Có thể khởi đầu với công việc thu nhập thấp, từ đó trải nghiệm và học hỏi
Tập 13 “Cơ Hội Cho Ai? – Whose Chance?” vừa lên sóng ngày 30/01/2021 có 2 cặp ứng viên tham gia thi đấu để tranh cơ hội được “chốt thương lượng” chung cuộc.
Cặp ứng viên đầu tiên là Lương Kỷ Linh, 21 tuổi, sinh viên khoa Quản trị Kinh doanh trường Đại học Kinh tế TPHCM. Kỷ Linh tham gia nhiều cuộc thi và đạt thành tích cao như: Quán quân chương trình HR Expert 2020, Á quân cuộc thi I-Factor 2019. Ngoài ra, anh chàng còn nhận nhiều học bổng như Học bổng SEED (Canada) năm 2019, học bổng ASEAN trong Thế giới Ngày nay năm 2020.
Đối thủ của chàng trai 21 tuổi là Lê Đỗ Minh Ngọc, 25 tuổi, Thạc sỹ Kinh tế Tài chính trường Đại học Khoa học Ứng dụng Rhine-Waal (Cộng hòa liên bang Đức), trình độ tiếng Anh IELTS 6.5. Là một cô nàng ham học hỏi, Minh Ngọc sở hữu song song nhiều chứng chỉ về Kinh tế do các trường Đại học Quốc tế cấp.
Đến với chương trình, Kỷ Linh mong muốn được ứng tuyển vào các vị trí liên quan đến quản lý nhân sự, truyền thông hoặc Marketing. Đối thủ của anh chàng, Minh Ngọc có kinh nghiệm làm việc liên quan đến chứng khoán, tư vấn thuế và cô nàng muốn tìm kiếm cơ hội việc làm mới, được đầu quân cho 6 vị sếp quyền lực của chương trình.
Chủ đề tranh luận của cặp đôi ứng viên là: “Có ý kiến cho rằng: Một bộ phân sinh viên mới ra trường chủ động chọn xe ôm công nghệ là một nghề chính để kiếm tiền nhanh. Bạn đánh giá thế nào về ý kiến này?”.
Có nhìn nhận khá tích cực về vấn đề này, Kỷ Linh cho rằng chạy xe ôm công nghệ là 1 nghề tiềm năng đối với các bạn sinh viên. Vì thu nhập mang lại khoảng 60 nghìn đồng trên 1 giờ chạy xe là khá cao so với những công việc bán thời gian khác. Về sinh viên mới ra trường, chạy xe ôm công nghệ có thể là phương án tạm thời, tuy nhiên trong quá trình làm việc, các bạn vẫn có thể học hỏi những kỹ năng mềm, có thêm trải nghiệm xã hội từ đó.
“Người chạy xe ôm công nghệ có thể giao tiếp với khách hàng, với các quán bán lẻ, quán ăn các kiểu, thì có thể tăng độ nhạy về thị trường thực tế. Họ có thể phù hợp với công việc lĩnh vực tiêu dùng nhanh, bán lẻ hoặc công nghệ”, nam ứng viên 21 tuổi chia sẻ thêm.
Đưa ra góc nhìn khác với đối thủ, Minh Ngọc cho rằng thực trạng hiện tại của nước ta là nguồn nhân lực dồi dào nhưng cơ hội việc làm lại ít. Chính vì thế, việc sinh viên mới ra trường chưa tìm được công việc, chọn xe ôm công nghệ là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, các bạn nên biết rằng đó chỉ là tạm thời và không đóng góp gì cho kế hoạch phát triển bản thân lâu dài.
Kết quả của vòng 1, Kỷ Linh giành chiến thắng trước Minh Ngọc với số điểm 4/7, trong đó 3 bình chọn từ các sếp và 1 bình chọn từ khán giả phim trường.
Ở vòng 2 – Chinh phục, các sếp sẽ đặt câu hỏi để chất vấn, thử thách, tìm hiểu về chuyên môn, năng lực, khả năng xoay sở, xử lý công việc của ứng viên.
Sếp Nguyễn Tuấn Lương (Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam – VNPAY) là người đầu tiên có lời chia sẻ đến Kỷ Linh: “Hai bạn rất trẻ và cùng trao đổi về xe ôm công nghệ. Tôi cũng làm công nghệ và cũng sử dụng xe ôm công nghệ. Khi lên một chiếc xe ôm, điều lo ngại nhất chính là chiếc nón bảo hiểm. Tôi tìm hiểu xem cái anh xe ôm đầu đường tại sao luôn đắt khách, thì lý do rất đơn giản. Cái nón bảo hiểm luôn có một lớp lót và phải giữ làm sao cho nó luôn thơm tho, sạch sẽ. Sau mỗi một hành trình, anh ấy lại thay nó đi. Anh ấy làm tốt đến những điều nhỏ nhất. Đấy là điều tôi muốn nhắn nhủ đến bạn. Tôi tin cuộc hành trình của các bạn còn rất dài và tôi mong các bạn có thể làm tốt nhất, từ những điều nhỏ nhất”.
Ngay sau đó, sếp VNPAY đặt câu hỏi cho ứng viên: “Nếu có 2 sản phẩm giống hệt nhau về tính năng, đặc tính và giá cả, thì bạn sẽ lựa chọn sản phẩm nào?”.
Nếu sản phẩm là dịch vụ giao đồ ăn nhanh, một thương hiệu chủ yếu phục vụ đối tượng khách hàng cá nhân, có nhiều khung giờ giảm giá cho dân văn phòng, liên kết với đa số quán ăn Việt và một thương hiệu của nước ngoài, chuyên phục vụ nhóm khách hàng, Kỷ Linh cho rằng lựa chọn của anh phụ thuộc vào nhu cầu cá nhân. Nếu ăn 1 mình, muốn ăn món Việt thì nam ứng viên chọn thương hiệu thứ nhất. Nếu đặt đồ ăn cho công ty thì anh sẽ chọn phương án thứ hai. Tuy nhiên, anh chàng 21 tuổi nhấn mạnh, về lâu dài, chất lượng phục vụ của thương hiệu đó như thế nào mới là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến đánh giá của cá nhân anh.
“Sai lầm của bạn trẻ là muốn rất nhiều thứ ở công việc đầu tiên”
Đặt câu hỏi thứ hai để tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất, sếp Lương (VNPAY) hồ hởi: “Theo em, căn bệnh nào lan truyền nhanh nhất?”.
Câu trả lời của Kỷ Linh là căn bệnh trầm cảm, anh cho rằng đối mặt với những bất ổn xã hội do Đại dịch Covid-19 mang đến, con người dễ rơi vào trạng thái này. Tuy nhiên, đáp án của sếp VNPAY lại là “căn bệnh truyền miệng”. Lý giải cho điều này, sếp Lương cho biết khi đứng giữa 2 sản phẩm giống nhau mà người dùng chưa có bất kỳ thông tin nào cả, họ thường hỏi ý kiến những người xung quanh, từ cộng đồng. “Marketing truyền miệng (Viral Marketing) có thể lan nhanh hơn bất kỳ căn bệnh nào!”, sếp Lương khẳng định.
Tiếp lời người đồng đội ghế “nóng”, sếp Vũ Minh Trí (CEO của VNG Cloud) đặt câu hỏi: “Khi lựa chọn công việc đầu tiên, em có hình dung trong đầu rằng một công việc như thế nào sẽ là cơ hội tốt hay không?”.
“Em sẽ cân nhắc các yếu tố như văn hóa công ty như thế nào, lộ trình phát triển ra sao, có rõ ràng hay không? Em mong người sếp đầu tiên của em là một người truyền cảm hứng và có thể giúp đỡ em”, Kỷ Linh trải lòng.
Sếp VNG lập tức đưa ra lời khuyên cho ứng viên: “Nếu phải cho một lời khuyên, thì tôi thấy cái sai lầm của bạn trẻ là muốn rất nhiều thứ ở công việc đầu tiên. Như thế khó tìm việc lắm. Vì trong 5 thứ bạn liệt kê thì chỉ có 1 thứ đạt được. Còn bên tuyển dụng cũng muốn nhiều thứ, nhưng các bạn lại không đạt được thứ nào hết. Như thế 2 bạn gặp nhau xong sẽ ấm ức.
Nên tôi có lời khuyên cho các bạn trẻ rằng hãy tìm kiếm một thứ thôi, là được làm. Vì khi được làm rồi thì bạn sẽ được học hỏi, học người sếp ấy có tốt hay không, nếu không tốt thì sẽ làm gì, học môi trường đó có tốt không, không tốt thì sẽ làm gì, để sau đấy tính hòa nhập, sinh tồn của mình sẽ tốt hơn”.
Kết quả chung cuộc, Kỷ Linh được mời về làm việc tại: PNJ của sếp Thông cho vị trí Chuyên viên Marketing và ứng viên chương trình Quản trị viên Tập sự năm 2021 với mức lương 12,302,011 đồng; VNPAY của sếp Lương cho vị trí Nhân viên phát triển điểm chấp nhận thanh toán mã VNPAY QR với mức lương 13 triệu đồng; Thắng Lợi Group của sếp Quyền cho vị trí Quản trị viên Tập sự kiêm chuyên viên Truyền thông Nội bộ với mức lương 15,999,999 đồng và Elise của sếp Nga cho vị trí Chuyên viên Marketing với mức lương 15 triệu đồng.
Cuối cùng, Kỷ Linh quyết định lựa chọn đầu quân Thắng Lợi Group, về đội sếp Quyền cho vị trí Quản trị viên Tập sự kiêm chuyên viên Truyền thông Nội bộ với mức lương 15,999,999 đồng.
Ngoài ra, ở tập 13 này có thêm màn đối đầu của 2 ứng viên khác. Đó là Trần Đại Nghĩa, 29 tuổi, kỹ sư xây dựng (ĐH Kiến Trúc TPHCM), và Tô Thị Thu Thảo, 27 tuổi, sở hữu bằng Kiến trúc sư chuyên ngành về quy hoạch vùng và đô thị, thiết kế đô thị, thiết kế kiến trúc. Cô có 5 năm kinh nghiệm về công tác thiết kế, quản lý thiết kế, nghiên cứu thị trường, nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Chủ đề tranh luận của cặp đôi ứng viên là “Trong môi trường công sở, im lặng có phải là vàng?”.
Sau khi lắng nghe cách xử lý tình huống của 2 ứng viên, sếp Quyền kể cho 2 bạn nghe về một câu chuyện có thật xảy ra trong doanh nghiệp của ông. Người bị ghét trong trường hợp này đã đợi người không thích mình trước cổng công ty, bắt tay và nói: “Tôi không cần anh thích tôi. Tôi cần anh phối hợp với tôi trong công việc. Vì nếu chúng ta không phối hợp được với nhau, thì anh và tôi có khả năng sẽ phải dừng cuộc chơi. Anh cứ suy nghĩ đi!”. Sếp Thắng Lợi cho biết sau đó, 2 người này có thể phối hợp được với nhau trong cuộc họp, nhưng ra ngoài thì không thể uống bia cùng nhau.
Mặc dù sau đó Tô Thị Thu Thảo đã đưa ra nhận định khá tốt và ghi điểm trong mắt sếp Quyền, song cô lại không phù hợp với văn hóa của Thắng Lợi Group nên đành sớm nói lời chia tay chương trình.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)