Vừa kịp “hồi sức” không lâu sau làn sóng thứ nhất của Covid-19, doanh nghiệp Việt lại bước vào chiến dịch mới khi đại dịch bắt trở lại. Dù đã ngấm đòn và có kinh nghiệm từ giai đoạn trước, không ít đơn vị xác định, thử thách lần này còn cam go hơn khi dịch bệnh tái bùng phát với diễn biến khó lường và mức độ ảnh hưởng còn lớn hơn trước.
Sự trở lại của đại dịch tiếp tục đặt ra bài toán sinh tồn cho cộng đồng doanh nghiệp, không phân biệt quy mô lớn hay nhỏ, “mạnh” hay “yếu”. “Nếu dịch bệnh phức tạp, các doanh nghiệp tiềm lực tài chính tốt cũng chỉ duy trì ổn định không quá nửa năm, doanh nghiệp nhỏ trụ được tối đa ba tháng”, đại diện một doanh nghiệp từng chia sẻ với VnExpress.
Tìm lời giải cho câu hỏi cấp thiết chung, ngày 20/8, đại diện lãnh đạo Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam sẽ cùng có mặt tại Diễn đàn “Từ sống sót đến thịnh vượng” do FPT tổ chức, với chủ đề “Vững vàng vượt khủng hoảng” với hai hình thức offline tại khán phòng ở Hà Nội, TP.HCM và online qua hệ thống Webex.
Xác định đúng vấn đề doanh nghiệp cần ưu tiên giải quyết trong khủng hoảng
Tại Diễn đàn, lãnh đạo từ các doanh nghiệp hàng đầu sẽ cùng hợp sức giải bài toán giúp doanh nghiệp vượt qua và vững mạnh sau đại dịch – Câu hỏi quen nhưng trong cuộc chiến mới dài hơi lại đặt ra nhiều khó khăn mới, quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.
Diễn giả là các lãnh đạo doanh nghiệp đại diện từ các lĩnh vực khác nhau đang có những ứng phó kịp thời với Covid-19 như VPBank, PNJ, AA Corporation, Tập đoàn Minh Phú, Thiên Long Group, FPT… và đại diện của Deloitte – chuyên gia tư vấn chiến lược hàng đầu về quản trị doanh nghiệp. Tại đây, các doanh nghiệp sẽ cùng thảo luận, và chia sẻ những câu chuyện thực tế về những thách thức, lựa chọn các vấn đề ưu tiên sống còn và hành động thực tiễn để giải quyết. Các bài học thực tiễn sẽ được đúc rút thành các cẩm nang, bí kíp cho mỗi doanh nghiệp.
Song song, các lãnh đạo doanh nghiệp từ nhiều ngành, lĩnh vực với kinh nghiệm “thực chiến” để đứng vững trước Covid-19 cũng sẽ chia sẻ nhiều sáng kiến sát sườn, thực tế, giải pháp từ công nghệ… cho cộng đồng doanh nghiệp trong cuộc chiến chung chống đại dịch.
Đồng thời, lãnh đạo các doanh nghiệp cũng sẽ đưa ra những đánh giá thực tiễn nhất về tác động của Covid-19 trong ngắn hạn, trung và dài hạn – câu hỏi nhiều doanh nghiệp trăn trở nhất hiện nay. Đây sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp phân tích, chuẩn bị các phương án, kịch bản để sẵn sàng ứng phó với những khó khăn, thách thức, đón đầu cơ hội để vực dậy và vững mạnh sau đại dịch.
Mở ra cơ hội liên minh doanh nghiệp vượt khủng hoảng
Ngoài việc cùng tìm ra các vấn đề ưu tiên nhất để giải quyết, với sự tham gia của Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực như Bán lẻ, F&B, FMCG, Gỗ, Nông nghiệp, Ngân hàng – Tài chính, Bất động sản… Diễn đàn “Từ sống sót đến thịnh vượng” còn mở ra cơ hội gặp gỡ, kết nối và xây dựng các nhóm liên minh giữa các ngành, liên ngành để cùng nhau vượt qua và bứt phá vươn lên sau dịch Covid-19.
Các diễn giả tham gia sự kiện
“Sự kết hợp của nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam có thể thiết lập ra một chuỗi cung ứng mới, đây là nhu cầu tự thân chứ không cần thúc ép từ Chính phủ”, Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I nhận định tại Tọa đàm với CLB Doanh nhân Sao Đỏ – một hoạt động nằm trong chuỗi Diễn đàn “Từ sống sót đến thịnh vượng”.
Thống kê 7 tháng đầu năm từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), gần 63.500 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Bình quân mỗi tháng khoảng 9.060 doanh nghiệp đóng cửa, tập trung nhiều ở nhóm quy mô vốn nhỏ và mới thành lập.
Gần 33.000 doanh nghiệp trong số này đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng trên 40% so với cùng kỳ. Đây là năm ghi nhận lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh nhiều nhất từ 2015 đến nay, tăng đều ở tất cả lĩnh vực. Một trong những nguyên nhân chủ yếu đến từ tác động của dịch Covid-19.
“Giờ là lúc chúng ta, những doanh nghiệp hàng đầuViệt Nam thể hiện trách nhiệm của mình. Làm thế nào để không chỉ vượt khó mà còn bứt phá và mạnh mẽ hơn, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế của đất nước? FPT tin rằng, đây là lúc các doanh nghiệp Việt đoàn kết giúp nhau vươn lên. Những tri thức, bài học, kinh nghiệm đúc rút trong suốt hành trình vươn lên của mỗi doanh nghiệp Việt Nam hoặc được tích lũy trong quá trình toàn cầu hóa là vô cùng quý giá”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT nhấn mạnh.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)