Les Vergers du Mekong – Vườn cây trái Cửu Long hiện đang cung cấp cà phê, nước ép trái cây, trà tới các chuỗi khách sạn 5 sao như Sofitel, Novotel, Pullman, Mgallery.. Hyatt, Intercontinental, Meridien, Victoria và xuất khẩu tới nhiều nơi trên thế giới. Vườn trái cây ấy năm nay 20 tuổi, tọa lạc tại Cần Thơ và là con đẻ của ông Jean-Luc Voisin, người từng”chu du” khắp thế giới và cuối cùng đã chọn điểm dừng là Việt Nam.
Trong ký ức của ông Jean-Luc Voisin, ông đến Hà Nội năm 1990 theo chương trình Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) thực hiện tại Việt Nam. Sân bay Nội Bài lúc đó không nhộn nhịp như bây giờ, bao quanh bởi cánh đồng lúa xanh mượt. Công cuộc tìm kiếm nông sản chất lượng cao đã đưa ông đi khắp các vùng đất ở Việt Nam. Và đồng bằng sông Cửu Long, trong mắt ông, thật trù phú và trái cây đa dạng, người dân thì thân thiện dễ thương.
Vài thập kỷ chu du khắp thế giới theo yêu cầu của công việc, ông muốn chọn một điểm dừng chân để phát triển nông nghiệp sạch. “Tôi đưa ra cho mình 7 sự lựa chọn: 2 quốc gia tại Mỹ Latinh, 2 quốc gia ở châu Phi và 3 đất nước tại Đông Nam Á. Khi cân nhắc các yếu tố, không chỉ là công việc hay sự nghiệp, mà là các yếu tố khác như việc giáo dục con cái, cơ sở vật chất, an ninh, tiềm năng thị trường… và Việt Nam là điểm đến giành chiến thắng trong tôi”, ông Voisin chia sẻ với Trí Thức trẻ trong một ngày cuối tháng 5 khi trạng thái bình thường mới tại Việt Nam được thiết lập sau Covid-19.
Người đàn ông đến từ đất Pháp có cơ sở để quyết định chọn Việt Nam là điểm dừng chân. Năm 1997, ông đã khảo sát vùng đồng bằng sông Cửu Long và thấy trái cây ngon, rất đa dạng và hàng nghìn hộ nông dân đang tìm kiếm thị trường với mong muốn một cuộc sống khá giả hơn.
Mặt khác, các khách sạn, resort cao cấp tại Việt Nam và trên thế giới đang mong muốn những sản phẩm như cà phê, nước ép trái cây… chất lượng cao hơn. Cùng thời điểm đó, cà phê Việt Nam đang trên đường ra thế giới.
“Khát khao làm việc gần gũi với nông dân, phát triển các nguồn lực địa phương tại Việt Nam, sản xuất nước ép trái cây tại Việt Nam, tôi đã thành lập Công ty Les Vergers Du Mekong – Vườn trái cây Cửu Long tại Cần Thơ vào năm 2000”, người đàn ông sinh ra ở vùng nông thôn nước Pháp chia sẻ với Trí Thức Trẻ.
Vậy là sau 10 năm đi lại như con thoi giữa các vùng đất tại Việt Nam, đứa con tinh thần Vườn trái cây Cửu Long đã ra đời. Sau đó, Vườn trái cây Cửu Long đã chọn một đối tác uy tín về cà phê tại Pháp là Cafes Folliet để cùng sản xuất cà phê, trà tại Việt Nam dưới cái tên Folliet.
Con đường tới chuỗi khách sạn 5 sao tại Việt Nam và xuất khẩu nhiều quốc gia trên thế giới
“Ban đầu Vườn trái cây Cửu Long chỉ có 3 nhân sự, một văn phòng ở TPHCM và một nhà kho chúng tôi thuê tại Cần Thơ. Công ty đã trải qua đại dịch SARS 2003 đầy khắc nghiệt với nhiều tháng không doanh thu nhưng đã vực dậy, đi tiếp và phát triển mạnh mẽ. Đến nay, chúng tôi đã có nhà máy tại Cần Thơ, văn phòng tại TPHCM, các chi nhánh tại Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc và Phnom Penh (Campuchia). Kể từ năm 2015, chúng tôi xuất khẩu đi châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, các quốc gia châu Á, Trung Đông và EU”, ông Voisin chia sẻ.
Vườn trái cây Cửu Long hiện có 200 nhân sự và chế biến khoảng 3.000 tấn trái cây/năm với 25 loại. Trà và cà phê hiện cũng đang sản xuất tại nhà máy ở Cần Thơ.
“Chúng tôi rất tự hào rằng hầu hết các khách sạn, resort 4-5 sao ở Việt Nam đang sử dụng ít nhất một sản phẩm của chúng tôi, gồm nước ép trái cây, mứt trái cây. Các chuỗi khách sạn như Sofitel, Novotel, Pullman, Hyatt, Victoria…”, người đàn ông Pháp chia sẻ với chúng tôi.
Để có được “trái ngọt”, vươn ra thế giới, Vườn trái cây Cửu Long cũng trải qua những gập ghềnh.
30 năm qua lại Việt Nam (từ năm 1990), 20 năm làm chủ doanh nghiệp nông nghiệp tại Việt Nam (từ 2000), con đường không dải hoa hồng cho Les Vergers Du Mekong. Bản thân công ty đã trải qua SARS năm 2003 và năm nay là đại dịch Covid-19 khi các khách sạn vắng khách vì dịch bệnh.
Một trở ngại nữa mà Vườn trái cây Cửu Long bền bỉ vượt qua, đó là thay đổi thói quen sử dụng hóa chất của nông dân, khiến hàm lượng thuốc trừ sâu trong trái cây cao. Vườn trái cây của người đàn ông Pháp luôn tuân theo 3 tiêu chí để tạo ra sản phẩm, đó là tác động xã hội, tác động về mặt kinh doanh của công ty và ảnh hưởng đến môi trường.
“Điều mà chúng tôi quan tâm và cũng là trách nhiệm của Vườn là bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Chúng tôi phải tuân theo những quy định rất nghiêm ngặt về dư lượng hóa chất trong sản phẩm. Vì lý do đó, chúng tôi phải giúp đỡ và hỗ trợ người dân trồng trái cây an toàn và thực hành nông nghiệp tốt”, ông Voisin nói.
Cụ thể, Vườn trái cây Mekong có nhóm chuyên gia nông nghiệp. Họ sẽ chọn ra những nông dân có tay nghề tốt nhất để ký hợp đồng. Sau đó, phía Vườn sẽ hỗ trợ họ từ hạt giống, cách chăm sóc.… Bên cạnh đó, Vườn cũng có app để theo dõi các dữ liệu hàng ngày từ cây trái.
Đến năm 2020, Vườn đã kết hợp với khoảng 2.000 nông dân chăm sóc 20.000 cây ăn quả. Dự kiến trong 3 năm nữa, 20.000 cây ăn trái nữa sẽ “gia nhập” Vườn với số lượng nông hộ cũng tăng gấp đôi.
“Chúng tôi sẽ tăng cường sản xuất trái cây, cà phê hữu cơ trong thời gian tới. Nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội là những điều chúng tôi đã và đang thực hiện”, ông Voisin nói về kế hoạch tương lai của Vườn trái cây Cửu Long.
Tháng 10/2019, Vườn trái cây Cửu Long đã đạt chứng nhận Certified B Corporation (CBC). B – Benefit. Để đạt được chứng chỉ này, doanh nghiệp phải đảm bảo môi trường canh tác sạch và bền vững, đồng thời bảo vệ quyền lợi nhà nông và người tiêu dùng. Và với CBC, công ty của ông Voisin đã gia nhập cộng đồng hơn 2.800 doanh nghiệp ở 150 quốc gia trên thế giới. Điều đó, đồng nghĩa với việc sản phẩm của Vườn trái cây Cửu Long sẽ được tiếp nhận dễ dàng hơn, thị trường rộng mở hơn.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)