Sóng gió VATO sau ‘cú nổ 100 triệu USD’: Lẹt đẹt 2.000 chuyến/ngày, Founder muốn bán lại 5% cổ phần giá 40 tỷ cho Phương Trang, chuẩn bị ra app mới

Trước thềm ngày Cá tháng Tư năm 2018, hàng loạt cơ quan truyền thông đưa tin CTCP Xe khách Phương Trang (Futabus Lines) – doanh nghiệp sở hữu hệ thống xe khách lớn nhất Việt Nam vừa quyết định đầu tư tối thiểu 100 triệu USD để phát triển ứng dụng VATO thông qua việc mua lại ứng dụng Vivu. Đây được nhận định là động thái nhanh và quyết liệt từ phía Phương Trang trong bối cảnh Uber vừa rút khỏi thị trường Đông Nam Á.

Mới đây, Founder VATO Nam Trần đã công khai câu chuyện mâu thuẫn giữa startup và nhà đầu tư Phương Trang trên trang cá nhân, sau thương vụ đầu tư 100 triệu USD và nhóm Founder chỉ giữ lại 5% cổ phần.

Qua email trao đổi giữa ông Nam và đại diện nhà đầu tư được ông Nam chia sẻ công khai, ông Nam biên email xin ra đi từ tháng 5/2019. Trước câu hỏi của ông Nam về quyền lợi của nhóm sáng lập sau khi rời VATO, đại diện nhà đầu tư cho biết nguyên tắc đầu tiên khi hợp tác hoặc tham gia cổ phần của một công ty là TRÁCH NHIỆM HAY LÃI LỖ ĐỀU PHẢI CHIA THEO TỶ LỆ CỔ PHẦN.

Ông Nam cũng tiết lộ thông tin tuy là người khai sinh ra sản phẩm, nhưng ông bị tước quyền can thiệp vào sản phẩm. Đồng thời, đề xuất 2 phương án giải quyết quyền lợi:

– Phương án 1: Phương Trang mua lại 5% cổ phần của Founder, nếu tính theo 5% của 2.000 tỷ (100 triệu USD) phía Phương Trang hứa rót vốn sẽ là 100 tỷ, nhưng Founder chỉ đưa giá 40 tỷ đồng, bằng với giá hai bên thỏa thuận ban đầu cho app Vivu cũ. Founder sẽ không còn liên quan gì tới VATO sau đó.

– Phương án 2: Nếu không đạt được thỏa thuận trên, Founder được toàn quyền sử dụng source code và có thể bán cho bất kỳ ai, vì đó là công sức mà Founder xứng đáng được hưởng.

Cũng theo tiết lộ của ông Nam, sau khi VATO về với Phương Trang, kết quả kinh doanh đã thụt lùi: Từ trung bình 5.000 chuyến thành công/ngày, cao điểm lên đến gần 10.000 chuyến, vào thời điểm trao đổi email chỉ còn lẹt đẹt 2.000 chuyến/ngày; Sản phẩm không phát triển thêm được tính năng nào kể từ khi Founder mất quyền kiểm soát phần mềm…

Trả lời câu hỏi về quyền lợi của Founder khi ra đi, đại diện nhà đầu tư cho biết con số 100 triệu USD là do ông Nam và ông Dũng (ông Nguyễn Trí Dũng – Tổng giám đốc CTCP Xe khách Phương Trang – Futabus) “nổ” trên báo chí. Vị đại diện này cho biết số cổ phần VATO sau khi ra đi của Founder vẫn là 5%, không thay đổi. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng với tình trạng VATO như vậy thì ông “ôm” 5% cổ phần không để làm gì.

VATO trước khi bán cho Phương Trang có tên là Vivu, trước nữa có tên Facecar, từng nổi đình nổi đám với chuyện gọi được 1 tỉ USD từ một nhà đầu tư Việt kiều tại Đức. Tuy nhiên, thương vụ 1 tỷ USD không thành. Founder Nam Trần sau đó cũng công khai trên Facebook chuyện nhà đầu tư lừa đảo.

Ứng dụng VATO hiện tại do CTCP Thương mại điện tử Vận Thông (VATO.EC) vận hành. VATO.EC được thành lập tháng 11/2017, với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. VATO.EC do CTCP Dịch vụ Chuyển phát nhanh Phương Trang FUTA nắm giữ 90% cổ phần, đại diện pháp luật kiêm Giám đốc là ông Nguyễn Quốc Dũng – người giữ 5% cổ phần của công ty.

Tháng 5/2018, VATO.EC tăng vốn lên 60 tỷ đồng. Ở thời điểm hiện tại, theo đăng ký kinh doanh cập nhật, đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc của VATO.EC là ông Lưu Minh Tùng.

Nội dung email trao đổi kéo dài từ 24/5/2019 – 31/5/2019. Thời điểm ông Nam Trần chia sẻ công khai nội dung mâu thuẫn là chiều 13/7/2020, kèm lời khẳng định “hoàn toàn chưa nhận một xu nào từ thương vụ này và cũng không đem con bỏ chợ như những lời đồn đại ác ý của một số người“.

Ông Nam cho biết sẽ trở lại với một sản phẩm khác, “không có gì ngăn cản được những đam mê, tâm huyết dành cho startup gọi xe công nghệ”. Status của ông Nam đính kèm hashtag viApp, viDriver ở cuối bài, thu hút gần 800 like, 236 bình luận, và 265 chia sẻ sau 2 giờ đồng hồ.

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *