kháng giúp doanh thu tăng. Ngoài ra, Công ty còn tổ chức hệ thống phân phối và kết nối khách hàng tốt, tập trung bán các sản phẩm chủ lực, triển khai dự án tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất giúp tiết giảm chi phí. Kết quả, lãi ròng 3 tháng đầu năm DHG tăng 31% lên 177 tỷ đồng.
Ghi nhận kết quả tốt giữa đại dịch Covid-19 còn có Dabaco (DBC): doanh thu 3.248 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt trên 340 tỷ đồng. So cùng kỳ, quý đầu năm 2020 lợi nhuận DBC cao gấp 17 lần (quý 1/2019 chỉ đạt 20 tỷ). Quý đầu năm, Công ty cho biết đã tăng cường sản xuất các sản phẩm là nhu yếu phẩm thiết yếu như trứng gà tươi, trứng gà chế biến, thực phẩm chế biến từ thịt và tổ chức hệ thống phân phối, vận chuyển an toàn đến tận tay người tiêu dùng. Đơn vị chăn nuôi cũng tăng cường bán lợn thịt, gà thịt nhằm cung cấp cho thị trường nguồn cung thực phẩm chất lượng cao và ổn định trong bối cảnh dịch bệnh.
Trên thị trường, mã DBC liên tục tăng tốt những phiên gần đây, sau thông tin lãi quý 1/2020 đột biến. Hiện cổ phiếu Công ty giảm sàn 2 phiên liền sau đợt thăng hoa, giao dịch tại mức 24.250 đồng/cp.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)