Thưa ông, xin ông cho biết việc Unilever quyết định loại bỏ nhiên liệu hóa thạch sẽ mang đến những lợi ích gì?
Nhiên liệu hóa thạch là nguồn tài nguyên có sẵn, được khai thác từ dưới lòng đất, và không thể tái tạo như than đá, dầu mỏ… Nhiều ngành công nghiệp đã và đang tận dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch này trong sản xuất, dẫn đến việc nguồn tài nguyên này có thể bị cạn kiệt trong tương lai. Trong khi đó, thành phần chính của nguồn nhiên liệu hóa thạch này là carbon, thì lại đang có sẵn và dư thừa trên mặt đất, đến từ những nguồn tái chế hoặc có thể tái tạo. Unilever đã đưa ra sáng kiến “Tương lai xanh” và cam kết theo đuổi mục tiêu tận dụng nguồn carbon tái tạo hoặc tái chế thay cho các hóa chất từ nhiên liệu hóa thạch. Đây là một trong những cách thức mà Unilever đã và đang xây dựng kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, giảm suy thoái tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Đứng ở góc độ của doanh nghiệp thì việc dịch chuyển này sẽ khá là tốn kém và lâu dài, vì sao Unilever quyết tâm đầu tư để đổi mới?
Tại Unilever, chúng tôi có một niềm tin sâu sắc rằng trách nghiệm xã hội là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh và là kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, từ năm 2010, chúng tôi đã bắt đầu triển khai Kế hoạch Phát triển Bền vững Unilever (USLP) trên toàn cầu, gắn mục tiêu phát triển của doanh nghiệp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (SDGs). Kế hoạch này đã được triển khai đồng loạt tại các quốc gia mà công ty đặt trụ sở kinh doanh với 3 trụ cột chiến lược, bao gồm: 1-Đến năm 2020 sẽ giúp để cải thiện sức khỏe và điều kiện sống của hơn một tỷ người; 2- Giảm một nửa tác động môi trường trong các sản phẩm của chúng tôi trước năm 2030; 3- Hỗ trợ cải thiện sinh kế của hàng triệu người trước năm 2020. Nằm trong kế hoạch bền vững này, “Tương lai xanh” là một cột mốc mới trên hành trình phát triển bền vững của Unilever, nhằm tạo ra những sản phẩm vừa tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, vừa tốt cho môi trường, và tốt cho nền kinh tế, Bước đi táo bạo này được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích cho hàng tỷ người trên thế giới, giúp họ có cuộc sống khỏe mạnh hơn, bền vững hơn khi sử dụng các sản phẩm bền vững của chúng tôi.
Ông có thể cho biết các hoạt động phát triển bền vững tiêu biểu của Unilever tại Việt Nam?
Năm nay, Unilever kỷ niệm 25 năm hoạt động tại Việt Nam. Trong hành trình 25 năm gắn bó với người tiêu dùng Việt Nam, 10 năm nỗ lực hiện thực hóa Kế hoạch phát triển bền vững, chúng tôi đã triển khai thành công rất nhiều chương trình như “Hành trình nhà vệ sinh sạch khuẩn”, “P/S bảo vệ nụ cười Việt Nam”, hay “Vì 1.000.000 trẻ em Việt Nam tự tin lấm bẩn và vui chơi an toàn” trong khuôn khổ kế hoạch hành động “Vì một Việt Nam khỏe mạnh” phối hợp với Bộ Y tế…
Cam kết Phát triển bền vững của Unilever càng được khẳng định trong tình hình mới. Tôi muốn nhắc đến chương trình “Vững Vàng Việt Nam” mà Unilever tự hào chung tay cùng đất nước trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19. Phối hợp thực hiện cùng Bộ Y Tế, Bộ Giáo dục Đào tạo, và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chúng tôi đã nhanh chóng chuyển hơn 500 tấn sản phẩm hỗ trợ cho hơn 1,6 triệu người tại 3.000 bệnh viện, trường học và các khu cách ly. Bên cạnh đó, công ty cùng với Bộ Y tế xây dựng chương trình truyền thông giáo dục cộng đồng, tăng cường thói quen vệ sinh đúng cách để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và một số bệnh lây nhiễm khác.
Một mục tiêu bền vững đáng chú ý khác của Unilever Việt Nam là thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, từng bước thay thế nền kinh tế tuyến tính khai thác nhiều tài nguyên thiên nhiên và thải bỏ nhiều ra môi trường, gây ô nhiễm.
Unilever Việt Nam vinh dự được Chính phủ Việt Nam trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp Phát triển Bền vững hàng đầu” trong 4 năm liên tiếp (2016- 2019)
Thưa ông, mục tiêu thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đã được Unilever triển khai trong thời gian qua như thế nào?
Unilever là một trong những doanh nghiệp tiên phong xây dựng kinh tế tuần hoàn trên phạm vi toàn cầu. Vào năm 2019, Unilever cam kết đảm bảo 100% bao bì nhựa của chúng tôi hoàn toàn có thể tái sử dụng, tái chế hoặc phân hủy vào năm 2025. Với nỗ lực không ngừng, vào năm 2019, chúng tôi tự hào được công nhận là công ty dẫn đầu ngành về Chỉ số bền vững Dow Jones và vào năm 2020 – năm thứ 10 liên tiếp, Unilever là một trong những công ty dẫn đầu trong cuộc khảo sát của GlobeScan / SustainAbility Sustainable Leaders.
Tại Việt Nam, Unilever đang tập trung xây dựng kinh tế tuần hoàn cho nhựa, tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích cho người tiêu dùng, đồng thời làm giảm tình trạng ô nhiễm trắng tại Việt Nam. Trong 5 năm tới, Unilever và các công ty khác có cùng mục tiêu như Dow, SCG xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Công – Tư với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong quý III năm 2020, chúng tôi đã hợp tác cùng Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO Hà Nội) khởi động chương trình phân loại rác tại nguồn kết hợp thu gom, tái chế rác thải nhựa tại thành phố Hà Nội từ năm 2020 – 2025, và đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực từ người dân và chính quyền.
Với “Tương lai xanh”, Unilever Việt Nam mong muốn sẽ truyền cảm hứng và tạo tiền đề cho các doanh nghiệp trên toàn cầu và ở Việt Nam đẩy mạnh xây dựng kinh tế tuần hoàn và chống biến đổi khí hậu.
Xin cảm ơn Ông về cuộc trò chuyện thú vị này!
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)