Khi số đông chọn thành phố lớn để sống và lập nghiệp, Hòang Thị Thu Hương – một “rich kid” Hà Nội chính hiệu đã hành động hoàn toàn ngược lại: cô ra Phú Quốc định cư, xây dựng cơ nghiệp từ một quán cơm bình dân và biến công ty của mình – Hạ Tầng Đô Thị Corporation trở thành một trong mười doanh nghiệp phát triển bất động sản lớn nhất Phú Quốc sau 4 năm, với 50ha đất ven biển dọc bãi Trường và hàng loạt biệt thự nghỉ dưỡng lớn nhỏ.
Hoàng Thị Thu Hương không phải cái tên xa lạ trong cộng đồng du học sinh Việt ở Anh. Cô là một trong những chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Sinh viên Việt Nam ở xứ sở sương mù, với cuộc sống mà nhiều người khao khát: tốt nghiệp Đại học và Thạc Sĩ chuyên nghành tài chính tại University of Manchester, ra trường cô đầu quân về Công ty kiểm toán KPMG tại Anh Quốc. Làm việc tại một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới với thu nhập hàng trăm nghìn bảng, một “rich kid” đích thực với xe sang, hàng hiệu, có nhà riêng ở Anh Quốc và những chuyến du lịch sang chảnh khắp thế giới. Chẳng ai nghĩ một ngày có thể nhìn thấy Hương khoác trên mình bộ quần áo hàng chợ 100 nghìn, tự tay bưng bê, phục vụ trong một quán cơm bình dân ở huyện đảo Phú Quốc.
“Đó là phép thử đầu tiên mẹ dành cho tôi trước khi tôi rời bỏ những nơi chăn ấm đệm êm để chính thức được bước chân vào Hạ tầng đô thị Corporation” – Hương trải lòng: ” Đến và sống với Phú Quốc là một cơ duyên đã mãi mãi làm thay đổi cuộc đời tôi sang một hướng hoàn toàn khác mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới”.
Mẹ của Hương là chủ tịch của một công ty chuyên về đầu tư, xây dựng bất động sản tại Hà Nội,được mệnh danh là “nữ tướng” trong làng BĐS Hà Nội những năm 2000. Nhưng Hương từng không nghĩ tới việc sẽ nối nghiệp gia đình, vì khao khát được tự khẳng định bản thân. Hương về Việt Nam làm việc khi nghe tin bố bị bệnh tim, nhưng thay vì đầu quân cho công ty gia đình, kế nghiệp sản nghiệp của mẹ, cô lại về làm ở một ngân hàng lớn và nhanh chóng trở thành nhân sự nguồn của ngân hàng.
Nhưng bước ngoặt đến khi mẹ cô quyết định chuyển vào Phú Quốc sinh sống. Hương kể: “Hồi đó công việc kinh doanh của gia đình tôi ở Hà Nội không còn thuận lợi. Mẹ tôi nói bà cần đi tìm vùng đất mới. Và bà chọn Phú Quốc”.
Mẹ tôi đến Phú Quốc năm 2015 khi hòn đảo này chỉ vừa mới phủ điện lưới quốc gia chưa được 1 năm. Lần đầu tiên, bà vào Phú Quốc 3 ngày. Lần thứ 2 – chỉ sau đó vài tuần, bà mang tiền vào Phú Quốc mua đất. Bà nói với tôi: “Thị trường du lịch ở đó rất tốt. Mẹ sẽ vào đó xây khách sạn rồi tìm cơ hội đầu tư dự án”. Nói là làm, mẹ tôi chọn 30 người tinh nhuệ nhất trong cả “đoàn quân” xây dựng đã đi theo bà nhiều năm nay, đưa họ vào Phú Quốc để xây cái khách sạn đầu tiên. Hồi đó, mẹ tôi ăn dầm ở dề trong Phú Quốc, điện thoại lúc nào cũng thường xuyên trong tình trạng không bắt máy. Mỗi tháng, bà chỉ ra Hà Nội một, hai ngày thăm con cháu. Dù không để ý đến việc kinh doanh của gia đình, nhưng tôi lo lắng không yên khi để mẹ một thân một mình ở một nơi mà cả gia đình chưa từng đến. Nên giữa lúc đang mang thai đứa con đầu lòng, tôi quyết định vào thăm mẹ. Lúc ấy, cả khu Bãi Trường của Phú Quốc không có người ở, chứ đừng nói là có khách sạn, villa nghỉ dưỡng như bây giờ. Ngoài cái khách sạn mà mẹ tôi đang xây, chỉ có vài ba khách sạn như Novotel Resort, Intercontinental đang xây gần đó, còn lại Bãi Trường chỉ trùng điệp những bãi cát trắng hoang sơ. Chỉ có một con đường đất đỏ lầy lội dẫn vào công trường của gia đình tôi. Mẹ tôi thuê một căn phòng tạm bợ rộng 15m2 chỉ để ngủ ban đêm. Ban ngày bà ở công trường để giám sát công trình. Buổi trưa, bà mắc võng ngủ trong một cái cống thoát nước to ngay cạnh công trường.
Khi chứng kiến cảnh đó, tôi xót xa lắm, bảo mẹ: “Con không biết mẹ xây khách sạn rồi kinh doanh ra sao khi đường cũng không có để mà đi. Chỗ này có khi 10 năm nữa cũng chẳng kinh doanh được, có đáng để mẹ vất vả thế không?”. Nhưng bà cười: “Con còn non lắm. Những lúc như này mới là thời cơ của người đi khai phá. Chứ còn cơm ngon thì không đến lượt mình”. Khi ngồi trên máy bay về nhà sau chuyến đi, Hương cứ khóc vì thương mẹ. Ở tuổi 60, rõ ràng là có nhà cao cửa rộng ở Hà Nội, có quyền sống cuộc đời an nhàn, vui vầy bên con cháu, nhưng mẹ cô lại đang nằm ngủ trong một cái cống nước, để lo cho con cái cuộc sống đầy đủ. Đó là lúc cô nhận ra cô không thể tiếp tục hưởng thụ những thành quả mà bố mẹ tạo ra, ngày ngày vui vẻ với xe sang, hàng hiệu rồi bình thản đi làm thuê ở một nơi danh giá, mà quên đi rằng mình cũng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ với gia đình, với người mẹ có thể ngủ trong cống nước giữa trưa hè.
Thế nên sau khi sinh đứa con đầu lòng được 4 tháng, Hương xin nghỉ việc ở ngân hàng, ôm theo con nhỏ và đưa theo một người giúp việc vào Phú Quốc, quyết tâm đồng hành cùng mẹ. Cô nói: “Lúc đó tôi nghĩ rằng gia đình mình ở đâu thì tôi ở đó. Miền đất nào đem lại hạnh phúc và cơ hội cho chúng tôi thì tôi sẽ chọn nơi đó để gắn bó. Nên tôi rời Hà Nội mà không quá nhiều vấn vương”.
Đi trong tâm thế chuẩn bị đối mặt với những thử thách, tôi vẫn không thể ngờ cuộc sống ở Phú Quốc lại khó khăn đến vậy. Điên lưới chưa ổn định, cả Bãi Trường khi ấy sử dụng điện thi công, vào mùa mưa sét đánh, mất điện, vào mùa gió, cát bay trộn lẫn trong những bữa cơm. Xung quanh không có gì ngoài bê tông và cát đá, Phú Quốc bấy giờ chỉ là một đại công trường. Buổi sáng, tôi thức dậy từ 6h vì tiếng xe bê tông. Đêm đến, nhất là những đêm giông bão, mất điện, tôi ôm con trai mà nước mắt không ngừng rơi, tôi luôn tự hỏi mình có quá bất công với con mình không, khi tuổi thơ của con chỉ toàn là hình ảnh xe bê tông, xe cuốc, và bạn con chỉ toàn là người kĩ sư công trường” – Hương gạt nước mắt kể.
Lúc mới vào Phú Quốc, Hương bắt đầu những chuỗi ngày sáng sáng ra giám sát thi công, học từ anh em công nhân, học cách đọc bản vẽ, học những nguyên tắc cơ bản của nghành xây dựng, tự tìm tòi các đơn vị thi công nội thất. Thấy Bãi Trường có hàng trăm công nhân, kĩ sư mà không có lấy một quán cơm tử tế, Hương và mẹ mở một quán cơm bình dân, trong lúc chờ khách sạn 3 sao đầu tiên trên đảo Phú Quốc mà gia đình cô xây dựng chính thức đi vào vận hành, vừa để lo bữa ăn tử tế cho chính gia đình, nhưng quan trọng hơn là cơ hội hiểu hơn về thị trường và con người Phú Quốc. Hương thay đổi đến mức chính người thân của cô cũng bất ngờ. Từ một tiểu thư Hà thành mỗi bước ra ngoài đường đều “lên xe xuống ngựa”, Hương trở thành cô gái bán cơm bình dân ở huyện đảo. Mỗi sáng cô dậy từ 6 giờ sáng, vừa tất bật lo nguyên liệu đầu vào cho nhà hàng, vừa quản lý công trình đang xây dựng. Cô tự lên chợ Dương Đông chọn từng cân cafe hạt, tự pha cafe, tự phục vụ bàn, làm mọi việc từ bưng bê đến rửa bát. Là dân tài chính vĩ mô, vốn chỉ là việc cho các tập đoàn lớn, nhưng giờ cô ngồi tính toán, ghi chép lời lãi của từng cốc cafe. Hương kể: ” Tôi nghĩ mình phải sống hết mình và làm việc nghiêm túc, nỗ lực mỗi ngày, cho dù công việc đó chỉ là câu chuyện cốc cà phê và bát phở. Những bữa cơm trưa bình dân ngày ấy mở ra vô vàn cơ hội cho tôi học hỏi từ anh em công nhân, cho tôi làm quen với những câu chuyện cơm áo gạo tiện rất đỗi đời thường mà tôi chưa bao giờ biết đến. Nhiều những kĩ sư, anh em công nhân ngày ấy ăn cơm bình dân tôi phục vụ, sau này tôi động viên mở công ty riêng, trở thành nhà thầu của những dự án hiện tại công ty tôi đang phát triển, đó là cơ duyên và là những kỉ niệm khó quên không chỉ của riêng tôi mà còn là của rất nhiều người trẻ khác đến với Phú Quốc, và quan trọng hơn cả, đó là cơ hội tuyệt vời để hiểu hơn về giá trị của những đồng xu lẻ, những thứ mà thế hệ F2 như tôi thấy xa lạ. những ngày tháng ấy đã làm nên triết lý kinh doanh của tôi!”.
Hồi mới vào Phú Quốc, Hương mang theo mấy vali quần áo toàn hàng hiệu: từ quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ, trang sức. Vốn tính chỉn chu, dù đi ra công trường, cô cũng ăn mặc, trang điểm rất kỹ lưỡng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn thôi thì cô đã nhận ra những thứ hàng hiệu mà cô mặc hoàn toàn không phù hợp chút nào với nơi này. Công nhân, kỹ sư xây dựng ở công trường sẽ không hiểu được giá trị bộ quần áo mà cô mặc hay câu chuyện về cái đồng hồ hàng hiệu mà cô đeo. Nó chỉ làm cô càng trở nên xa cách và lạ lẫm trong mắt họ. Mà khi ấy Phú Quốc còn hoang sơ nên nhiều muỗi khủng khiếp. Mỗi lần ra công trường về là trên người Hương chi chít vết muỗi cắn.
“Chỉ sau một tháng thôi là tôi hiểu hàng hiệu không giúp tôi đẹp hơn ở đây, cũng không tôn lên giá trị của tôi, mà nó chỉ làm cho tôi trở nên vô cùng hài hước, vô cùng kệch cỡm ở đây. Tôi buộc phải chấp nhận sự thật rằng tôi cần mặc thứ gì đó để đảm bảo mình không làm mồi cho muỗi. Thế là tôi nhờ bạn mình ở Hà Nội ra phố Hàng Đào mua cho 1 tá quần lanh thắt chun ở ống quần, giống hệt nhau, giá chỉ vài chục một trăm để mặc đi công trường”.
Hương không thần tượng bất cứ một nghệ sĩ nào. Nhưng “idol” vĩnh viễn trong lòng cô chính là mẹ mình. Hương kể, mẹ cô là một người đàn bà dân tộc Mường, học mới hết cấp 3, từng làm công nhân của Nhà máy Thuỷ điện Sông Đà, nhưng lại được trời phú cho sự nhạy bén của một doanh nhân tài giỏi. Một mình bà xây dựng cơ nghiệp gia đình từ hai bàn tay trắng, có trong tay nhiều toà nhà văn phòng cho thuê ở đất Hà Nội. Dù là “đại gia ngầm” ở Hà Nội, nhưng bà sẵn sàng ngủ ở công trường, lăn lộn với công nhân; bà yêu cây cối nên đi đâu cũng cầm theo một cái túi nhỏ, trong đó có một cái xẻng nhỏ và ít phân bón. Cứ chỗ nào thấy cây cối còi cọc, bà lại bảo lái xe cho dừng lại để làm cỏ, bón phân cho cây.
Hương phục mẹ mình ở tầm nhìn. Lúc cô mới theo mẹ vào Phú Quốc, cô ngập tràn những hoài nghi trong đầu, không biết đây có phải canh bạc quá mạo hiểm của gia đình khi đầu tư vào một nơi chưa phát triển hay không. Nhưng rồi cô nhanh chóng nhận ra là mẹ cô đã đúng. Vì giờ đây Phú Quốc đã hội tụ gần như tất cả các tên tuổi BĐS hàng đầu.
Amon Hotel -Khách sạn 3* đầu tiên khai trương tại Bãi Trường của mẹ con cô đưa vào vận hành trước sự ngỡ ngàng của nhiều người, vì lúc đó không ai có thể tin khách du lịch sẽ đến và ở lại giữa một đại công trường như thế.
Ấy vậy mà ngay trong 3 tháng đầu tiên khai trương, Hotel Amon đã đạt tỷ lệ phủ phòng đến 70%, lợi nhuận trên 30% doanh thu. Hương từ cô bán cơm bình dân lại trở thành cô lễ tân, cô phục vụ buồng phòng, trước bán cơm làm 12 tiếng/ ngày, thì giờ làm khách sạn làm việc 14 tiếng/ ngày, từ 6h sáng đến 2h đêm, và liên tục phải xách vali chuyển phòng vì khách đông quá. Thời ấy nhân lực khách sạn ở Phú Quốc còn vô cùng yếu kém và khan hiếm, may mắn có sự đồng hành của người bạn thân có hơn chục năm làm du lịch, hai cô gái 8X lăn lộn vừa làm, vừa học, vừa mò mẫm xây dựng thương hiệu quản lý khách sạn cho Hotel Amon. Sự thành công của Hotel Amon không chỉ đơn thuần là sự thành công của một khách sạn 3* bé nhỏ giữa những thương hiệu khách sạn hàng đầu thế giới quy tụ tại Bãi Trường như Novotel, Pullman, Intercontinental, mà đó là sự kết thúc của 2 năm “thử tiềm năng thị trường”, và là mở đầu cho những ngày tháng thực sự “tất tay” cùng Phú Quốc khi mẹ con Hương quay lại với công việc chính là phát triển các dự án bất động sản. Dự án BĐS đầu tiên mà công ty của Hương chào sân ở thị trường Phú Quốc là Amon Beach Resort, có quy mô chỉ 3ha với phân khúc biệt thự biển, cạnh tranh với những ông lớn trên thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Câu hỏi “mình là ai” và “ai là khách hàng của mình” chính là cơ sở để Hương làm nên chiến lược kinh doanh “không giống ai” ở Phú Quốc. Xuất thân là dân tài chính kinh doanh, may mắn được thừa hưởng sự nhạy bén thị trường từ người mẹ, Hương sớm tìm ra thị trường ngách của mình, giữa những dự án biệt thự biển cam kết lợi nhuận, Hương mạnh dạn mở bán cho thị trường thứ cấp, là một trong những Chủ đầu tư đầu tiên đưa ra chính sách bán hàng không cam kết, mà là chia sẻ lợi nhuận cùng với khách hàng. Đó là “canh bạc” lớn, nhưng đồng thời là sự tự tin của cô gái CEO trẻ tuổi với giá trị sản phẩm và sự cam kết đồng hành dài lâu cùng với khách hàng của mình. Dự án ra mắt thành công trên mọi phương diện và là tiền đề quan trọng để công ty Hương thật sự cất cánh cho những dự án tiếp theo ở thị trường BĐS nghỉ dưỡng.
Những năm tháng lăn lộn ở Phú Quốc không nề hà từ việc nhỏ đến việc lớn đã thực mang đến cho Hương một nền tảng vững vàng, cộng thêm sự vững chãi của một công ty xây dựng có thâm niên 10 năm của gia đình, Hương nhanh chóng triển khai thành công nhiều dự án sau đó, Công ty cô – CTCP Tập Đoàn Hạ Tầng Đô Thị Corporation, từ một công ty xây dựng “ít tiếng ít tên” nhanh chóng khẳng định vị thế của một Chủ đầu tư có tâm, sở hữu hàng trăm biệt thự ven biển, quỹ đất hơn 50 hecta tại những vị trí đắt giá bậc nhất Bãi Trường và triển khai thành công hàng loạt các dự án BĐS nghỉ dưỡng cao cấp như dư án Andochine Resort & Spa, The Seaside Village, hay như dự án mang nhiều dấu ấn như khu phức hợp đầu tiên tại Bãi Trường – Sim Island, có thương hiệu riêng, triết lý riêng. Mỗi dự án thành công, từ quy hoạch ý tưởng, chiến lược đến triển khai bán hàng, đều mang đậm dấu ấn của một thủ lĩnh trẻ có triết lý kinh doanh riêng, có giá trị riêng không hề lẫn lộn giữa hàng loạt các nhà phát triển dự án tầm cỡ.
Ra Phú Quốc lập nghiệp, Hoàng Thị Thu Hương trải qua không ít khó khăn. Cô kể: ” Hơn 1 thập kỷ tồn tại và phát triển của Hạ tầng Đô Thị, thời của thế hệ trước phải đương đầu với đại suy thoái, thì thời của người trẻ chúng tôi gặp Đại dịch Covid 19.Phú Quốc trải qua 2 năm trầm lắng vì thị trường đi xuống, chả ai là ngoại lệ, kể cả những CĐT lớn hay nhỏ. Giữa lúc thị trường còn chưa kịp hồi phục, thì đại dịch Covid ập đến như giáng thêm một đòn thật đau với BĐS nghỉ dưỡng. Du lịch đóng cửa, BĐS đứng im”.
Dịch covid đợt 2 xảy ra đúng lúc cô chuẩn bị ra mắt dự án Andochine Resort & Spa – Một dự án biệt thự biển mà cô đặt nhiều kỳ vọng. Covid đợt 3 vùng lên đúng lúc cô chuẩn bị giới thiệu dự án – The Residence Phú Quốc – Một mô hình lưu trú lâu dài lần đầu tiên được ra mắt tại Bãi Trường. Cô cho rằng cần phải nghĩ khác. Đại dịch cuốn đi nhiều thứ, nhưng chắc hẳn sẽ đem lại nhiều thứ. Thứ đó là gì?
“Có 3 cơ hội tôi cho rằng đại dịch đã đem tới. Thứ 1, đó chính là liều thuốc thử cho sức đề kháng không chỉ là sức khoẻ ý thức, mà còn là cả khả năng quản trị rủi ro và tài chính của Doanh Nghiêp. Thứ 2, đó là dịch bệnh cuốn đi nhiều thứ cơ hội, nhưng cũng đem đến những nhà đầu tư tiềm năng và có tầm nhìn dài hạn vững chắc. Và khi thị trường BĐS èo uột, cũng là lúc họ tìm kiếm cơ hội đầu tư giá tốt nhất, và nhiều sự lựa chọn tốt nhất. Và cuối cùng, đó là cơ hội để Doanh nghiệp ghi điểm trong mắt nhân viên!”
Hồi dịch bệnh mới bùng lên, nhiều Doanh nghiệp chọn ngủ đông, vì bất động sản du lịch chỉ sống được nếu du lịch cực thịnh. Nhưng Hương cùng các cộng sự tìm ra những ý tưởng và kế hoạch triển khai. Chuẩn bị sẵn sàng phương án kinh doanh trở lại khi dịch được kiểm soát.
Các doanh nghiệp khác sẽ tìm cách cắt giảm nhân sự; nhưng Hương hiểu nhân sự chính là tài sản quý giá của công ty. Nửa năm đầu dịch bệnh diễn ra, công ty không thu vào được một đồng tiền nào mà mỗi tháng vẫn phải chi trả hơn chục tỷ đồng cho chi phí hoạt động. Nhưng Hương không sa thải bất cứ một nhân viên nào, cũng không giảm lương bất kỳ ai. Cô yêu cầu mọi người làm việc, dù làm trên công ty hay làm việc ở nhà.
Thay vì thụ động ngồi chờ dịch bệnh qua đi, Hương quyết định rằng cô phải học cách sinh tồn trong dịch bệnh, biến nguy thành cơ. Hương không cho phép nhân viên của mình hỏi câu “liệu có nên làm không”, mà cô yêu cầu họ phải tư duy về việc “làm thế nào”.
Những tháng đầu covid xảy ra, cô cho nhân viên ngồi lập các phương án kinh doanh để sẵn sàng chào bán dự án mới. Nên giữa tháng 6 – thời điểm yên bình hiếm hoi trong năm nay, khi nhiều doanh nghiệp BĐS đều e ngại, Hương vẫn mở bán dự án mới của mình. Thay vì hướng vào các nhà đầu tư tầm trung, phải vay ngân hàng đầu tư, cô hướng vào nhóm khách hàng có sẵn tiền, bằng cách đưa ra điều kiện giảm giá sâu nếu khách hàng thanh toán 95%. Đánh trúng tâm lý nhà đầu tư tìm kiếm những cơ hội đầu tư sản phẩm tốt, giá tốt khi vừa dứt dịch, dự án ra hàng thành công ngoài mong đợi.
Tháng 9 vừa rồi, khi dự án The Residence Phú Quốc chuẩn bị được giới thiệu thì covid lại bùng lên lần thứ 2 ở Việt Nam. Hương định hướng chiến lược mới cho xây dựng các phương án mới, các kịch bản phù hợp trong từng tình huống. Áp dụng công nghệ 3D virtual, quay hình ảnh thực tế dự án, tiếp cận khách hàng qua các ứng dụng công nghệ,…. Chính thói quen của một “chiến binh” đã giúp cô đưa công ty đi qua giai đoạn ngặt nghèo đầy tự tin và bản lĩnh. Cho đến thời điểm này, khi năm 2021 chỉ còn hai tháng nữa, Hương có thể tự tin khẳng định doanh thu của công ty đã gấp đôi năm trước, bất chấp sự tàn phá kinh hoàng của dịch bệnh! Có được những thành công ấy, thủ lĩnh 8X tin rằng, phần nhiều là kết quả của ý chí vươn lên và tinh thần rèn luyện bền bỉ của một người lính trên chiến trường không chỉ của riêng cô, mà của cả tập thể mà cô gây dựng, ai cũng chiến đấu với “tinh thần chiến binh ấy”. Hương bảo, ” thương trường vốn đã là chiến trường rồi, ra trận là phải xông pha thôi, nhưng quan trọng nhất mọi người phải chiến đấu cùng chung một mục đích : đó là lợi ích của khách hàng – của những người đã đặt niềm tin vào Hạ tầng Đô Thị Coporation”
Gặp Hương ở Phú Quốc, được cô đưa đi thăm các dự án của công ty, tôi hỏi cô hình ảnh nào cô nhớ nhất về quãng đường 5 năm qua ở Phú Quốc. Thủ lĩnh CEO ko ngần ngại chia sẻ, đó là hình ảnh xe đổ bê tông dưới trời hoàng hôn tuyệt mỹ trên biển Bãi Trường – một hình ảnh luôn gợi cho cô nhớ rằng, thành công của cô hôm nay, là sự xây dựng những giá trị rất thật như đi xây nhà, xây ước mơ, Và với cô, Phú Quốc mãi mãi là những câu chuyện đẹp về những người Việt trẻ dám dấn thân, dám phấn đấu, ý chí và kiên cường để xây nên những câu chuyện đẹp của riêng mình.
Hương Thảo Nguyên
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)