Người phụ nữ ‘nhân 300 lần’ giá trị đầu tư nhờ rót vốn sớm vào một công ty Trung Quốc

Năm 2014, thời điểm ứng dụng chia sẻ video Kuaishou bắt đầu phát triển, Su Hua và các nhà đồng sáng lập ngay lập tức khởi động quá trình tìm kiếm nguồn hỗ trợ vốn nhằm mở rộng quy mô sản phẩm. Họ nhanh chóng nhận được một lời đề nghị từ Ruby Lu, nhà đầu tư mạo hiểm, người từng nhìn nhận họ là những kỹ sư vô cùng tiềm năng và từng tham gia tư vấn cho các dự án kinh doanh của Kuaishou.

Nhưng lời đề nghị của Lu vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt tới từ một công ty đầu tư mạo hiểm quy mô hơn, và giá trị lời đề nghị cũng hấp dẫn hơn, theo một nguồn thạo tin. Bà không chấp nhận nhường cuộc chơi cho đối thủ. Lu nói với Su và các nhà đồng sáng lập khác rằng bà sẽ mang lại cho họ nhiều thứ, không đơn thuần là tiền bạc. Bà sẽ là người trực tiếp tham gia vào dự án, cùng với đó là sự hỗ trợ từ phía các đối tác đến từ DCM Ventures. Cuối cùng, bà giành chiến thắng, với một mức giá thấp hơn.

Hôm 1/2, cổ phiếu Kuaishou Technology bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Hong Kong – phiên chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) được đánh giá là thành công nhất đối với một công ty dịch vụ internet kể từ sau Uber Technologies vào năm 2019. Khoản đầu tư của Lu quả thực là một thành công. Với 40 triệu USD mà DCM rót vào Kuaishou, giá trị của khoản đầu tư đó ở hiện tại tăng lên 14 tỷ USD, sau khi cổ phiếu của công ty tăng hơn 3 lần chỉ trong 3 ngày giao dịch đầu tiên.

“Có một hệ phương pháp trong xây dựng một công ty từ con số 0”, Lu, năm nay 50 tuổi, chia sẻ trong cuộc phỏng vấn đầu tiên của bà trong năm 2021. Một phần chiến lược của bà là phát hiện ra những kỹ sư tài năng giống như trường hợp của Su nhưng họ cũng cần có một chiến lược và tư duy đúng đắn. “Bạn phải chịu đựng nhiều nỗi đau hơn so với người khác”.

Trụ sở của Kuaishou tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: VCG.

Đây là bước tiến mới, thể hiện rõ ràng vai trò cầu nối của bà giữa hai quốc gia, vốn khởi đầu từ rất lâu về trước khi một cặp vợ chồng người Mỹ mời bà tới sống cùng họ tại bang Maryland, đồng thời chi trả tiền học phí cho bà. Sau tốt nghiệp, bà làm việc tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs trong giai đoạn bong bóng dot-com trước khi tập trung vào mảng đầu tư các doanh nghiệp khởi nghiệp.Lu thuộc số ít nhà đầu tư nữ, những người đã và đang rất thành công và được coi là bộ mặt của lĩnh vực đầu tư mạo hiểm tại Trung Quốc. Năm 2019, bà xây dựng nên công ty đầu tư của riêng mình với tên gọi Atypical Ventures, sứ mệnh trang bị hành trang cho thế hệ các nhà lãnh đạo công nghệ tiếp theo tại Trung Quốc, sử dụng nguồn vốn đến từ các định chế đầu tư tại Mỹ.

“Bà là nguồn cổ vũ cho cộng đồng đầu tư mạo hiểm tại Trung Quốc”, theo Kai-Fu Lee, giám đốc điều hành Sinovation Ventures, người quen biết Lu trong thời gian dài. “Bà ấy sẽ hỗ trợ bạn bất cứ lúc nào, kể cả khi bạn thành công hay thất bại”.

Câu chuyện khởi đầu năm 1989, khi bà tình cờ gặp Fred và Virginia Paush trên một con phố thuộc thành phố quê hương Hạ Môn. Cặp vợ chồng này, lúc đó sống tại Hạ Môn để giúp đỡ giảng dạy tiếng Anh cho người dân địa phương, tỏ ra khá ấn tượng với Lu. Họ mời bà tới sống cùng với họ và học tập tại Mỹ. Bố mẹ Lu gật đầu đồng ý. Để chuẩn bị cho chuyến đi của con gái, mẹ của bà đã đính 200 USD vào một chiếc quần của Lu phòng trường hợp bà cần chạy trốn.

“Đối với Ruby, gần như không có gì là không thể”, theo Tammy Pausch, con gái của cặp vợ chồng đã nhận nuôi Lu.

Randy Pausch chính là anh trai “mới” của bà tại Mỹ, người sau đó đã trở thành một giáo sư khoa học máy tính, tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Last Lecture” (tạm dịch: Bài giảng cuối cùng).

Khả năng sử dụng tiếng Anh của Lu rất hạn chế khi bà chân ướt, chân ráo tới Mỹ. Trên lớp học, bà hiểu rất ít những gì giáo viên truyền đạt. Do đó, Fred Pausch mua cho bà một máy ghi âm để bà có thể nghe lại bài giảng ở nhà. Lu là sinh viên xuất sắc nhất ngành kinh tế học tại Đại học Maryland, hạt Baltimore. Sau đó, bà theo học thạc sĩ ngành nghiên cứu quốc tế tại Đại học Johns Hopkins.

Bà được nhận vào làm việc tại Goldman Sachs vào năm 1996. Ban đầu, bà làm việc tại Hong Kong với nhiệm vụ hỗ trợ các công ty quốc doanh Trung Quốc cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán. Sau đó, bà trở lại Mỹ làm việc. Phiên IPO của eBay khơi gợi tình yêu của bà đối với lĩnh vực công nghệ, làm thay đổi mối quan tâm của bà và là động lực để xin chuyển sang làm việc tại Menlo Park, nơi đặt trụ sở văn phòng quản lý mảng công nghệ của Goldman Sachs.

“Lúc đó, tôi không có đường lùi”, bà chia sẻ.

Bà rời ngân hàng đầu tư trên vào năm 2003 để gia nhập DCM Ventures, công ty tại Thung lũng Silicon được thành lập bởi David Chao và Dixon Doll. Tại đó, bà tham gia đồng sáng lập nên chi nhánh DCM tại Trung Quốc. Lúc bấy giờ, các ông lớn công nghệ Trung Quốc như Alibaba và Tencent mới được thành lập. Một vài thương vụ đầu tư thành công của DCM do bà đảm nhiệm diễn ra sau đó, ví dụ như công ty thương mại điện tử Dangdang hoạt động theo mô hình của Amazon và Bitaito, một ứng dụng mua bán xe hơi trực tuyến.

Bà Ruby Lu. Ảnh: Bloomberg.

Nhưng câu chuyện hành công nhất của bà lại hoàn toàn khác biệt. Kuaishou, cũng giống như đối thủ TikTok – thuộc sở hữu của ByteDance, là một công ty Trung Quốc nhưng tạo được tiếng vang trên toàn cầu. Đây là hai nền tảng hàng đầu cung cấp dịch vụ phát video ngắn hoặc trực tuyến, có độ phủ tương đối lớn trên toàn cầu, giống như những gì Facebook và YouTube làm được.

Su từ lâu nằm trong tầm ngắm của Lu, trước cả khi anh bắt tay xây dựng ứng dụng video ngắn này. Họ quen biết nhau trong quá trình Su phát triển hệ thống gợi ý quảng cáo ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo cho ông lớn tìm kiếm Baidu. Sau khi Su rời Baidu, Lu không ngần ngại ủng hộ doanh nghiệp mới của anh ấy, đầu tiên là một chợ bán đồ cũ trực tuyến, và sau đó là Kuaishou, lúc đó có khoảng 15 nhân sự và doanh thu là con số 0.

Lu tham gia công tác điều hành Kuaishou cho tới khi bà rời DCM vào năm 2016. Doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm này sau đó tăng khối lượng vốn đầu tư vào Kuaishou, nhưng phần lớn lợi nhuận thu về đều tới từ khoản đầu tư sớm của Lu. DCM, hiện nắm giữ 7,6% cổ phần của Kuaishou, và là nhà đầu tư quốc tế đầu tiên, lớn nhất tại công ty này.

5Y Capital, một quỹ đầu tư của Trung Quốc cũng đầu tư khoảng 204 triệu USD vào Kuaishou, và tính tới thời điểm đóng phiên giao dịch hôm 9/2, giá trị của khoản đầu tư này chạm 26 tỷ USD.

Bạn cần phải biết “những kỹ sư tốt nhất, những người giỏi công nghệ nhất ở xung quanh bạn”, Lu cho biết. “Nhiều doanh nhân mà tôi hỗ trợ, một khi họ muốn rời khỏi công ty của họ, tôi sẽ đầu tư cho người đó”.

Lu thành lập Atypical Capital vào tháng 9/2019 sau một thời gian làm việc ngắn tại một công ty đầu tư mạo hiểm khác. Tên gọi của công ty được truyền cả hứng từ quan niệm rằng các doanh nhân phải khác biệt so với phần còn lại, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, chấp nhận thiệt thòi trên quãng đường dài xây dựng một doanh nghiệp lớn. Công ty được rót vốn đầu tư ban đầu 200 triệu USD tới từ các quỹ hưu trí, tiền đóng góp và các gia gia tộc tỷ phú tại Mỹ.

Atypical tập trung đầu tư vào một nhóm nhỏ các công ty khởi nghiệp, hiện tại là 5 công ty, và tham gia trợ giúp các doanh nhân. Lu cho biết bà có một nguyên tắc cá nhân đó là trả lời tin nhắn từ các doanh nhân chậm nhất sau 3 giờ, và thường thực hiện những cuộc gọi quan trọng vào sáng sớm.

Các nhà sáng lập doanh nghiệp từng làm việc với bà cho biết bà là người chính trực, thẳng thắn và cầu toàn.

“Bà ấy luôn tỏ rõ sự quyết tâm”, theo Stanley Li, nhà sáng lập DXY, “kỳ lân” công nghệ chuyên cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh trực tuyến, được DCM đầu tư.

Li lần đầu tiên gặp Lu tại Bắc Kinh vào năm 2010 sau khi bà gọi điện cho ông nhằm đưa ra lời đề nghị đầu tư. Ông miêu tả buổi gặp không khác gì một “vụ bắt cóc”. Trong buổi gặp đó, ông từ chối lời đề nghị của bà vì vị doanh nhân này có ý định hợp tác với một nhà đầu tư khác.

“Bà ấy không để cho chúng tôi ra về”, Li nhớ lại với một tràng cười. “Ruby nói với chúng tôi rằng chúng tôi không đươc rời khỏi phòng khi chưa đặt bút ký vào bản thỏa thuận”.

Trong sáng hôm sau, Li gật đầu đồng ý. DCM đầu tư 52 triệu USD trong vòng gọi vốn đầu tiên và sau đó tiếp tục gia tăng giá trị đầu tư. DCM vẫn đang nắm giữ cổ phần tại DXY. Giá trị của công ty này đã vượt mốc 1 tỷ USD vào năm 2018.

Một vài mối quan hệ của Lu mất tới hàng chục năm để xây dựng. Vào những năm 1990, Victor Perlroth và một người bạn của ông đang tìm kiếm một người bạn cùng phòng tại Portola Valley, gần khu vực Đại học Stanford nơi ông đang theo học. Ông cho đăng quảng cáo trên một tờ báo và Ruby đã phản hồi.

Mười năm sau, hai người bắt đầu cộng tác với nhau khi Perlroth mong muốn xây dựng một công ty công nghệ sinh học nhưng lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn hỗ trợ. Do đó, ông kêu gọi tiền từ bạn bè và người thân, trong đó có một khoản đầu tư cá nhân của Lu. Kodial Sciences, công ty ông đã thành lập, chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2018, và giá trị hiện tại đạt hơn 8 tỷ USD. Giá trị khoản đầu tư của Lu tăng tới 100 lần, theo Perlroth.

“Bà ấy là một nguồn năng lượng”, Perlroth cho biết. “Bà ấy rất hoạt ngôn, luôn tò mò và thân thiện. Bà ấy không che giấu ai điều gì”.

Lượng người dùng hàng ngày của Kuaishou qua các năm.

Lu là người cầu toàn và không cho phép các công ty bà đầu tư thất bại. Phần lớn các công ty đầu tư mạo hiểm thường bỏ rơi các công ty yếu để dành thời gian cho các công ty có tiềm năng. “Bà ấy không chấp nhận dù chỉ một thất bại”, Lee tới từ Sinovation cho biết.

Có lần, một công ty khởi nghiệp đang “hấp hối” và thành viên ban điều hành chuẩn bị tâm lý bỏ cuộc. Lu đã làm việc không mệt mỏi để tìm ra ai có thể mua lại công ty này, và trả cho các nhà đầu tư một khoản lợi nhuận nhỏ, theo một nguồn thạo tin.

Trên 20 doanh nghiệp khởi nghiệp mà bà đầu tư trong sự nghiệp, chỉ có một công ty chính thức ngừng hoạt động, tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ thất bại trung bình từ 30% tới 40%. Trong đó, 8 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán..

Mặc dù thành công vang dội, cũng có những điều khiến bà phải nuối tiếc. Bà bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào ByteDance vì không nhìn thấy hết những tiềm năng tới từ Toutiao, một ứng dụng tổng hợp tin tức, thuộc sở hữu của công ty này. Bà cũng từ chối lời đề nghị đầu tư của Lei Jun vào Xiaomi khi công ty này đang được định giá ở mốc 1 tỷ USD. Hiện tại, giá trị của công ty đã tăng 88 lần.

Là lãnh đạo nữ hiếm hoi trong giới đầu tư mạo hiểm, Lu cho biết các đồng nghiệp nam thường nói với bà rằng “bà chẳng khác gì chúng tôi cả”. Bà coi đó là một lời khen ngợi. Bà cho biết để có nhiều hơn các lãnh đạo nữ, chúng ta cần phải làm rất nhiều thứ, và các quy định của chính phủ nên được ban hành để đẩy nhanh quá trình đó. Phụ nữ chỉ chiếm 11% trong tổng số các thành viên ban quản trị các doanh nghiệp Trung Quốc ghi nhận trong năm 2019, thấp hơn mức bình quân toàn cầu 21%, theo một khảo sát thực hiện bởi Credit Suisse Group AG.

Lu có một bước tiến rất dài kể từ thời điểm cô gặp mặt hai vợ chồng nhà Pausch hơn 30 năm về trước. Perlroth cho rằng sự thành công của bà sẽ còn vang dội hơn nữa khi lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc phát triển mạnh. Ông cho biết bản thân đã gửi tất cả 4 người con tới một trường đào tạo kỹ năng của Trung Quốc có địa chỉ tại Palo Alto, một phần vì mối quan hệ đối với Lu.

“Thật tuyệt khi nhìn thấy sự thành công của bà ấy”, ông nói. “Nhưng tôi nghĩ bà ấy chỉ mới bắt đầu mà thôi”.

Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *