“Dùng Facebook bạn không có tiền nhưng dùng Vitae bạn sẽ kiếm được nhiều tiền”, “thu nhập thụ động từ 28.000 USD/tháng”, “ma trận quyền lực 3×8” – đây chỉ là 3 trong số rất nhiều lời quảng cáo của một mạng xã hội tự xưng có tên Vitae đến từ Thụy Sĩ.
Mạng xã hội phân quyền, tất cả người dùng đều có tiền
Để gia nhập và kiếm tiền từ mạng xã hội này, người dùng cần đặt cọc 200 USD để đăng ký tài khoản và giữ chỗ trên website Vitae.co. Sau đó, muốn có thu nhập thì phải tiếp tục phát triển hệ thống theo sơ đồ ma trận do chính Vitae vẽ ra như “ma trận 3×8”, “ma trận 5×5”, “ma trận 2×10”.
“Chỉ cần một người đầu tư vào đây 200 USD và mua hạt giống hằng ngày, sau đó đi lan tỏa Vitae cho 3 người khác. Chỉ cần 3 người thôi, còn nếu anh chị làm được nhiều hơn càng tốt, anh chị càng giàu nhanh hơn thôi“, một người dẫn dắt Vitae cho biết.
Các ma trận kiếm tiền tỷ do Vitae vẽ ra.
Nếu không mời gọi được người khác vào thì người dùng có thể tự mua vị trí để lấp đầy ma trận với giá 0,6 USD/vị trí. Sau đó, người dùng không làm gì mà vẫn sẽ có thu nhập thụ động hàng tháng.
Với ma trận 2×10, người tham gia sẽ thu về tối đa 9.350 USD/tháng. Con số này sẽ tăng lên đến 28.000 USD/tháng với ma trận 3×3. Đặc biệt, khi thực hiện theo sơ đồ 5×5, thu nhập sẽ là vô tận. Một người dẫn dắt khẳng định rằng tiền về tính theo giây, cả khi đi ngủ.
Để chứng minh, hàng loạt các tài khoản Vitae được lấy ra làm “gương” với thu nhập khủng, khoảng 200 – 300 USD (tương đương khoảng 7 triệu đồng) trong một ngày.
Theo VTV, với số tiền khủng mà Vitae trả cho người dùng như trên, ước tính một tháng, mạng xã hội này phải chi cả chục tỷ đồng mỗi tháng.
Vitae cũng tuyên bố sử dụng những công nghệ tiên tiến như blockchain để vận hành.
Vitae lấy tiền từ đâu trả cho người dùng?
Trong một buổi tọa đàm trực tuyến, một người đàn ông nước ngoài tự xưng là người bảo trợ quốc tế của Vitae chia sẻ: “Vitae là một cộng đồng mạng xã hội phân quyền nên khi tiền về công ty thì không phải Vitae sẽ đút vào túi mình. Vitae sẽ chia lại tiền đó cho tất cả người dùng. Đó là sự khác biệt của Vitae với Facebook và các mạng xã hội khác.”
Vitae so sánh sự khác biệt của mình với Facebook.
Một người dẫn dắt khác cho biết mạng xã hội này chỉ giữ lại 10% doanh thu quảng cáo, còn 90% dùng để trả cho users.
Tuy nhiên, theo thống kê của trang SimilarWeb, website Vitae.co chỉ có chưa đến 200.000 lượt truy cập mỗi tháng. VTV cho biết, nếu tính đơn giá quảng cáo như Youtube thì với số lượng truy cập khiêm tốn như trên, trang Vitae chỉ thu về tối đa được khoảng 10 triệu đồng tiền quảng cáo mỗi tháng. Mạng xã hội này cũng không có bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh nào.
Ông Tuấn Hà, Ủy viên BCH Hiệp hội Internet Việt Nam bày tỏ quan điểm: “Việc lấy tiền quảng cáo để trả cho người dùng là không thể có thật. Họ bắt buộc phải lấy tiền của người sau trả cho người trước. Như vậy, đến một ngày nào đó, khoản tiền phải trả quá lớn thì họ bắt buộc phải phá sản. Những người tham gia sau là những người chịu rủi ro.”
Nếu công ty này phá sản, người tham gia cũng khó mà đòi lại tiền.
“Không có ai đại diện. Công ty nằm ở Thụy Sĩ. Tất cả chúng ta tham gia là như nhau. Còn nói đến việc đảm bảo, chẳng có gì trên đời này đảm bảo cả”, một người dẫn dắt Vitae cho biết.
Mặc cho tính pháp lý và mô hình kinh doanh còn mập mờ, các fanpage công khai hay hội nhóm của Vitae đang tràn ngập trên Facebook với số thành viên đã lên tới vài nghìn người. Mạng xã hội này cũng có một kênh youtube riêng để phát những video tuyên truyền về Vitae.
PV
Theo Trí Thức Trẻ
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)