CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel, VTR) vừa công bố BCTC hợp nhất quý đầu năm với doanh thu vận tải sụt giảm nghiêm trọng, dù cắt giảm chi phí (cắt 50% chi phí nhân viên), ghi nhận lãi từ chênh lệch tỷ giá thanh lý tài sản… Công ty vẫn báo lỗ hơn 41,5 tỷ đồng – “thổi bay” lợi nhuận cả năm 2019.
Chi tiết, doanh thu VTR ghi nhận giảm phân nửa về 789,5 tỷ; trong đó doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành giảm từ 1.148 tỷ về 608 tỷ đồng; doanh thu bán vé máy bay cũng giảm mạnh từ 232 tỷ về 155 tỷ.
Trong kỳ, nhờ chênh lệch tỷ giá mang về khoản thu tài chính gần 2 tỷ, lãi tiền gửi tăng mạnh lên hơn 16 tỷ; ngược lại chi phí lãi vay cũng tăng mạnh từ 2,5 tỷ lên hơn 21 tỷ đồng.
Công ty còn thực hiện cắt giảm đáng kể các khoản chi phí. Đáng chú ý, chi phí nhân viên quý đầu năm cắt giảm một nửa (từ 44 tỷ) về chỉ còn hơn 21 tỷ đồng. Công ty cũng ghi nhận lãi thanh lý gần 2 tỷ…
Khấu trừ các chi phí, VTR báo lỗ ròng hơn 41,5 tỷ đồng chỉ trong quý 1/2020 – tương đương mức lãi cả năm ngoái. Theo đó, khoản lợi nhuận giữ lại tính đến thời điểm 31/3/2020 của Công ty chỉ còn hơn 38 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản Công ty vào mức 1.900 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ; tiền và tương đương tiền giảm về 115 tỷ, nắm giữ ngắn hạn hơn 701 tỷ. Nợ phải trả VTR hiện vào mức 1.703 tỷ, vốn chủ 197 tỷ đồng. Với tiềm lực tài chính khiêm tốn, tham vọng lấn sân ngành hàng không của VTR trở thành đề tài được quan tâm bởi dư luận.
Trước thềm thành lập hãng bay, VTR thông qua phương án phát hành trái phiếu không chuyển đổi riêng lẻ với tổng giá trị 700 tỷ đồng, tương đương mức vốn điều lệ đăng ký. Mới đây, Công bố kết quả lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về mức giá, thời gian chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược và thời gian phát hành ESOP.
Trong đó, cổ đông thông qua mức giá phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược năm 2019 là 10.100 đồng/cp, tỷ lệ tán thành 77,64%. Mục tiêu huy động vốn để tăng vốn điều lệ bổ sung nguồn vốn lưu động. Cổ phiếu bán cho đối tác chiến lược bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành.
Với phương án ESOP, VTR dự phát hành làm 2 đợt. Đợt 1, doanh nghiệp phát hành 556.000 cổ phiếu giá 10.100 đồng/cp và đợt 2 là 296.000 cổ phiếu giá 18.276 đồng/cp.
Riêng kế hoạch tại hãng bay Vietravel Airlines, hãng vừa chính thức được phê duyệt đầu tư, dự kiến sẽ khai thác chuyến đầu tiên vào năm 2021. Nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại về bối cảnh chật vật của xuất phát điểm Vietravel Airlines, khi dịch Covid-19 đang khiến các “anh cả” trong ngành lao đao, thậm chí đối mặt với nguy cơ mất thanh khoản.
Từng chia sẻ về dự án Vietravel Airlines, Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Kỳ cho biết: “Vietravel đã tham gia thị trường này 5 năm, không phải hứng lên thì làm”.
Hiện, VTR mỗi năm bay 500 chuyến charter, đứng đầu thị trường bay charter hiện nay (trong du lịch, charter flight thường được hiểu là một chuyến bay thuê bao dành riêng cho du khách của một hãng lữ hành). Nhưng bên cạnh đó, 1 năm charter bay từ nước ngoài bay về Việt Nam là 51.000 chuyến, thị phần này đang hoàn toàn nằm ở công ty nước ngoài, con số 500 chuyến của Vietravel chỉ như muối bỏ biển.
Với các hãng hàng không hiện nay, bay thông dụng là thị trường chính, bay du lịch là thị trường ngách, nhưng với VTR thị ngược lại, bay du lịch là thị trường chính. Ở đây không có sự đối chọi, việc VTR tham gia thị trường hàng không chỉ là bổ trợ.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)