Thương vụ IPO kỷ lục 30 tỷ USD của Ant Group: Tham vọng dẫn đầu thị trường công nghệ tài chính toàn cầu của tỷ phú Jack Ma

Được biết đến trước đó với cái tên Alipay, tháng 10/ 2014, công ty được đổi tên thành Ant Finacial. Chỉ một năm sau khi đổi tên, công ty này đã huy động được tới 4.5 tỷ USD tài trợ từ các nhà đầu tư, trong đó phải kể đến Ngân hàng phát triển Trung Quốc, CCB Trust, China Life, China Post Group… 

Sau đợt huy động vốn này, Ant được định giá tới 45 tỷ USD và tiếp tục tăng lên chóng mặt trong năm 2016, khi một báo cáo của Credit Suisse cho thấy công ty này có 50 triệu người dùng hoạt động hàng năm và 58% giao dịch thanh toán trực tuyến của Trung Quốc được thực hiện thông qua Alipay.

Ant được định giá tới gần 150 tỷ đô la Mỹ (Ảnh: CBInsights)

Tới năm 2018, Ant huy động được thêm 14 tỷ USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm, một con số khổng lồ nếu như so sánh với 15.9 tỷ USD đầu tư vào tất cả các công ty fintech tại Bắc Mỹ và châu Âu trong cùng năm.

Xét trên phương diện toàn cầu, Ant chiếm tới 35%, tức là hơn một phần ba số vốn đầu tư vào các công ty fintech trong năm 2018 và vượt qua Paypal – công ty thanh toán trực tuyến hàng đầu thế giới, về số lượng người sử dụng Alipay thông qua thiết bị di động. Thay vì chỉ cung cấp các dịch vụ thanh toán, giờ đây nền tảng của Ant còn cung cấp cho người sử dụng các dịch vụ khác như đầu tư, tín dụng và bảo hiểm. Tính đến cuối năm 2018, Ant có khoảng 700 triệu người dùng thường xuyên.

Năm 2018, Ant nhận được khoản đầu tư gần bằng so với toàn bộ các startup fintech ở Mỹ và châu Âu (Ảnh: CBInsights)

Theo hồ sơ IPO, Alibaba hiện nắm 32,6% cổ phần của Ant, tiếp đến là Junhan (29,9%) và Junao (20,7%) – hai công ty thuộc sở hữu các nhân viên chủ chốt của Alibaba và Ant, bao gồm cả Jack Ma.

Không chỉ dừng lại ở Trung Quốc, Ant tiếp tục mở rộng trên toàn thế giới, trong đó có khu vực châu Á và khu vực Bắc Mỹ. Với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, đặc biệt là trên điện thoại di động, Ant ngày càng có nhiều người sử dụng không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở các quốc gia khác trên thế giới.

Tính tới cuối năm 2019, công ty hiện có hơn 1,2 tỷ người dùng trên khắp thế giới; trong đó có 300 triệu người dùng ngoài Trung Quốc. Với mục tiêu mở rộng lên tới 2 tỷ khách hàng trong 10 năm tới và phần lớn các khách hàng tới từ bên ngoài Trung Quốc, công ty này có chiến lược tập trung chủ yếu vào thị trường châu Á, vốn được họ đánh giá là còn rất nhiều tiềm năng phát triển.

Tính đến thời điểm hiện nay, tại Trung Quốc, Alipay và WeChat thống trị thị trường thanh toán di động với 90% thị phần. Xét về giá trị vốn hóa so với một số công ty fintech hàng đầu thế giới, Ant Financial đứng thứ 4, sau Tencent, Qudian và Paypal.

So sánh giá trị vốn hóa và P/E của Ant Financial với một số công ty Fintech lớn nhất hiện nay

Sau khi trở thành một trong những công ty thanh toán trên điện thoại di động hàng đầu Trung Quốc, Ant bắt đầu thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ từ năm 2017, với bước đầu tiên là thỏa thuận với công ty thanh toán First Data để cho phép khách hàng sử dụng dịch vụ của họ tại trên 4 triệu điểm giao dịch. Trước mắt, mục đích của công ty là nhắm vào những người Trung Quốc đi du lịch tại Mỹ, cho phép họ có thể thực hiện thanh toán nhanh chóng với chi phí tiết kiệm hơn hẳn các dịch vụ truyền thống.

Việc thâm nhập vào Mỹ của Ant cũng cho thấy họ đã sẵn sàng tuyên chiến với các dịch vụ thanh toán trực tuyến của quốc gia này. Alipay của Ant hiện được chấp nhận sử dụng ở 70 quốc gia so với con số 15 của WeChat. Trong khi đó, Apple Pay được chấp nhận ở 15 quốc gia khác nhau, còn Android Pay được hỗ trợ ở 10 nước trên thế giới, thấp hơn nhiều so với Alipay của Ant.

Tuy nhiên những con số này đều thua kém so với Paypal khi hãng này được chấp nhận ở 200 quốc gia trên thế giới, tức gấp gần 3 lần so với Alipay. Theo số liệu năm 2019, Paypal chiếm thị phần lên tới 14.5% thị trường fintech trên toàn cầu; trong khi đó Ant mới chỉ có được khoảng 8%. Tuy nhiên tại thị trường Trung Quốc, Paypal chỉ chiếm được một thị phần vô cùng nhỏ bé.

Thị phần của các công ty fintech lớn nhất thế giới năm 2019 (Ảnh: The Busines Research Company)

Có thể thấy, mặc dù nổi bật ở Trung Quốc, song tại thị trường Mỹ cũng như quốc tế, Paypal vẫn đang bỏ xa Ant một khoảng cách khá xa trên thị trường thanh toán trực tuyến. Paypal vẫn tập trung chủ yếu vào mảng thanh toán trực tuyến, trong khi Ant, ngoài Alipay, còn tập trung phát triển nhiều mảng khác liên quan tới đầu tư và bảo hiểm.

Không chỉ vậy, trong khi Paypal vẫn tiếp tục trung thành với các nền tảng máy tính và website truyền thống (dù hãng cũng phát triển dịch vụ trên điện thoại di động tương đối tốt), Ant lại làm tốt hơn hẳn trên lĩnh vực điện thoại di động. Vì vậy, trong tương lai, Ant với các dịch vụ khác của mình, hoàn toàn có thể vượt qua Paypal về cả số lượng người dùng lẫn số lượng quốc gia chấp nhận dịch vụ.

Quả thật, Ant không chỉ lớn đến thế nếu chỉ có Alipay. Công ty này cũng sở hữu và vận hành một thị trường bảo hiểm mở với hơn 80 công ty bảo hiểm dựa trên nền tảng tiếp cận hơn 400 triệu người dùng.

Trong khi đó, công cụ Ant Fortune đã giúp việc quản lý tài sản và lập kế hoạch nghỉ hưu trở nên dễ dàng hơn, khi tất cả 116 nhà quản lý quỹ tương hỗ của Trung Quốc đều đang sử dụng nền tảng tiếp cận 180 triệu người dùng này.

Với việc sử dụng các thuật toán đề xuất các loại hình đầu tư dựa trên khả năng và mục tiêu tài chính của mỗi người dùng, Ant Fortune đã giúp nhiều người sử dụng với vốn kiến thức ít ỏi cũng có thể sử dụng đồng tiền của mình một cách hiệu quả hơn.

Ngoài Ant Fortune, Yue Bao cũng là một sản phẩm cực kỳ thành công của Ant. Yue Bao đã từng là quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất trên thế giới với giá trị tài sản quản lý lên tới 251 tỷ đô la (nhưng đã tụt xuống chỉ còn 157 tỷ đô la vào quý 1 năm nay).

Quỹ này khiến việc đầu tư vào quỹ thị trường tiền tệ trở nên dễ dàng đối với người tiêu dùng, khi một tài khoản có thể được mở chỉ với 1 nhân dân tệ (0,15 đô la). Với 2 nền tảng nêu trên cùng nhiều loại hình dịch vụ khác, Ant có thể bán chéo các dịch vụ của mình với nhau, giúp việc mở rộng nhóm khách hàng tiềm năng của họ trở nên dễ dàng hơn, và khiến cho nhiều công ty không thể từ chối việc tham gia mạng lưới của họ.

Lượng tài sản quản lý khổng lồ của YueBao tính tới hết quý 1 năm nay (Ảnh: Quartz.com)

Với tiềm năng khổng lồ như vậy, không khó hiểu khi Ant hi vọng được định giá tới 225 tỷ đô la Mỹ sau khi IPO thành công. Hãng cũng dự kiến sẽ vượt qua Saudi Aramco trở thành công ty có đợt IPO lớn nhất trong lịch sử với giá trị lên tới 30 tỷ đô la Mỹ tại sàn chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông. Trong hồ sơ IPO, Ant tiết lộ hãng đã đạt lợi nhuận 3,2 tỷ đô la trong nửa đầu năm 2020 (10,5 tỷ đô la doanh thu), phản ánh mức tăng trưởng hàng năm là 1.000%. Và họ làm được điều đó trong bối cảnh dịch Covid đang nhấn chìm nền kinh tế trên toàn thế giới.

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *