Phát biểu tại Hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng với các doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” sáng 9/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trong bối cảnh các tổ chức quốc tế ước tính đại dịch Covid-19 khiến cho kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng âm khoảng 3%, Việt Nam đã nỗ lực để đạt được trạng thái tích cực.
Tăng trưởng GDP quý 1/2020 đạt 3,82%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 83 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ, xuất siêu 3 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài vùng xoáy ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch.
Theo kết quả khảo sát gần 130 nghìn doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện vào cuối tháng 4 vừa qua cho thấy có khoảng 86% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 .
Doanh thu quý I/2020 của các DN giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm trước và dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 sẽ tiếp tục giảm xuống còn gần 70% cùng kỳ năm 2019. Mặc dù doanh thu bị giảm mạnh so với kế hoạch đề ra, tuy nhiên các DN vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí hằng ngày như chi trả lương và các khoản chi phí liên quan cho người lao động, chi phí lãi vay, thuê mặt bằng,…
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho biết, phía trước còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức, như tình trạng đứt gẫy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mà vẫn chưa thể khắc phục ngay trong time tới, tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp.
“Hiện tượng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong thời gian tới có thể sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, nguy cơ các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể sẽ bị thâu tóm với giá rẻ“, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ lo ngại.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tính đến ngày 20/4/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,3 tỷ USD. Trong đó, có 3.210 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn gần 2,5 tỷ USD.
Tính riêng Trung Quốc – quốc gia phục hồi sau Covid-19 sớm hơn các nước khác, các nhà đầu tư từ Trung Quốc thực hiện giao dịch rót vốn đầu tư qua hình thức M&A doanh nghiệp Việt Nam lên đến 557 lượt với tổng vốn góp là hơn 230 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2020, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước thềm hội nghị, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gửi gần 100 kiến nghị, đề xuất giải pháp tới Chính phủ với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó đề xuất Chính phủ chỉ đạo tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.
“Trong bối cảnh doanh nghiệp Việt gặp khó khăn, có nguy cơ phá sản, xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài đang xem xét việc mua lại các doanh nghiệp trong ngành bất động sản, bán lẻ… VCCI đề nghị Chính phủ có chỉ đạo tạm thời dừng việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh để hạn chế việc doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm các doanh nghiệp Việt Nam“, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nêu trong kiến nghị.
Diễn đàn Doanh nghiệp dẫn lời Thủ tướng Chính phủ trong cuộc làm việc với TPHCM trước thềm hội nghị cho biết: Thủ tướng nhận định nguy cơ doanh nghiệp Việt bị thâu tóm cần được tính đến.
Thủ tướng cũng lưu ý phải chống lại những hành vi trục lợi trong đại dịch thông qua thâu tóm, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trọng yếu. Do đó, Thủ tướng yêu cầu phải hạn chế, kiểm soát việc bán doanh nghiệp trong quý I/2020 và hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)