Hệ sinh thái ngành dược thu về vài nghìn tỷ mỗi năm từ sản phẩm tăng cường sinh lý cho đến vắc xin, bệnh viện của doanh nhân Ngô Chí Dũng

Những tín hiệu tích cực về vắc xin COVID-19 đang được toàn thế giới ngóng chờ. Tại thời điểm này, nỗi lo dịch bệnh một lần nữa lại xuất hiện tại Việt Nam với những ca lây nhiễm cộng đồng mới.

Trong trường hợp vắc xin COVID-19 được phát triển thành công, nhu cầu tiêm chủng sẽ là rất lớn bởi thế giới dường như đã ý thức được mức độ nguy hiểm của đại dịch chưa từng có trong lịch sử.

Thực tế, dù có hay không có dịch bệnh, tiêm chủng cũng là một nhu cầu quan trọng và đồng hành cùng quy mô dân số. Nó giúp ngăn chặn sự lây lan, truyền nhiễm bệnh tật, tạo ra cơ chế bảo vệ cho con người.

Được thành lập từ tháng 6/2017, CTCP Vắc xin Việt Nam (VNVC) nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những hệ thống tiêm chủng cao cấp và hàng đầu trong nước. Công ty cho biết là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sở hữu kho lạnh hiện đại bảo quản vắc xin. Bên cạnh đó, VNVC cũng thông tin có các loại vắc xin thế hệ mới nhất từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới, nhập khẩu chính hãng. Cơ sở vật chất và dịch vụ tại các trung tâm VNVC được khách hàng đánh giá cao, nhất là tạo được sự yên tâm với các phụ huynh khi đưa con đến tiêm chủng.

Chỉ trong vòng hơn hai năm, quy mô của VNVC đã mở rộng nhanh chóng. Dữ liệu của chúng tôi về kết quả kinh doanh của công ty này cho thấy năm 2019 doanh thu thuần đạt 2.334 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần so với năm trước đó. Trong nửa năm đầu kinh doanh (2017), VNVC chỉ đạt doanh thu 32 tỷ đồng.

Công ty bắt đầu báo lãi trong năm 2019, mức sau thuế đạt 80 tỷ đồng, trong năm liền trước lỗ 39 tỷ đồng. Điều này cho thấy rằng, dường như mô hình kinh doanh vắc xin khá nhanh chóng để minh chứng tính hiệu quả. Biên lợi nhuận gộp của VNVC dao động quanh mức 26%.

Cho đến thời điểm hiện tại, hệ thống của VNVC đã có mặt tại 30 tỉnh thành của cả 3 miền với 42 trung tâm tiêm chủng.

Thành lập ban đầu với số vốn điều lệ 10 tỷ đồng, VNVC là công ty tư nhân do ba cá nhân góp vốn gồm ông Ngô Chí Dũng (40%), bà Nguyễn Thị Hà (30%) và bà Nguyễn Thị Xuân (30%).

Theo thời gian, vốn điều lệ của VNVC tăng dần, đạt mức 80 tỷ đồng với tỷ lệ sở hữu của các cổ đông không thay đổi. Cập nhật mới nhất đến tháng 7 năm nay, vốn của VNVC tiếp tục tăng lên 140 tỷ đồng. Nguồn vốn mới có thể giúp công ty này thực hiện tham vọng mở rộng của mình, trong thời gian gần đây VNVC đẩy mạnh khai trương thêm nhiều trung tâm tiêm chủng.

Ông Ngô Chí Dũng không phải là người xa lạ trong giới kinh doanh dược phẩm, y tế, thực phẩm chức năng. Doanh nhân này là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Dược phẩm Eco (Eco Pharma).

Eco Pharma có thể là cái tên ít gây chú ý, nhưng những ai thường xuyên xem đài truyền hình Việt Nam một giai đoạn sẽ không thể không biết “Sâm Alipas – Tăng cường sinh lực phái mạnh”, hay “Sâm Angela Gold – Sức khỏe, sắc đẹp”… Đây chính là các sản phẩm dòng ecogreen của EcoPharma. Một thời giai đoạn, EcoPharma liên tục chi tiền quảng cáo trên truyền hình để thông tin về các sản phẩm thực phẩm chức năng kể trên có thể tiếp cận với phần đông khán giả đại chúng.

Công ty dược phẩm của ông Ngô Chí Dũng chuyên nhập khẩu, phân phối các loại thuốc đặc trị về tim mạch, tiểu đường, ung thư, gan mật, tiêu hóa tại Việt Nam. Sản phẩm của EcoPharma có mặt tại hàng chục nghìn nhà thuốc trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, EcoPharma có sở hữu riêng cho mình hệ thống nhà thuốc ECO, một sàn thương mại Ecogreen vận hành từ tháng 1/2017.

Doanh thu của EcoPharma đạt lần lượt 1.503 tỷ đồng và 1.681 tỷ đồng trong hai năm tài chính gần nhất, biên lãi gộp duy trì ở mức 33%. Nhưng điểm đáng chú ý là lợi nhuận ròng của công ty này lại bốc hơi một nửa sau mỗi năm. Trong 2019 chỉ còn 12 tỷ đồng.

Một đặc điểm của cả EcoPharma và VNVC là đều sử dụng đòn bẩy cao. Cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của EcoPharma ghi nhận 83 tỷ đồng, trên tổng tài sản 570 tỷ đồng; trong khi đó tại VNVC vốn chủ 113 tỷ đồng, tổng tài sản 789 tỷ đồng.

Trong hệ sinh thái các doanh nghiệp của ông Ngô Chí Dũng, CTCP Bệnh viện Tâm Anh cũng có được sức tăng trưởng khá ấn tượng.

Bệnh viện Tâm Anh đi vào hoạt động từ tháng 9/2016, đặt tại Long Biên, TP Hà Nội. Doanh thu trong năm 2019 của bệnh viện này đạt 661 tỷ đồng, lãi ròng tượng trưng 1 tỷ đồng. Điều này gây bất ngờ bởi năm liền trước đó, bệnh viện Tâm Anh dù ghi nhận doanh thu thấp hơn (524 tỷ đồng) nhưng lãi sau thuế tới 42 tỷ. Biên lãi gộp của bệnh viện này đang dao động quanh ngưỡng 28% bất ngờ rơi xuống 19% trong 2019.

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *