Khi cuộc chạy đua “đốt tiền” của các trang thương mại điện tử Việt Nam phần nào hạ nhiệt do thị trường đã định hình khá rõ ràng thì tâm điểm của sự chú ý cũng như dòng vốn đầu tư đã dịch chuyển sang những phân khúc khác đang cạnh tranh khốc liệt như gọi xe, giao đồ ăn và thanh toán/ví điện tử.
Khởi đầu là một dịch vụ đặt xe, giờ đây Grab đã phát triển thành một siêu ứng dụng với một loạt dịch vụ được tích hợp như gọi xe, đặt đồ ăn, chuyển hàng, thanh toán hóa đơn…
Với việc có thêm cùng lúc 3 đối thủ nặng ký từ cuối năm 2018 là Go-Viet, be Group và Baemin (chỉ tham gia giao đồ ăn), mức mức lỗ năm 2019 của Grab đã tăng gấp đôi lên xấp xỉ 1.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên điều đáng nói là mức lỗ của Grab cũng chỉ tương đương với mức lỗ 1.682 tỷ của Go-Viet (hiện đã đổi tên thành Gojek Việt Nam) và nhỉnh hơn không nhiều so với mức lỗ 1.500 tỷ của be Group.
Việc cả 3 có mức lỗ tương đương nhau trong khi 2 đối thủ đều có quy mô khiêm tốn hơn, cung cấp ít dịch vụ hơn (Go-Viet chưa có gọi ô tô, be chưa có giao đồ ăn) cho thấy sự áp đảo của Grab. Số liệu doanh thu phần nào minh chứng điều này: doanh thu 2019 của Grab đạt 3.382 tỷ trong khi Go-Viet chỉ đạt vỏn vẹn 22 tỷ và be đạt 456 tỷ đồng.
Hơn 1.300 tỷ đồng lãi gộp từ hoạt động kinh doanh đã giúp Grab bù đắp đáng kể các chi phí khuyến mãi tung ra liên tục để thu hút người dùng.
Tính chung cả năm 2019, bộ ba Grab, Go-Viet và be đã lỗ xấp xỉ 4.900 tỷ đồng – gấp 3 lần so với năm 2018; nguyên nhân một phần do Go-Viet mới chỉ hoạt động từ quý 4 còn be hoạt động từ tháng 12/2018.
Chỉ sau hơn 1 năm gia nhập thị trường, lỗ lũy kế của Go-Viet và be đã lên tới 4.350 tỷ đồng – lớn hơn cả mức lỗ của Grab sau 6 năm hiện diện tại Việt Nam.
Chính thức gia nhập thị trường từ năm 2019, dịch vụ giao ăn đồ ăn Baemin đến từ Hàn Quốc cũng lỗ tới 570 tỷ đồng không kém cạnh là bao so với mức lỗ 650 tỷ của Foody/Now.
Theo Nhịp sống kinh tế
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)