Độc giả không còn xa lạ với chiếc máy bay riêng của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Boeing 757-200. Chiếc máy bay này đã xuất hiện liên tục cùng ông trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2016 và thậm chí là cả sau khi ông đã trúng cử và chuyển sang sử dụng chiếc Air Force One.
Tuy nhiên ít người biết rằng trước đây, ông Trump từng sở hữu một hãng hàng không mang tên Trump Shuttle. Nhưng hãng hàng không này có thời gian tồn tại khá ngắn ngủi, chỉ 18 tháng.
Mở hãng bay riêng để biến ngành hàng không “vĩ đại trở lại”
Mọi chuyện khởi đầu từ một buổi tiệc với sự tham gia của loạt lãnh đạo ngành hàng không đình đám ở khách sạn Trump Plaza vào năm 1988. Trong buổi hôm đó, ông Trump đã trò chuyện cùng chủ tịch Eastern Airlines là Frank Lorenzo và họ đã cam kết với nhau về một thỏa thuận: Ông Trump sẽ mua lại dịch vụ bay chặng ngắn ở bờ đông của Eastern Airlines với giá 365 triệu USD. So với bây giờ số tiền này không phải quá lớn nhưng ở thời điểm ông Trump mua thì đây là một con số khổng lồ.
Thời điểm đó, ông Trump hứa hẹn đưa ngành hàng không vĩ đại trở lại thông qua thương vụ thâu tóm của mình. “Chúng tôi muốn công chúng hưởng những dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất, với số chuyến bay bị hoãn tối thiểu, tiện nghi tuyệt vời nhất”. Ngoài 365 triệu USD, ông Trump tiếp tục bỏ ra 1 triệu USD để tân trang lại toàn bộ các máy bay hiện có và đổi lại tên thương hiệu Trump Shuttle.
Hãng hàng không mới điều hành đội bay Boeing 727-100s và 727-200s thực hiện đường bay giữa Boston, New York và Washington DC. Hãng lần đầu cất cánh vào giữa năm 1989.
Đúng như lời cam kết của ông Trump, chuyến bay mở màn của Trump Shuttle hội tụ đủ mọi tiện nghi mà hành khách thời đó mong mỏi: Nhạc giao hưởng, champagne không giới hạn… Nhưng thời tiết xấu khiến chuyến bay đến Boston khởi hành trễ tới 45 phút.
Tự tin với lựa chọn của mình, thời đó ông Trump còn công khai thách thức đối thủ trực tiếp là hãng Pan Am. “Chúng tôi sẽ là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm, tôi nghĩ sẽ rất thú vị. Tôi thích chạy đua với Pan Am. Nếu có phải cạnh tranh, Pan Am chính là đối thủ nhắm đến”.
Sau đó, ông còn lôi kéo nhân tài của đối thủ – Bruce Nobles, cựu chủ tịch Pan Am, về điều hành Trump Shuttle.
“Chết yểu”
Tưởng mọi thứ sẽ êm xuôi nhưng ngay trong tuần đầu tiên hoạt động, Trump Shuttle đã gặp một vài trục trặc. Họ nhanh chóng nhận ra mình vừa chi 365 triệu USD để nhận về 1 đống máy bay cũ nát. Ngoài ra, với đội ngũ chưa nhiều kinh nghiệm, việc phải điều hành 64 chuyến một ngày giữa ba sân bay Logan tại Boston, LaGuardia tại New York, và Reagan tại Washington D.C là quá sức đối với Trump Shuttle.
Đến tháng 8/1989, một chuyến bay của Trump Shuttle phải hạ cánh khẩn cấp xuống Boston vì bộ phận hạ cánh phía trước của máy bay bị trục trặc. Không có ai bị thương, nhưng sự việc đã gây ra tiếng xấu cho Trump Shuttle ngay từ những ngày đầu.
Về phần mình, lúc đó ông Trump vẫn không hề tỏ ra bối rối. Ông gọi đó là cú hạ cánh “hoàn hảo”, không ai bị thương cả. Để chứng minh mình đúng, ông thậm chí đã ở trên một chuyến bay khác của Trump Shuttle tới Boston.
“Đó là pha hạ cánh đẹp nhất tôi từng thấy. Máy bay đáp xuống đường băng mượt mà. Lúc hạ cánh, phần phía trước chạm rất nhẹ nhàng. Chẳng ai bị thương cả. Chỉ sóc chút thôi nhưng tất cả đều ổn”, ông Trump phân trần.
Dẫu vậy, việc thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không tiếp tục gây ra loạt vấn đề sau đó với Trump Shuttle. Hãng này được cho là đã đầu tư quá nhiều và phung phí tiền bạc mà không mang lại hiệu quả.
Sau này, cựu CEO Noble có tiết lộ lý do khiến hãng thất bại: “Chúng tôi mua những chiếc 727 cũ và chi một khoản tiền khổng lồ để lột trơ khung, tân trang lại bằng dây an toàn mạ crôm, vách ngăn bằng gỗ thích và phòng tắm bằng đá cẩm thạch giả (bởi đá cẩm thạch thật sẽ tăng trọng lượng máy bay). Đó chính là vấn đề: Chúng tôi chi quá nhiều vào máy bay”.
Cuối năm 1990, Trump Shuttle thua lỗ 128 triệu USD và nhân viên bắt đầu bị sa thải. Năm 1992, ông Trump quyết định đã đến lúc phải rút chân khỏi vũng lầy.
Cuối năm 1991, ông Trump nhượng lại quyền kiểm soát Trump Shuttle. Vì đang phải chịu trách nhiệm với khoản nợ trị giá 245 triệu USD nên sau thỏa thuận, khoản nợ riêng cá nhân ông Trump giảm xuống còn 35 triệu USD.
Quyền kiểm soát Trump Shuttle thuộc về US Airways sau khi thỏa thuận với Northwest Airlines đổ bể. US Airways đồng ý kiểm soát Trump Shuttle trong 10 năm với lựa chọn mua lại sau 5 năm. Thương vụ thực hiện vào năm 1997, US Airways chịu trách nhiệm trả ngân hàng 285 triệu USD. Sau này họ bỏ hết logo và tên thương hiệu của Trump Shuttle và đổi thành American Airlines Shuttle ngày nay.
Về phần mình, ông Trump vẫn cho rằng trải nghiệm với Trump Shuttle không quá tệ: “Tôi điều hành hãng hàng không này trong 2 năm, ngành hàng không khá khốc liệt nhưng tôi đã làm tốt. Tôi cũng đã rời đi đúng lúc”.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)