“Hôm qua vẫn có khách WeJoy qua làm đẹp. Sáng nay cũng có khách book lịch… Công nợ gần 200 triệu đồng hôm nay đến hạn thanh toán. Nhưng em chỉ nhận được một email thông báo phá sản”, Phó Minh Trang – chủ spa thương hiệu Uni Beauty – chia sẻ.
10/5/2020, cô con gái nhỏ của Trang mới sinh được gần 3 tuần, cũng là thời điểm CEO WeFit Nguyễn Hải Đăng hẹn thanh toán một phần trong khoản nợ gần 200 triệu đồng. Số tiền ấy Trang tính trang trải tiền thuê mặt bằng, vốn vẫn phải thanh toán dù spa Uni Beauty của Trang phải đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19 .
Đúng hẹn, WeFit không thanh toán đồng nào, trong khi Uni Beauty vẫn tiếp khách từ WeFit đến sử dụng dịch vụ.
Sáng 11/5, Uni Beauty là một trong số hàng trăm đối tác mảng Beauty, Fitness của WeFit nhận được thông báo startup này phá sản. Mọi vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của mình, đối tác phải liên hệ với Tòa án Nhân dân TP Hà Nội để được giải quyết.
Duyên nợ với WeJoy
Trang chủ của WeJoy hiện vẫn hiển thị ưu đãi.
Năm 2019, bên cạnh lĩnh vực cốt lõi là kết nối phòng tập, WeFit lấn sân sang mảng Beauty, kết nối với các spa, ra mắt thương hiệu WeJoy, đồng thời đổi tên startup thành WeWow.
Uni Beauty là đối tác (merchant) liên kết với WeJoy vào thời điểm đầu, vào tháng 5/2019. Khi liên kết, quyền lợi của các spa là được WeJoy giới thiệu khách hàng. Phía WeJoy sẽ thanh toán theo lượt khách sử dụng cho spa vào mỗi cuối tháng.
“Do spa bên em được khách hàng đánh giá tốt, nên lượt khách đến sử dụng dịch vụ cũng tăng hơn trước đó“, Trang tâm sự.
Nhưng WeFit chỉ trả công nợ đều đặn trong 4 tháng đầu. Từ tháng 9/2019, tình trạng nợ đọng bắt đầu diễn ra.
“Các bạn nhiều lần sang nói chuyện bên em cũng thương và tạo điều kiện nên mới cho nợ nhiều đến vậy. Ai ngờ lợi dụng lòng tin bên em, lừa em nhiều đến vậy. Các spa khác công nợ chỉ vài chục triệu thôi, không tới gần 200 triệu như bên em“, Trang kể.
Cùng nhau vượt qua khủng hoảng, nhưng sinh xong chỉ nhận được 2 chữ “phá sản”
Dòng tin nhắn trao đổi giữa Uni Beauty và đại diện WeJoy.
Thời điểm WeFit gặp khủng hoảng cả phía đối tác lẫn khách hàng, Uni Beauty vẫn quyết định hợp tác tiếp, mong WeFit sớm vượt qua sóng gió…
“Thời điểm WeFit gặp khủng hoảng, các bạn bên WeJoy qua nói chuyện, trưởng phòng bên ấy sang cửa hàng em xin lỗi và lấy danh dự ra đảm bảo chỉ xin thanh toán chậm chứ không có chuyện không trả tiền, cho nên em mới thương và tiếp tục hợp tác, để các bạn làm ăn vượt qua sóng gió. Ai kinh doanh mà chẳng có lúc khó khăn! Đâu nghĩ các bạn ấy đẩy em vào đường cùng như này”.
“Cho rằng kinh doanh ai cũng có lúc nọ lúc kia, nên em mới để cho các bạn thư thư trả nợ cũng được, chừa một con đường cho các bạn làm ăn. Đùng một cái gửi thông báo phá sản như này, giờ em cũng đóng cửa theo các bạn luôn. Công ty có vấn đề, không kham nổi có thể báo đối tác tạm thời đừng liên kết, sao các bạn lại làm thế này!“, Trang nói.
Tổng số tiền WeFit nợ Uni Beauty chính xác là 177,8 triệu đồng. Đích thân CEO Nguyễn Hải Đăng gửi mail xác nhận và hứa thanh toán một phần vào ngày 10/5. Tuy nhiên đến 11/5, thông báo phá sản kèm xác nhận công nợ gửi sang Trang lại cho rằng số tiền nợ của WeFit chỉ là 148 triệu đồng.
“Giờ bọn em như bị lừa, không biết phải giải quyết như nào vì Giám đốc Đăng (CEO Nguyễn Hải Đăng – PV) và nhân viên chỉ trả lời là lên tòa giải quyết”.
Số công nợ CEO WeFit gửi trước đó và số công nợ WeFit xác nhận trước khi phá sản vênh gần 30 triệu đồng.
“Công sức bọn em làm việc, thuê nhân viên, chi trả mặt bằng, mà giờ chỉ một mail báo phá sản là xong. Buồn lắm! Mình là cửa hàng nhỏ lẻ nên để được bảo vệ quyền lợi cũng chả biết nhờ ai“, Trang tâm sự.
Chi phí mặt bằng của Uni Beauty đóng 6 tháng một lần, tổng phải trả đợt này là 60 triệu đồng. Tuy nhiên, do tin tưởng WeFit sẽ thanh toán, Trang không kịp xoay xở.
Sharing Economy và mối nguy khi cửa hàng nhỏ lẻ quá phụ thuộc vào nền tảng thứ 3
Chia sẻ thêm lý do phải đóng cửa spa, Trang cho biết khi spa vận hành từ tháng 3/2019 và liên kết với WeJoy từ tháng 5/2019. Lượng khách của Spa đến nay chủ yếu từ WeJoy.
Tính đến thời điểm hiện tại, dòng tiền của spa đã âm và toàn bộ khoản âm đấy nằm trong công nợ với WeJoy.
Nói về cách giải quyết của WeFit/WeJoy, Trang cho rằng cách giải quyết của họ “rất không hợp lý”.
“Là một công ty với hàng trăm đối tác là các spa và phòng gym, cùng hàng nghìn hội viên, WeFit/WeJoy chỉ với một mail xin lỗi thông báo phá sản, không đưa ra hướng giải quyết nào mà lại chỉ nói lên tòa giải quyết, là không thể chấp nhận. Bọn em bị nợ vài triệu đến vài trăm triệu mà cũng chỉ được câu xin lỗi thờ ơ”.
“Em không phủ nhận lợi ích WeJoy mang đến cho spa của em. Nhưng em cũng chỉ muốn các bạn kinh doanh nhỏ lẻ như em trước khi tham gia với nền tảng thứ ba nên có hợp đồng chặt chẽ, không nên để công nợ quá lâu“, Trang chia sẻ.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)