Có 31/56 bộ, ngành trung ương và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2018 thấp hơn mức trung bình của cả nước 35% kế hoạch năm…
51 bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công chậm – Ảnh minh hoạ.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm ước đạt 150.454 tỷ đồng, đạt 38,77% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, giải ngân vốn trong nước đạt 41,09% kế hoạch, gồm vốn trong nước đạt 45,35%, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 17,53%, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 26,31%; giải ngân vốn nước ngoài đạt 24,7% kế hoạch được giao.
Mặc dù tiến độ giải ngân kế hoạch vốn từ tháng 4/2018 được cải thiện, lũy kế 7 tháng tăng so cùng kỳ năm 2017, nhưng về tổng thể tiến độ thực hiện và giải ngân vẫn thấp, nhất là vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn nước ngoài.
Có 5 bộ, ngành, đơn vị trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 60% kế hoạch, trong đó có 2 bộ, ngành và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 70% kế hoạch là: Ngân hàng Chính sách xã hội (79,53%), Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (77,58%), tỉnh Quảng Ninh (84,55%), tỉnh Hải Dương (79,53%), tỉnh Nam Định (74,85%).
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bộ, ngành trung ương và địa phương có số giải ngân thấp, như: 31/56 bộ, ngành trung ương và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2018 thấp hơn mức trung bình của cả nước 35% kế hoạch năm trong đó có 11 bộ, ngành trung ương giải ngân dưới 10%.
Một số bộ, ngành trung ương chưa giải ngân hoặc gần như chưa giải ngân kế hoạch vốn, như: Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Tổng công ty Thuốc lá; Liên minh các hợp tác xã Việt Nam; Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có nhiều nguyên nhân khó khăn trong việc thực hiện giải ngân vốn trong nước và trái phiếu Chính phủ.
Cụ thể, khó khăn trong tổ chức thực hiện dự án nên chưa có khối lượng thi công xây lắp: Một số dự án khởi công mới của bộ, ngành và địa phương vẫn đang hoàn thiện các thủ tục theo quy định về đầu tư xây dựng hoặc đang đấu thầu lựa chọn nhà thầu thiết kế, thi công. Các bộ, ngành, địa phương này gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai.
Vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; vướng mắc trong quá trình thẩm định tổng mức đầu tư, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công tại Bộ Xây dựng. Một số dự án chuyển tiếp hoặc dự kiến hoàn thành trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh thiết kế, tổng mức đầu tư hoặc đang trong giai đoạn kiểm toán quyết toán các gói thầu…
Vướng mắc về thủ tục giải ngân: vốn thuộc Chương trình hỗ trợ nhà ở người có công giai đoạn 2 đã được giao kế hoạch cho các địa phương. Hiện nay vướng mắc về thủ tục giải ngân vốn do cơ chế trước đây giai đoạn 1 hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp, nay Chương trình giai đoạn 2 thực hiện theo vốn đầu tư nên phải tuân thủ theo Luật Đầu tư công.
Tuy nhiên có một số địa phương còn lúng túng trong việc thực hiện phân bổ, giải ngân theo quy trình thủ tục của giai đoạn 1 hay thực hiện theo Luật Đầu tư công.
Đối với vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018 bố trí cho Bộ Giao thông vận tải là 4.190 tỷ đồng. Tuy nhiên, căn cứ khả năng giải ngân của các dự án trong năm, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đăng ký nhu cầu phân bổ 2.586,115 tỷ đồng.
Số kế hoạch còn lại 1.603,885 tỷ đồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh có các dự án quan trọng, cấp bách của các bộ, ngành, địa phương khác.
Về tình hình thực hiện giải ngân vốn nước ngoài, một số dự án đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2018 nhưng hết thời hạn giải ngân vốn theo Thỏa thuận/Hiệp định hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền đang làm thủ tục gia hạn giải ngân theo quy định.
Một số dự án hỗn hợp bao gồm cả cấp phát và cho vay lại chưa giải ngân được do đang gặp vướng mắc trong thực hiện việc ký kết hợp đồng cho vay lại.
Dự án Giao thông đô thị bền vững cho tuyến tàu điện ngầm số 2 Tp.HCM bị ảnh hưởng bởi dự án Dự án đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Tp.HCM, tuyến Bến Thành – Tham Lương đang làm thủ tục trình Quốc hội để tăng tổng mức đầu tư.
Một số dự án đang trong quá trình thanh quyết toán ở giai đoạn cuối của dự án nên tiến độ giải ngân không đều như dự án cầu Nhật Tân, dự án đường nối Nội Bài – Nhật Tân, Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt Hà Nội – Tp.HCM vay JICA.
Theo Thời Báo Kinh Tế Việt Nam.