“Tôi chắc là ông hiểu rõ tác động lên ngành bán lẻ sẽ rất kinh khủng”, đến giờ Mostafiz Uddin – ông chủ của nhà sản xuất quần áo Bangladeshi Denim Expert mới nhận thức rõ “sự kinh khủng” mà virus corona gây ra với doanh nghiệp và 2000 nhân viên của ông. Công ty của Uddin thường may các loại quần jean cho những thương hiệu lớn ở châu Âu.
Lời nhắn từ nhà bán lẻ thời trang của Anh là Peacocks được gửi vào hộp thư của Uddin vào ngày 17/3 trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ đang bước vào tình trạng phong tỏa. Họ giải thích rằng Peacocks sẽ không thể trả cho Denim Expert bất kỳ đơn hàng quần áo nào mà họ đã đặt hàng, gồm cả những chiếc đã hoàn thành chỉ chờ bàn giao.
Khi người mua buộc phải ở trong nhà, nhu cầu quần áo mới gần như không còn. Mặc dù một vài hãng bán lẻ vẫn bán hàng trực tuyến, nhưng nguồn doanh thu chính của nhiều công ty lớn bậc nhất thế giới đã bị thổi bay khi chi phí thuê và nhân công đã khiến lượng tiền mặt cạn kiệt và lượng hàng tồn chất đống trong kho.
McKinsey ước tính rằng có tới 1/3 các công ty thời trang toàn cầu bao gồm cả các thương hiệu thời trang và cửa hàng bán lẻ sẽ không thể sống sót sau khủng hoảng. Chuỗi ung ứng phức tạp trị giá 2,5 nghìn tỷ USD của ngành thời trang toàn cầu đang vỡ vụn. Việc đóng các cửa hàng ở đường Oxford ở London rất nhanh chóng đã khiến các nhà máy ở Bangladesh và VIệt Nam phải đóng cửa, các trang trại trồng bông chất đống ở miền Trung Ấn Độ.
1/3 các công ty thời trang toàn cầu bao gồm cả các thương hiệu thời trang và cửa hàng bán lẻ sẽ không thể sống sót sau khủng hoảng
Sự phá hủy gây ra bởi những lệnh phong tỏa ở những thị trường như Anh làm dấy lên câu hỏi rằng liệu các chuỗi cung ứng có thể “lành” lại như trước khi nhu cầu từ những người tiêu dùng trở lại?
Đây là câu hỏi khó trả lời bởi các công ty như Demin Expert đang có nguy cơ phải đóng cửa khi Peacocks đã từ chối trả cho 43.000 chiếc quần jean mà các nhân viên của Uddin đã may, khâu và hoàn thiện. Công ty sở hữu thương hiệu Topshop là Arcadia thì nói với Denim rằng họ cũng sẽ không trả cho các đơn hàng trị giá 2,5 triệu USD.
Uddin nói rằng các nhân viên của anh cố gắng liên lạc với cả Peacock và Arcadia, đề xuất phương án giải quyết nhưng không hãng bán lẻ nào trả lời!
Arcadia – công ty đã cho gần 90% trong số 16.000 nhân viên tại Anh nghỉ việc theo gói cứu trợ của nhà nước từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này. Peacocks ban đầu nói rằng họ sẽ vẫn thanh toán cho các đơn hàng nhưng sau đó lại thay đổi quyết định và đổ lỗi rằng “chưa nhận thức rõ tình hình”. Uddin nói rằng anh không nhận được bất kỳ đồng tiền nào cả.
Bangladesh là nhà xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 2 thế giới. Những nhà sản xuất dệt may của nước này kể từ khi khủng hoảng dịch bệnh xuất hiện đã mất hơn 3 tỷ USD tiền hàng với những chiếc áo phông, giày, váy đã sản xuất hay đã được đặt hàng.
Ngành công nghiệp này chiếm một phần lớn doanh thu và lực lượng lao động xuất khẩu của đất nước lên tới hơn 4 triệu người, chủ yếu là phụ nữ. Các tổ chức ở Bangladesh dự đoán rằng trên 1 nửa lực lượng lao động sẽ bị sa thải. Tháng 4, các công nhân biểu tình yêu cầu đơn vị sử dụng lao động tiếp tục trả lương, họ đụng độ với cảnh sát và yêu cầu chính phủ phải vào cuộc, trang trải 65% lương, cho doanh nghiệp vay tiền.
Mark Cotter, CEO Baird Group nói rằng công ty sở hữu thương hiệu thời trang nam như Ben Sherman đã mất thời gian lâu hơn bình thường để trả tiền hàng cho các nhà cung cấp bởi “khi tiền vào thì ít mà hạn thanh toán ở khắp mọi nơi”.
Mark cũng cho biết rõ ràng việc các nhà bán lẻ “quịt” tiền hàng là “vi phạm pháp luật” nhưng bản thân các nhà sản xuất không có đủ năng lực và cũng không muốn phản kháng lại. “Phía sau hậu trường, họ có thể nói chúng tôi sẽ không trả cho anh và anh cần phải chấp nhận nếu không chúng tôi sẽ không tiếp tục làm ăn với anh nữa”.
Tác động khủng khiếp
Bangladesh, Việt Nam và Sri Lanka là những quốc gia trong vài thập kỷ trở lại đây trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu cho những quần áo, phụ kiện giày dép của thế giới giàu có. Từng tập trung ở Trung Quốc, các nhà máy đã dần chuyển sang các quốc gia Đông và Đông Nam Á để tối thiểu chi phí.
Những nguồn nhập khẩu quần áo lớn nhất thế giới.
Cùng lúc đó, các nhà bán lẻ cũng muốn thúc đẩy tiêu dùng thường xuyên đối với các hàng hóa rẻ hơn, mà được gọi là thời trang nhanh, nhằm đẩy mạnh doanh thu, theo Patsy Perry, giảng viên cấp cao về kinh doanh thời trang tại Đại học Manchester. Nhiều thương hiệu thời trang nhanh đã thay hàng mới cứ mỗi tuần.
Các nhà bán lẻ luôn có lợi thế trong các mối quan hệ với các nhà sản xuất châu Á. “Chúng tôi nghe thấy rất nhiều về các vụ hợp tác nhưng nếu một nhà cung ứng nói họ không thể đồng ý với những điều khoản, nhà bán lẻ có thể ngay lập tức tìm đến bất kỳ một nơi nào khác”.
Uddin nói anh sẽ không tiến hành những vụ kiện pháp lý với các khách hàng của mình. “Nếu kiện, tôi sẽ mãi mãi được biết đến là nhà cung cấp đã kiện khách hàng của mình. Sự nghiệp kinh doanh của tôi sẽ chấm dứt tại đó”.
Ở Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch, các công ty trong ngành may mặc cũng gần “biến mất”, theo bà Hoàng Ngọc Ánh, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS). Một ước tính vào tháng trước cho thấy nếu lệnh đóng cửa kéo dài cho tới tháng 6, các công ty may mặc ở nước này có thể mất hơn 500 triệu USD doanh thu. Tuy nhiên, con số thực có thể sẽ cao hơn nhiều bởi dữ liệu chính thức không đếm được những nhà cung cấp nhỏ lẻ.
“Cho tới giờ, khoảng 400-600.000 công nhân trong tổng số 2,8 triệu công nhân may đã mất việc. Đây là ước tính thôi và chúng tôi chưa kể đến những công ty nhỏ hơn và những doanh nghiệp siêu nhỏ”.
Ngành trồng bông cũng lao đao
Ngoài chuỗi cung ứng từ các nhà bán lẻ và nhà sản xuất, Ganesh Nanote – một người nông dân trồng bông ở Ấn Độ cũng đang hứng chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. “Thu nhập hiện tại của chúng tôi thấp và chúng tôi không thể chịu được mất mát hơn được nữa”.
Việc các đơn đặt hàng bị hủy ban đầu làm giảm 1/3 giá bông kể từ đầu năm và mặc dù đã hồi phục ít nhiều nhưng các chuyên gia vẫn dự đoán rằng giá trung bình cho sản phẩm này giai đoạn 2020-21 sẽ giảm xuống mức thấp nhất 15 năm, ở mức 57 cent 1 pound.
Giá bông sẽ xuống thấp nhất 15 năm.
Là quốc gia đi đầu trong trồng và xuất khẩu bông, nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng bông toàn cầu, Ấn Độ hứng chịu những tác động khủng khiếp từ Covid-19. Tháng 4, Smiriti Irani – Một quan chức cấp cao của chính phủ đã khẩn thiết những người mua quốc tế không được hủy đơn hàng. “Lịch giao hàng có thể làm lại. Kế hoạch thanh toán có thể được gia hạn thêm. Nếu chúng ta quyết định làm việc cùng nhau, tôi nhấn mạnh lại mong muốn của mình – đừng hủy đơn hàng”.
Dẫu vậy, lời thỉnh cầu đó không được đáp lại. Một khảo sát vào tháng 4 với 60 nhà máy dệt may Ấn Độ cho thấy 40 đơn hàng đã tạm thời hoặc hủy mãi mãi.
Tương lai ra sao?
Mặc cho rất nhiều chuỗi bán lẻ gặp khó khăn thời gian gần đây, năm ngoái McKinsey đã đánh giá ngành công nghiệp thời trang toàn cầu là một trong những “câu chuyện kinh tế thành công hiếm hoi” trong thập kỷ vừa qua.
Tuy nhiên, đằng sau những lời hào nhoáng đó là một câu chuyện kém vui hơn nhiều. Năm 2019, 97% lợi nhuận của ngành này được tạo ra chỉ bởi 20 công ty gồm Inditex – nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới và hãng đồ thể thao Nike – một đơn vị thống trị.
H&M là một trong những nhà bán lẻ toàn cầu hứa hẹn họ sẽ ủng hộ các nhà sản xuất và công nhân làm may mặc bằng cách trả tất cả các đơn đặt hàng gồm cả những món đang sản xuất. “Chúng tôi muốn đảm bảo cho tương lai ngành công nghiệp này khi khủng hoảng qua đi”, H&M nói trong tuyên bố. Những đơn vị khác như Inditex, Marks & Spencer và Tommy Hilfiger cũng cam kết hỗ trợ chỗi cung ứng của họ.
Tuy nhiên, một vài nhà bán lẻ đã bị cáo buộc hành động quá chậm chạp. Primark – nhà bán lẻ cao cấp ở Anh nói vào đầu tháng 4 rằng họ sẽ trả cho các công nhân may mặc bị ảnh hưởng bởi đơn hàng bị hủy. Tuy nhiên, lương chỉ chiếm 15% trong giá trị đơn hàng 256 triệu bảng Anh mà Primark đã đặt với các nhà sản xuất Bangladesh. Công ty này trước khủng hoảng có doanh số bán hàng tháng trị giá 650 triệu bảng. Họ tuyên bố sẽ trả cho những quần áo nhận trước giữa tháng 4 – trị giá 370 triệu bảng cho các nhà cung cấp toàn cầu.
Nazma Akter – một chuyên gia giao thương và nhà sáng lập tổ chức quyền lao động Bangladesh nói rằng “sự làm từ thiện” như quỹ Primark sẽ không giúp được nhiều cho các công nhân. “Họ đang bảo vệ họ, nói rằng chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm. Nhưng người của chúng tôi vẫn bị đánh bởi cảnh sát vì biểu tình trên đường, đòi lương và không ai đứng về phía họ cả”.
Berg thì bảo vệ các nhà bán lẻ, nói rằng một vài công ty đơn giản là không có khả năng trả cho các nhà cung cấp. “Đây là khủng hoảng lớn nhất cho ngành công nghiệp thời trang trong trên 100 năm. Phản ứng đầu tiên là không trả cho bất kỳ ai, cả nhà cung cấp cũng như chủ mặt bằng đi thuê”. Chủ sở hữu của Primark cũng đã phải cho nghỉ 68.000 nhân viên trên khắp châu Âu và là một trong hàng loạt doanh nghiệp Anh từ chối trả tiền thuê mặt bằng hàng quý.
Các chuỗi cung ứng sẽ rất khó khăn trong tương lai, Berg tin là vậy. Tình huống này đã thúc giục các nhà bán lẻ quay lại sản xuất gần hơn ở quê nhà của họ. “Ngành công nghiệp may mặc là nguồn sống của hàng triệu người và là cách giúp mọi người, đặc biệt là phụ nữ thoát khỏi nghèo đói”.
Paul Lister, Chủ tịch Primark thì tin rằng khủng hoảng sẽ không có tác động đến sản xuất quần áo trong tương lai. “Tôi nghĩ hệ thống rất linh hoạt”.
Trở lại Chittagon – cách 7 giờ lái xe từ thủ đô Dhaka, nhà máy của Uddin chỉ còn đang hoạt động khoảng 30% công suất kể từ đầu tuần tháng 5. Tuy nhiên nhà kho của anh đã chất đầy quần jean mà anh sợ rằng sẽ không bao giờ có thể bán được. Và mặc dù đã nhận được một vài đơn đặt hàng nhỏ nhưng Uddin nói rằng các nhà cung cấp vải của mình từ chối thỏa thuận cho đến khi nhận được thanh toán
Trừ khi các nhà cung cấp trả tiền hàng còn không công việc kinh doanh của Uddin sẽ gặp rắc rối lớn.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)