Lần đầu tiên sau nhiều năm, doanh số bán lẻ Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng âm vào tháng 3/2020 do Covid-19 bắt đầu lây lan trong cộng đồng. Sau đó, lệnh cách li xã hội đã được Chính phủ thực thi, khiến tăng trưởng doanh số bán lẻ giảm xuống mức thấp nhất -27% trong tháng 4/2020. Kể từ đó, chi tiêu của người tiêu dùng bắt đầu phục hồi nhưng vẫn thấp hơn mức trước Covid19, ghi nhận bởi Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2020, doanh thu bán lẻ lũy kế đạt 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,3% so với cùng kỳ. Trong đó:
(i) Thương mại tăng nhẹ 7%, chủ yếu được được củng cố bởi nhu cầu ổn định đối với các mặt hàng thiết yếu trong thời kỳ đại dịch.
(ii) Ngược lại, Khách sạn và Nhà hàng giảm 4,4% trong khi Du lịch giảm 60% so với cùng kỳ. Khi mà, thực tế người tiêu dùng ưu tiên giải trí và ăn uống tại nhà hơn và lưu lượng khách du lịch giảm.
Mặt khác, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng trong giai đoạn cách ly xã hội. Thống kê cho thấy, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm thực phẩm, sữa, chăm sóc nhà cửa và cá nhân hơn là chi tiêu cho bia rượu, nước giải khát và thuốc lá. Trong khi đó, nhiều dòng sản phẩm điện tử, điện máy chứng kiến tiêu thụ giảm trong bối cảnh thu nhập người tiêu dùng bị ảnh hưởng rõ rệt.
Tăng trưởng doanh số bán lẻ tại Việt Nam
Theo VDSC, xu hướng hậu cách ly xã hội, người tiêu dùng sẽ tiếp tục tập trung vào tiêu dùng thiết yếu và lựa chọn các sản phẩm với hiệu quả kinh tế tốt hơn (downtrading). Chưa kể, thu nhập thấp hơn và thất nghiệp tăng sẽ buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu không thiết yếu, điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bán trang sức của PNJ.
Được biết, mảng bán sỉ, vốn cung cấp đồ trang sức cho các nhà bán lẻ và các cửa hàng tư nhân khác, ghi nhận doanh thu giảm 30% trong 4 tháng đầu năm2020 và không thể phục hồi tích cực trong tháng 5 và tháng 6 khi doanh thu tiếp tục giảm 11%, cho thấy nhu cầu tổng thể ngành trang sức suy yếu.
Trong khi đó, mảng bán lẻ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa, mảng này tăng lần lượt 20% và 25% trong tháng 5 và tháng 6. Bên cạnh lý do đến từ nhu cầu đình trệ và nền so sánh thấp, VDSC cho rằng sự hồi phục nhanh chóng này của mảng bán lẻ đến từ các giải pháp lấy khách hàng làm trung tâm của PNJ.
Đơn cử, PNJ nhắm mục tiêu đến các nhóm khách hàng duy trì chi tiêu trong bối cảnh Covid-19 với việc thực hiện nhiều chiến dịch tiếp thị và khuyến mãi tới nhóm này. Ngoài ra, PNJ dần thay đổi danh mục sản phẩm khi khách hàng ưa thích đồ trang sức chứa hàm lượng vàng cao hơn các sản phẩm đá quý và kim cương.
Mặc dù tăng doanh số, các giải pháp nêu trên của PNJ đã làm giảm biên lợi nhuận do (1) chi phí khuyến mãi nhiều hơn và (2) tỷ trọng cao hơn của đồ trang sức có hàm lượng vàng cao vốn ít lợi nhuận hơn. Hơn nữa, đầu tư mạnh vào mạng lưới cửa hàng và chuyển đổi kỹ thuật số sẽ tăng chi phí SGA trong nửa đầu năm 2020.
Khả năng sinh lợi của PNJ
Ở diễn biến khác, chi tiêu hàng hoá thiết yếu tăng tạo cơ hội cho Vinamilk (VNM), Đường Quảng Ngãi (QNS), Bách Hoá Xanh (MWG)… tuy nhiên cũng có nhiều thay đổi. Trong đó, lựa chọn hàng hóa với hiệu quả kinh tế cao hơn, giá thành thấp hơn, điều này dự tác động làm chậm lại tiến độ cao cấp trong ngành sữa của VNM và QNS, ngược lại giúp tăng cường phân khúc nhãn hàng riêng của MWG.
Thu nhập giảm và chú trọng hơn về giá cả và số lượng sẽ khiến người tiêu dùng chọn mặt hàng có hiệu quả kinh tế hơn, giá bán thấp hơn và các mặt hàng nhãn riêng. Đáng chú ý, Bách Hoá Xanh cũng vừa tung ra nhiều sản phẩm nhãn hàng riêng hơn trong giai đoạn vừa qua như gạo, túi rác tự huỷ sinh học…
Cuối cùng, một xu hướng được nhắc đến liên tục thời gian gần đây: Mua sắm trực tuyến giao hàng tận nơi, kênh hiện đại và giải trí tại nhà sẽ tiếp tục tăng hậu giãn cách. Do sợ lây nhiễm Covid-19 nên người tiêu dùng ngày càng hạn chế mua sắm, giải trí ở những nơi đông đúc như trung tâm thương mại (do đó, PNJ đang đóng cửa nhiều cửa hàng nằm trong trung tâm thương mại).
Hơn nữa, Covid19 đã đẩy nhanh xu hướng bán lẻ hiện tại, bao gồm kênh hiện đại (khách hàng chuyển từ chợ truyền thống sang siêu thị mini như Bách Hóa Xanh và Vinmart +), mua sắm trực tuyến và giao hàng tận nơi. Minh chứng, nửa đầu năm 2020 đã chứng kiến nhiều nền tảng mua sắm thực phẩm trực tuyến nổi lên như Bách Hoá Xanh như Đi chợ hộ, Grabmart, Be đi chợ, Nowfresh, Chopp.vn, Lomart…
PE, PB và ROE của một số doanh nghiệp tiêu biểu
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)