Các nước ở khu vực Trung Đông, đặc biệt là các nước thuộc khối OPEC ngày càng muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, loại nguyên liệu đã tạo nên sự giàu có cho họ nhưng không có được sự ổn định trong những năm gần đây.
Do đó, nhiều quỹ đầu tư của nhà nước ở khu vực này đã được thành lập nhằm mở rộng những ngành nghề kinh doanh trong tương lai, tránh phụ thuộc vào khai thác dầu mỏ đã được thành lập. Một trong những quỹ đầu tư có tuổi đời non trẻ nhất, nhưng sở hữu tài sản vào loại hàng đầu ở khu vực này là QIA (Qatar Investment Authority), quỹ đầu tư thuộc nhà nước Qatar.
QIA mới chỉ được thành lập cách đây 15 năm bởi tiểu vương Qatar khi đó là Hamad bin Khalifa Al Thani nhằm quản lý thặng dư dầu và khí đốt tự nhiên của chính phủ Qatar. Tính đến năm 2019, quỹ này đã quản lý tới 335 tỷ USD tài sản đầu tư, nằm trong top 10 quỹ đầu tư chính phủ lớn nhất thế giới.
Quỹ đầu tư vào nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó phải kể đến Mỹ, châu Âu và khu vực Châu Á Thái Bình Dương; ngoài đầu tư vào cổ phiếu được niêm yết, quỹ còn đầu tư vào cả các cổ phiếu trên sàn OTC, bất động sản, trái phiếu và cả những sản phẩm phái sinh.
Một số khoản đầu tư chủ chốt của QIA
Hàng loạt khoản đầu tư lớn khắp thế giới
Với mục tiêu mở rộng danh mục đầu tư nhằm hoàn thành kế hoạch về tầm nhìn tới năm 2030, QIA đã đầu tư tại nhiều công ty trên toàn thế giới. Nổi bật trong số đó là việc quỹ này nắm giữ 12.7% cổ phần tại ngân hàng Barclays, ngân hàng lớn nhất nước Anh và 17% cổ phần tại hãng xe Đức Volskwagen cũng như hàng loạt khoản đầu tư vào Credit Suisse, sân bay Heathrow…
Đặc biệt hơn, quỹ này được xem như đối tác chiến lược với chính phủ Pháp, với hàng loạt khoản đầu tư vào các công ty nước này như Lagardère (nắm giữ 12% cổ phần) Total (4%), EADS (6%).
Không chỉ đầu tư lớn tại khu vực châu Âu, quỹ này cũng thực hiện nhiều thương vụ lớn ở châu Á, trong đó thông qua công ty con Qatar Holdings, quỹ này cam kết sẽ đầu tư vào các dự án hóa dầu ở Malaysia trong thời gian từ 3 tới 4 năm, với mục tiêu giúp nước này cạnh tranh với Singapore trở thành trung tâm hóa dầu hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á. Tháng 8 năm 2018, quỹ này tiếp tục đầu tư 500 triệu USD vào lĩnh vực du lịch tại quốc đảo Indonesia.
Ngoài đầu tư vào các công ty kể trên, thông qua công ty con Qatar Diar, QIA còn đầu tư vào bất động sản tại 29 quốc gia với hàng chục công trình lớn nhỏ trên toàn thế giới. Nổi tiếng nhất là công trình làng Olympic phụ vụ Olympic London năm 2012 và tòa nhà the Shard cũng tại thủ đô của nước Anh cũng như trụ sở chính của hãng dầu khí lớn nhất Hà Lan, Shell.
Công trình làng Olympic phục vụ cho thế vận hội London 2012 mà QIA sở hữu (Ảnh: EG Focus)
Từ cuối năm 2019 đến nay, quỹ tập trung đầu tư vào các công ty công nghệ trên toàn thế giới; họ cho rằng đây là lĩnh vực quan trọng nhất trong thời điểm hiện tại và họ đang cố gắng bắt kịp xu thế thông qua các khoản đầu tư của mình.
QIA đã đầu tư vào các công ty bao gồm Foursquare Labs Inc., công ty công nghệ sinh học Rubius Therapeutics Inc., Homology Medicines Inc., Thoughtspot Inc. và Grail Inc. như một phần của việc mở rộng các thương vụ đầu tư mạo hiểm vào công nghệ của mình.
Các thương vụ này nếu thành công không chỉ đem lại nguồn tiền lớn cho QIA, mà còn cho phép họ tiếp cận với những công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Quỹ cũng sẽ tiếp tục đầu tư vào Vương quốc Anh, sau khi Boris Johnson trở thành thủ tướng của nước này và đang đẩy nhanh tiến trình Brexit.
Homology, một trong những khoản đầu tư mới nhất của QIA (Ảnh: Homology)
Như vậy có thể thấy, mặc dù có chưa tới 20 năm hoạt động, song QIA đã phủ sóng ở Pháp, Anh và nhiều nước tại châu Âu cũng như Mỹ và châu Á. Mặc dù vướng phải nhiều nghi vấn liên quan đến tài trợ khủng bố, song không thể phủ nhận được tầm ảnh hưởng của quỹ này trên toàn thế giới, cũng như trong tương lai của Qatar với tầm nhìn tới năm 2030 là mở rộng hoạt động, tránh phụ thuộc vào việc phát triển đất nước thông qua việc khai thác dầu mỏ quá nhiều.
Ông chủ của Paris Saint Germain
Thông qua công ty con là Qatar Sports Investments (QSi), quỹ này đã đầu tư và phát triển câu lạc bộ bóng đá Paris Saint Germain (PSG) trở thành thế lực tại bóng đá Pháp và châu Âu.
Kể từ khi được QSI đầu tư vào năm 2011, PSG từ một câu lạc bộ với hàng loạt vấn đề trở thành một thế lực thống trị giải quốc nội của bóng đá Pháp. Trong mùa giải 2018//2019, theo Deloitte, PSG là câu lạc bộ có doanh thu lớn thứ 5 thế giới với 636 triệu Euro và là câu lạc bộ có giá trị thứ 11, đạt 1,09 tỷ USD – theo thống kê của Forbes.
Để đạt được những thành tích nêu trên, cũng phải kể tới mức độ chịu chi của những ông chủ người Qatar. Chỉ một thời gian ngắn sau khi sở hữu câu lạc bộ, họ đã đưa về những Thiago Silva, Zlatan Ibrahimović, Edison Cavani… là những danh thủ hàng đầu thế giới thời điểm đó. Và với tham vọng chinh phục giải đấu hàng đầu châu Âu là Champions League, trong những năm tiếp theo, PSG tiếp tục được chi tiền để sở hữu những hảo thủ.
Trong đó, đáng chú ý là thương vụ mua Neymar từ Barcelona trị giá tới 222 triệu euro, là mức phí chuyển nhượng cao nhất thế giới cho tới nay và Kylian Mbappe với mức phí chuyển nhượng không được tiết lộ, nhưng ước tính vào khoảng 180 triệu euro. Hai thương vụ khổng lồ này đã giúp câu lạc bộ tiếp tục thống trị bóng đá Pháp và đạt được những thành công tại đấu trường châu Âu trong mùa giải năm nay.
Sau nhiều năm liền phải dừng chân sớm ở Champions League, cuối cùng PSG cũng đã lần đầu tiên vào đến trận chung kết. Liệu những ngôi sao đắt giá của PSG có thể khiến các ông chủ Qatar nở mày nở mặt trước một Bayern Munich hừng hực khí thế, câu trả lời sẽ đến vào đêm nay.
Neymar và Mbappe, hai thương vụ chuyển nhượng trị giá hàng trăm triệu euro của PSG trong những năm gần đây đã cho thấy mức độ chịu chi của các ông chủ Qatar
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)