Thảo Cầm Viên Sài Gòn được xây dựng vào năm 1864 với tên gọi đầu tiên là Vườn Bách Thảo. Theo giới thiệu trên website, người có công xây dựng nên Thảo Cầm Viên Sài Gòn là Đô đốc Toàn quyền Đông Dương Pierre-Paul De La Grandière, với tham vọng dùng nơi này để nâng cao văn hoá và các hoạt động bảo tồn động thực vật, cũng như phục vụ công trình nghiên cứu cho các nhà khoa học Đông Dương. Theo lệnh của Đô đốc, ông Louis Adolphe Germain – một thú y sĩ của quân đội Pháp, được giao nhiệm vụ mở mang 12ha vùng đất hoang ở phía Đông Bắc rạch Thị Nghè để làm nơi nuôi thú và ươm cây.
Năm 1865, công trình hoàn thành với nhiều loại thú và cây quý hiếm được nhập về từ các nước lân cận như Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia… và được mở rộng đến 20ha. Người dân Sài Gòn khi ấy quen gọi Thảo Cầm Viên Sài Gòn là Sở Thú và tên gọi phổ thông này vẫn gắn liền với Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho đến tận hôm nay.
Trải qua 156 năm lịch sử, Thảo Cầm Viên Sài Gòn hiện đang được quản lý bởi công ty TNHH MTV THảo Cầm Viên Sài Gòn, với hơn 300 nhân viên. Số liệu cho biết Thảo Cầm Viên đang nuôi khoảng 590 đầu thú thuộc 125 loài, thực vật có 1.800 cây gỗ thuộc 260 loài, 23 loài lan, 33 loài xương rồng, 34 loại bonsai… và vẫn đang được bổ sung thêm. Đây hiện là nơi bảo tồn động vật, thú hiếm đứng thứ 8 trên thế giới.
Tuy nhiên dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của Thảo Cầm Viên. Mới đây, trên trang Facebook chính thức của Thảo Cầm Viên đã kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng giúp đỡ vườn thú vượt qua đại dịch. Theo đó, toàn thể gần 300 nhân viên Thảo Cầm Viên đã đồng lòng giảm 30% lương để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đợt giãn cách xã hội lần thứ nhất, Thảo Cầm Viên đã phải đóng cửa 2 tháng, nhân viên Thảo Cầm Phiên đã làm tất cả mọi thứ để tối giản chi phí, để duy trì chế độ tốt nhất cho gần 1500 động vật. Với những khó khăn như vậy, sau đợt cách ly lần 1, Thảo Cầm Viên mở cửa trở lại với nhiều nâng cấp về hạ tầng và hệ thống,các loài thú để trong trạng thái tốt. Tuy nhiên sắp tới là một giai đoạn khó khăn, cho dù nhân viên giảm lương nhưng khó có thể cầm cự được lâu nếu tình hình dịch bệnh bùng phát lần thứ hai. Và do đó Thảo Cầm Viên Sài Gòn chính thức kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng.
Trước đó, Thảo Cầm Viên đã gây quỹ để bảo vệ động vật hoang dã, đầu tư các trang bị nghiên cứu và thiết bị y tế phục vụ việc bảo tồn và cứu hộ động vật hoang dã thông qua tài khoản ngân hàng của Thảo Cầm Viên.
Theo thông tin chia sẻ trên báo giới, do Covid-19, doanh thu của Thảo Cầm Viên đã giảm từ hơn 330 triệu đồng/ngày xuống còn 15 triệu đồng/ngày trong khi đó, chi phí thức ăn, chăm sóc thú mỗi tháng cần 5-6 tỉ đồng. Lãnh đạo của Thảo Cầm Viên từng chia sẻ, 1 con voi sẽ ăn đúng 100 kg cỏ, uống 50 lít nước mỗi ngày và chưa kể các loại thức ăn khác như củ, quả. Còn như cọp, phải đảm bảo khẩu phần ăn 5 kg thịt/con mỗi ngày.
Theo báo cáo tài chính gần nhất được công bố là năm 2018, doanh thu mỗi năm của Thảo Cầm Viên đạt trên 100 tỷ đồng với hơn 1,6 triệu lượt vé vào cổng được bán ra. Năm 2018 đạt 111,9 tỷ đồng, năm 2017 là 100,68 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế mỗi năm chỉ duy trì ở mức lãi trên 1 tỷ đồng, năm 2018 lãi 1,35 tỷ đồng và 2017 lãi 1,22 tỷ đồng. Ở thời điểm năm 2018, tổng tài sản của Thảo Cầm Viên ghi nhận 703 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở tài sản dài hạn và được góp bằng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Trong khi đó, công ty vẫn duy trì lỗ lũy kế từ các năm trước để lại, tính đến 2018 vẫn còn lỗ lũy kế gần 2 tỷ đồng.
Không chỉ kinh doanh trong lĩnh vực bán vé vào cửa, Thảo Cầm Viên còn mở rộng việc kinh doanh các sản phẩm hoa – kiểng- chậu, khách có thể đặt mua tại vườn thú hoặc tại website. Toàn bộ hoa kiểng đang được sử dụng tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn được nuôi trồng và sản xuất tại Thảo Cầm Viên Củ Chi.
Trong giai đoạn khó khăn của Covid, mặc dù bản thân cũng gặp khó khăn, song Thảo Cầm Viên Sài Gòn vẫn hỗ trợ cộng đồng đặc biệt là các cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, nghiên cứu, giáo dục, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, sản phẩm thân thiện môi trường và sản phẩm/dịch vụ cho động vật…Thảo Cầm Viên sẽ giúp các doanh nghiệp này giới thiệu trên hệ thống của Thảo Cầm Viên.
“Trong một thời điểm mà nhu cầu ngoài nước đang giảm, thì các cánh tay của người nhà giúp nhau là một điều đáng trân trọng. Các bạn có thể inbox thông tin cần đăng cho chúng tôi, bộ phận kĩ thuật sẽ tiếp nhận và đăng tải Miễn phí.
Không giới hạn lớn hay nhỏ, lâu năm hay startup: Nếu đó là Made In Việt nam, hoặc phần lớn Made In Việt Nam, chúng tôi sẻ ưu tiên”, thông báo được đưa ra trên website của vườn thú.
Sắp tới có thể sẽ là một giai đoạn khó khăn của Thảo Cầm Viên, mọi sự giúp đỡ của cộng đồng dù lớn hay nhỏ sẽ tạo động lực để hơn 300 nhân viên của Thảo Cầm Viên có tinh thần vượt qua đại dịch một lần nữa.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)