Trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc tê liệt vì Covid
CNBC mấy ngày qua đưa tin làn sóng Covid-19 mới tại Hà Bắc khiến Trung Quốc phải áp hạn chế giao thông vận tải với tỉnh này. Phạm vi phong tỏa bao gồm các khu vực quanh nhiều nhà máy thép, hạn chế khả năng giao hàng. Trung Quốc là quốc gia sản xuất thép hàng đầu thế giới và giới phân tích cho biết Hà Bắc đóng góp hơn 20% tổng sản lượng.
Việc vận chuyển thép bằng xe tải bị tạm dừng ở Hà Bắc, khiến đường sắt là lựa chọn duy nhất còn lại. Các tuyến đường bị phong tỏa dẫn đến thép bị chất đống ở những nhà máy thép lớn trong khu vực.
Các công trường xây dựng và sản xuất tại Trung Quốc dự kiến dừng làm việc sớm hơn thường lệ để nghỉ tết Âm lịch từ ngày 11 đến ngày 17/2. Điều này có thể ảnh hưởng lực cầu thép, vốn được sử dụng nhiều trong những lĩnh vực này.
Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa tại ANZ, cảnh báo số ca nhiễm Covid-19 tăng tại Hà Bắc có thể khiến một số vùng sản xuất thép bị phong tỏa. “Điều này rõ ràng tác động đến lực cầu quặng sắt, các nhà máy luyện thép khả năng cao bị gián đoạn các chuỗi cung ứng, ảnh hưởng sản xuất thép”.
Giá thép quay lại đà tăng
Báo cáo cập nhật của CTCP Chứng khoán ACBS cho rằng giá thép đang quay lại đà tăng do nhu cầu tiêu thụ thép từ Trung Quốc tăng mạnh. Các doanh nghiệp thép lớn của Trung Quốc như China Baowu steel group, Nippon steel, POSCO, Jianlong Steel có động lực tăng sản lượng bất chấp việc giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng mạnh không kém.
Giá thép HRC giao dịch trên sàn Thượng Hải đã vượt mốc 700 USD/Tấn, cao nhất trong 3 năm trở lại đây và đang duy trì giao dịch tại vùng giá trên 700 USD/tấn.
Sự tăng giá nguyên liệu đầu vào đã góp phần vào việc tăng giá thép thành phẩm, chủ yếu đến từ việc tăng giá của quặng sắt.
Việc phía nguồn cung quặng, lượng quặng sắt xuất đi từ Brazil trong tháng vừa rồi đã rơi xuống dưới mức 30 triệu tấn, thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2019. Mặt bằng giá quặng cao có thể được duy trì trong thời gian tới khi mà nguồn cung quặng có thể sẽ còn tiếp tục giảm.
Báo cáo của ACBS chỉ ra rằng, Vale – nhà khai thác quặng lớn nhất thế giới – đã cắt giảm mạnh sản lượng khai thác trong năm 2020 do chưa thể khai thác bình thường kể từ vụ việc vỡ đập năm 2019. Công ty này cũng đang đặt một kế hoạch sản lượng thận trọng cho năm 2021. Việc sản lượng quặng bị cắt giảm đáng kể cộng với nhu cầu từ Trung Quốc đã khiến cho giá quặng sát trên thị trường tăng mạnh.
Theo ACBS, sự gia tăng chi phí sản xuất thép cũng được xoa dịu một phần nhờ vào việc giảm giá than. Nhu cầu than trên thế giới đã giảm mạnh trong 2 năm vừa qua, chủ yếu từ khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu. Cơ quan năng lượng thế giới ước tính nhu cầu than trong năm 2020 đã giảm khoảng 5% khi nền kinh tế thế giới bị đình trệ do ảnh hưởng dịch Covid-19.
“Với giả định nền kinh tế thế giới có thể phục hồi trở lại trong năm 2021, giúp làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện và hoạt động công nghiệp, báo cáo của IEA cũng chỉ dự báo mức tăng 2,6% cho nhu cầu than trên toàn thế giới. Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á sẽ chiếm đa số trong sự tăng trưởng nhu cầu này, trong khi Mỹ và Châu Âu sẽ lầu đầu tiên chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu trong một thập kỷ nay. Tuy nhiên tổng nhu cầu than cho năm 2021 vẫn được dự báo thấp hơn năm 2019 và có thể thấp hơn nếu nền kinh tế thế giới không phục hồi như kịch bản mà IEA đề ra”, ACBS nhận định.
Theo đánh giá của ACBS, nhìn chung, giá thép bình quân của tháng 1 năm 2021 đã cao hơn bình quân năm 2020 khoảng 27% trong khi chi phí nguyên liệu chỉ tăng khoảng 20%. Các doanh nghiệp sản xuất thép lớn như Baowu Steel Group, Jianlong Steel ở Trung Quốc, hay Formosa, POSCO, Hoà Phát ở Việt Nam có thể được hưởng lợi từ sự chênh lệch này.
Cổ phiếu thép lên cao mọi thời đại
Phiên giao dịch sáng nay (22/1) cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen có thời điểm vượt 27.000 đồng/cp, cao nhất mọi thời đại, gấp 5 lần đáy xác lập vào tháng 4/2020, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát duy trì ở mốc 44.000 đồng/cp mặc dù quỹ PENM đang bán 66 triệu cổ phiếu, cổ phiếu NKG của Nam Kim giao dịch ở vùng 16.850 đồng/cp, gấp 3 lần đáy.
Giá cổ phiếu HSG 3 năm trở lại đây
Quý I niên độ 2020-2021 Hoa Sen lãi 572 tỷ đồng, đặt kế hoạch lợi nhuận cả năm 1.500 tỷ đồng, tăng 30% thực hiện niên độ trước. Hoa Sen đang hướng tới trở thành nhà phân phối nội thất bên cạnh việc sản xuất tôn.
Giá cổ phiếu HPG 3 năm gần nhất
Với Hoà Phát, dự kiến, lò cao số 4 Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 1/2021, đánh dấu sự hoàn thành toàn bộ hai giai đoạn đầu tư dự án, chính thức đưa công suất thép thô của Hòa Phát lên mức 8 triệu tấn/năm. Với sản lượng thép thô này, Hòa Phát ước đặt mức sản lượng 4,6 triệu tấn thép xây dựng thành phẩm trong năm 2021, qua đó nâng thị phần lên 40% (giả định tổng cầu thép xây dựng tăng 10%), tương ứng mức tăng 7% so với 2020. Hoà Phát cũng được hưởng lợi khi giá HRC đang ở mức 700 USD/tấn, tăng 50% so với cùng kỳ 2020.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)