Ngày đầu năm, chúng tôi gặp gỡ doanh nhân Phạm Trần Nhật Minh, hay còn gọi là Minh Nhựa. Sinh năm 1983, anh là đại diện tiêu biểu của tầng lớp siêu giàu tại Việt Nam hiện nay: trẻ, giỏi, năng động, trưởng thành sớm, có nhiều thú vui xa xỉ. Minh Nhựa là người chơi siêu xe, xe siêu sang hàng đầu Việt Nam với quãng thời gian hơn 10 năm, từng đưa về nhiều siêu xe độc nhất vô nhị.
Trong bộ sưu tập khoảng 20 siêu xe và xe siêu sang của Minh Nhựa, nổi bật có chiếc Pagani Huayra trị giá khoảng 70 tỷ đồng. Số tiền này bằng với thu nhập của một người Việt Nam trung bình làm việc trong 1.186 năm không ăn không uống.
Phạm Trần Nhật Minh đến cuộc hẹn với chúng tôi trên chiếc Mercedes-AMG G63 Edition One, tay đeo đồng hồ Richard Mille, diện cây hàng hiệu trắng bộc lộ thú vui thời trang. Năm nay 38 tuổi, anh đã lên chức ông ngoại nhưng phong cách trò chuyện vẫn trẻ trung như độ tuổi 20. Anh thẳng thắn, không né tránh bất cứ câu hỏi nào.
Lúc đó tôi chưa hiểu chuyện kinh doanh, chủ yếu theo ba đi công tác. Ba dặn: “Con hãy nhìn những gì ba và người xung quanh làm, con sẽ tiếp thu được những kiến thức có lợi cho sau này”. Nghe xong, tôi chỉ nghĩ là đi nhìn ngó thôi.
Con đường kinh doanh của tôi bắt đầu từ việc học cầm muỗng, cầm nĩa. Tôi nhớ lần đầu tiên khi còn là cậu bé bước vào một nhà hàng 5 sao và trên bàn có đủ loại dụng cụ ăn uống. Lúc đấy đã choáng rồi. Tôi rất vụng về vì mới 12 tuổi, độ tuổi chưa phát triển nhiều mà phải đi cùng ba tiếp khách cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài.
Lịch di chuyển của tôi khá dày. Nhiều lúc tôi ngủ gật, mệt quá cũng có thể kiếm cái ghế nằm ngay vì gia đình thường xuyên có những chuyến công tác dài ngày. Tôi nhớ năm 15-16 tuổi, tôi có chuyến đi đầu tiên tới Đức trong 5-7 ngày, di chuyển bằng đủ loại phương tiện, máy bay, rồi transit (trung chuyển – PV), xe lửa, taxi…
Di chuyển nhiều, lại không ăn được đồ Tây khiến cơ thể tôi cứ lừ đừ. Mệt hơn nữa, ba và đối tác nói chuyện bằng tiếng Anh, mà lúc đấy khả năng tiếng Anh của tôi chưa tốt. Rồi mình nghe thấy điều chưa thích, lạ lẫm nhưng không được ý kiến gì hết, phải ngồi yên hàng tiếng đồng hồ và không hiểu mình có vai trò gì trong cuộc nói chuyện. Tôi luôn luôn phải cố căng não, mà căng quá thì chuyển sang chế độ buồn ngủ. Tôi tìm đủ cách để tính táo, từ rửa mặt cho đến vận động. Điều đó giúp tôi quen với áp lực và nhận ra mình phải vượt lên giới hạn của bản thân trước khi đảm đương trách nhiệm trong công ty.
Có những kiến thức nhỏ hơn mà cũng cần dùng đến, đó là ăn uống. Ngày nhỏ tôi cứ nghĩ ăn ở Tây mới cần nguyên tắc dao, muỗng, nĩa, không nghĩ là sẽ áp dụng được ở Việt Nam. Nhưng hiện tại, văn hóa đó đã du nhập vào Việt Nam và những kiến thức trước đây giúp tôi tự tin khi bước vào nhà hàng.
Trước kia, tôi cảm thấy như bị ép buộc. Mãi đến khi học đại học, tôi mới nhận ra những kiến thức học được từ nhỏ thật sự quý giá.
Cuộc đời tôi thiệt thòi đúng một thứ, và thứ đó không thay đổi được, đó là anh em ruột. Tôi là con một. Tôi chưa bao giờ hiểu được cảm giác san sẻ tình cảm, đồ chơi, thời gian hay bất cứ điều gì cho một người kế bên cả. Tôi chỉ là một người được nhận, chứ chưa bao giờ được cho. Đó là cảm giác thiếu thốn nhất hồi tôi là con nít. Tôi cần điều đó. Nếu mẹ tôi cho tôi một người anh, một người em hay chị em gái gì đó, tôi nghĩ rằng tôi sẽ tốt hơn bây giờ rất nhiều.
Còn bây giờ tôi lớn rồi. Tôi hướng dẫn cho các con mình phải có sự san sẻ cho nhau về đồ chơi, kiến thức, hay lúc nào em gái sai thì anh trai phải làm gì. Tôi đã trải qua tuổi thơ thiếu thốn tình anh em, và tôi không muốn các con phải như vậy.
Hiện tại, sự cho đi của tôi đã nằm trong máu. Từ ngày đi học, tôi thương bạn bè, cũng do mình có điều kiện hơn mọi người. Khi ăn một tô phở, tôi chưa bao giờ bắt bạn trả tiền. Nếu chơi thân sẽ giao kèo hôm nay mày trả, hôm sau tao trả. Nhưng khi tiếp xúc với bất cứ người ngoài nào, tôi luôn là người trả tiền. Đó không phải để thể hiện mình giàu, mà là không muốn nợ ai cả.
Ba tôi luôn nói: “Con hãy làm sao khi ra đường, con đừng để ai trả tiền cho con, trừ những người quá thân. Vì sao? Vì khi nhận thì phải trả, không đơn giản chỉ là tiền mà phải trả cả tình nghĩa. Trong làm ăn, con để người ta mời, con cũng phải trả. Nếu người ta đưa ra những sản phẩm, những điều kiện không hợp lý. Con sẽ đứng giữa ranh giới nhận người ta một bữa cơm, một chuyến đi du lịch… thì giờ phải trả người ta như thế nào? Điều đó khiến con lăn tăn khi thỏa thuận một hợp đồng. Thà không nhận gì cả, đến khi hoàn thành hợp đồng, họ muốn thế nào thì mình tính sau. Lúc đó cả đôi bên vui vẻ”.
Tôi làm cho công ty gia đình từ khi 22 tuổi, năm 2004. Mức lương khởi điểm là 3 triệu đồng/tháng, còn bây giờ phải thêm nhiều số 0 đằng sau. Đương nhiên là chức vụ và kinh nghiệm bây giờ đã khác ngày xưa rất nhiều. Về công việc, tôi khẳng định tôi làm công ăn lương cho công ty từ ngày ra trường đến giờ. Ba tôi không cho đi làm ở ngoài.
Wowy rap: “Anh Minh có thể đưa công ty lên vài ngàn tỷ đồng, nhưng những nỗi lòng không thể viết thành bài rap như Wowy”.
Đúng, tôi có thể đưa công ty lên vài ngàn tỷ, và đương nhiên có những áp lực đè nặng lên vai. Tôi hay nói, thuyền to thì sóng to. Giờ tôi chọn thuyền nhỏ được không? Chắc chắn là không. Tới giờ này, con thuyền không thể nhỏ được nữa, tôi không thể đập nát hay chia rẽ để nó nhỏ lại.
Tôi là con một, nên việc chia sẻ áp lực công việc là không thể. Mọi người sẽ đặt câu hỏi tại sao tôi không đưa vợ tham gia vào công ty. Tôi nói thật, tôi đã phải chịu áp lực thì tôi cũng không muốn vợ phải như vậy. Vợ tôi cũng không phải là người có năng khiếu kinh doanh có thể giúp việc này việc kia. Tôi muốn vợ vui vẻ với những gì cô ấy thích hơn là bị ép buộc. Nếu vợ tôi chủ động vì thương chồng, vì muốn giúp thì tôi mới tiếp nhận. Tôi học đạo nên không muốn ép buộc một ai cả.
Bạn hỏi đúng điều mà tôi không muốn nói (cười). Sai lầm lớn nhất của tôi là về công việc, cụ thể là quản lý nhân sự. Ví dụ trên thang điểm 10. Có năm, tôi đưa tất cả nhân viên trình độ mức 5 đi đào tạo để họ lên mức 7. Nhưng tôi dở một điều là luôn khen ngợi, động viên và trả cho họ thu nhập mức 10. Trong lịch sử, công ty chưa làm điều đó với bất kỳ ai.
Tôi thay đổi chính sách của công ty nhưng nó chỉ duy trì được 1-2 năm thì tất cả cấp bậc quản lý nghỉ việc hết. Mọi công sức của tôi đổ bể dù tôi đưa họ đi học, đi nước ngoài, thậm chí trao nhiều quyền lực. Lúc ấy, nhân viên làm giờ nào không cần kiểm soát. Tôi thoải mái đến mức độ đó, và nhận ra mình đã quá vội. Cho nhiều, nhưng họ lại dùng sự cho phép của mình để làm việc cá nhân và không trả về kết quả như mong đợi, công ty phải siết lại. Khi siết lại thì họ không còn vui vẻ, và cùng lúc họ xao động vì những lời mời gọi từ công ty đối thủ. Cuối cùng, tôi mất lượng nhân viên khủng khiếp nhất trong sự nghiệp.
Và sai lầm thứ hai, chắc cả Việt Nam ai cũng biết tôi có một sai lầm về chuyện tình cảm vài năm trước. Báo chí đăng rất nhiều. Nhưng cảm ơn sai lầm đã giúp tôi thay đổi ngoạn mục, như lật thẳng sang một trang mới, thành một con người mới, vui vẻ và thân thiện hơn dù ngày xưa có vẻ nổi tiếng hơn giờ.
Tôi cảm ơn những sai lầm quá khứ, và tôi chắc chắn không lặp lại chúng trong tương lai.
Tôi từng trả lời như vậy trong một bài báo trước đây. Sau đó có rất nhiều bạn bè nhắn: “Minh ơi, tại sao thoải mái nói như vậy, có những điều mình nên giấu, có những điều mình nên nói. Trả lời vậy sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống, gia đình, tất cả mọi thứ”.
Nhưng với tôi, sự thật mãi mãi là sự thật. Khi phóng viên hỏi, sự thật thế nào tôi trả lời thế đó. Tôi vẫn sẽ giữ nguyên câu trả lời đó, thái độ đó khi được hỏi tương tự. Nhưng thật ra, những cái “chấm chấm chấm” phía sau thì mọi người lại không chú ý đến.
Tất cả mọi thứ đều là ba mẹ tôi cho. Chữ cho ở đây là cho tặng, chứ không phải cho không. Cho tặng có 2 ý nghĩa. Một là “tặng” trong những dịp đặc biệt như sinh nhật, là cái cớ để tặng người thân. Còn thứ hai là “cho” dựa theo đóng góp trong công ty, ví dụ trong tháng, trong năm, tôi mang về cho công ty lợi ích gì.
Cụ thể hơn, vào công ty được 2 năm, tôi lập kế hoạch và thực hiện trong 6 tháng, rút gọn một phân xưởng 80 người còn 4-5 người. Chi phí nhân sự giảm đáng kể từ năm 2006 đến nay. Dựa trên những thành quả đó, ba mẹ tặng tôi món quà vì tôi đã trưởng thành hơn, hiểu công ty hơn và đam mê với nghề mà ba mẹ mình truyền lại.
Ồ, nó hơi vượt quá những gì tôi mang lại cho công ty. Ví dụ kế hoạch của tôi giúp công ty tiết kiệm khoảng 100.000 USD/năm, nhưng ba tặng chiếc xe 300.000 USD. Trong đó, 200.000 USD là ba con thương nhau, còn những gì tôi xứng đáng nhận 100.000 USD. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là ba mẹ muốn tôi theo công việc này.
Một người trưởng thành thường không muốn nằm dưới cái bóng của gia đình. Dưới sức ép con một, tôi không có đường thoát nên có thể đó là cách ba mẹ động viên, cho tôi có thời gian trải nghiệm, yêu thích công việc và không muốn nhảy sang ngành khác.
Có thể mọi người sẽ thấy, hiện tại, tôi rất tự hào về công ty. Xe lúc nào cũng có cờ và logo Nhựa Long Thành. Tôi nghĩ ba mẹ đã thành công, và sẽ còn những món quà lớn hơn dành cho tôi trong tương lai (cười).
Đừng nên áp dụng một triết lý với tất cả mọi người. Vào thời điểm thích xe, tôi chỉ đơn giản là ngưỡng mộ những tài phiệt, doanh nhân, diễn viên nổi tiếng của Hồng Kông. Những diễn viên như Quách Phú Thành, Lưu Đức Hoa chạy siêu xe tới một khách sạn, đến nơi có thảm đỏ trải ra, phóng viên chụp lia lịa. Trong bộ phim họ là một doanh nhân nổi tiếng, sở hữu siêu xe và những tòa nhà cao vời vợi.
Lúc ấy, tôi chưa biết việc kinh doanh phức tạp như thế nào, chỉ nghĩ đơn giản, siêu xe gắn liền với biểu tượng thành đạt, khi bước xuống xe thì nhận được sự ngưỡng mộ của nhiều người.
Tôi thích cảm giác đó, cũng có thể cho là thích địa vị, danh vọng. Nhưng thực sự, những thứ đó có hay không, đối với tôi, không quan trọng. Ai cũng thích được người khác khen, tôi cũng vậy, nhưng không nhất thiết. Tôi quan niệm đừng đắm chìm trong sự khen ngợi, đừng luôn luôn cố gắng đứng ở đỉnh cao, rồi mình gồng với nó, áp lực với nó, sợ đối thủ, sợ những người xung quanh hơn mình. Tối ngày như vậy rất mệt mỏi.
Tôi chơi xe theo sở thích, sau đó thấy báo chí đưa tin về mình thì thấy khó hiểu, vì tôi đâu có nhu cầu đó. Về sau, báo chí bắt đầu săn tin về tôi nhiều hơn. Họ bắt đầu khai thác ông Minh ở đâu ra, rồi mới biết ông Minh công ty Nhựa Long Thành.
Lúc đó tôi đang làm ở phòng marketing, phải cố gắng đưa công ty lên website, báo chí. Tự nhiên thấy mình chơi xe báo chí cũng đăng mà không mất đồng nào nên thấy cũng hay hay. Tôi không làm như vậy để qua mặt báo chí, chỉ vui khi chơi xe vừa thỏa mãn đam mê, vừa giúp công ty được nhiều người biết đến. Mối liên kết giữa chơi xe và công việc của tôi là như vậy.
Bạn nghĩ tôi có vay không? Nếu tôi nói có, bạn có tin không? Tôi theo đạo không nói xạo. Trong những chiếc xe của tôi, tôi dám chắc với mọi người là có vay. Nhưng tôi nghĩ, vay có 2 mục đích. Với đại đa số, họ vay vì muốn chơi nhưng không đủ điều kiện, phải gồng để chơi. Tôi chỉ nói về cái hướng, không nói về cá thể nào cả.
Còn mục đích thứ hai là của tôi, vay ủng hộ.
Tôi chơi với nhiều bạn làm ngân hàng, họ nói tháng này tụt doanh thu quá, nhờ tôi vay. Với những người có khả năng trả lãi đúng hạn, có năng lực tài chính thì việc này rất bình thường, nhất là ở nước ngoài, ở Mỹ. Chỉ cần hàng tháng, bạn trả đúng hạn, đúng số tiền thì bạn bước vào bất kỳ ngân hàng nào họ cũng đều tin bạn, cho bạn vay. Đó gọi là tín chấp. Tôi cũng muốn thử nó như thế nào.
Tiền lãi từ gửi tiết kiệm của tôi còn nhiều hơn tiền lãi vay. Như tay trái bỏ sang tay phải vậy. Nhưng để trả ngân hàng, tôi làm việc nhiều hơn để đắp vào khoản đó chứ không bao giờ lấy tiền tiết kiệm sang.
Nói vậy hơi phi lý vì ai cũng muốn tiền vô người mình, nhưng thực ra tôi muốn giúp đỡ nhiều người. Thay vì thưởng tiền cho các bạn thì tôi tạo điều kiện cho các bạn có chỉ số uy tín với ngân hàng, giúp họ thăng tiến. Từ nhân viên, giờ họ cũng lên chức cao rồi, khi mình cần gì thì họ cũng sẵn sàng giúp mình.
Có lần, tôi ký hợp đồng vay mua xe trong 5 năm với một số tiền khủng khiếp, tạm ví dụ là 10 tỷ đồng vì thực tế cao hơn rất nhiều. Nhưng tôi không cần nợ từng ấy thời gian, vì sau 2-3 tháng là tôi trả hết cho ngân hàng rồi.
Có 2 trường hợp. Một là, ngân hàng nói tôi quen quá rồi, họ sẽ theo tôi từ đầu luôn, tức là họ sẽ làm việc luôn với người bán. Còn có những lúc tôi cần xe, mà ngân hàng cần có thời gian làm hồ sơ, đàm phán, hoặc chưa đúng lãi suất mong muốn thì tôi trả hết với người bán, rồi đưa chiếc xe đến làm việc với ngân hàng. Nếu lãi suất hợp lý thì làm, không thì thôi.
Nên trong 20 chiếc xe của tôi, có chiếc làm với ngân hàng kiểu này, có chiếc làm kiểu kia, có chiếc không vay đồng nào cả. Vì nếu làm nhiều quá thì chẳng khác nào đi làm công cho ngân hàng. Mình giúp các bạn ở giới hạn nào đó thôi. Trước đây, tôi chơi theo kiểu tài chính, tham gia chứng khoán, kinh doanh ngoại tệ nên có thể chủ động thu tiền về để trả. Bây giờ, suy nghĩ của tôi khác rồi, không còn vay như vậy nữa.
Hiện tại, tôi vẫn chơi xe nhờ thu nhập của bản thân. Kiếm được bao nhiêu, tự mua bấy nhiêu. Từ ngày đầu, có những chiếc xe là do ba mẹ mua, nhưng trong đó vẫn có những chiếc xe là tôi tự mua. Ví dụ chiếc Ferrari giá 300.000 USD tôi vẫn có tiền mua, không lẽ đi làm 16 năm không có tiền.
Chốt lại, có những thứ là của ba mẹ, có những thứ là của mình. Những chiếc xe 7 tỷ, 10 tỷ giờ đối với tôi là quá dễ dàng. Nhà tôi còn mua được mà. Thu nhập của tôi đủ để tự làm nhiều thứ mà không cần ba mẹ giúp đỡ.
Còn bố mẹ vẫn thích tặng xe cho tôi thì họ vẫn sẽ mua, ví dụ như chiếc BMW Z4 mới đây. Chiếc đó có bao nhiêu đâu, có 2 tỷ mấy. Nhưng tôi nhắn tin với mẹ, mẹ nói “Ok, tặng con đấy”. Đó là tình cảm gia đình, tôi không vòi, nhưng tôi chia sẻ niềm đam mê và đón nhận lại tình cảm của gia đình. Tới giờ, chiếc xe đó tôi còn chưa chạy một km nào. Tôi thích cái cảm giác gia đình thương nhau.
Khi thay ba mẹ chính thức điều hành công ty, tiền sẽ về túi tôi. Nhưng ba mẹ tôi về hưu rồi, họ đâu còn tiền để cho nữa, còn trách nhiệm của tôi là gửi tiền lại cho họ, ví dụ một tháng gửi nhiêu đây tiền để ba mẹ tiêu xài hoặc tiết kiệm gửi cho con cháu.
Thiếu gì ta? Tôi nghĩ là nhiều. Đầu tiên, tôi thiếu thời gian bên ba mẹ. Trước đây gia đình sống chung, giờ tôi ra riêng cũng được 9 năm rồi. Thời gian đi ăn uống, du lịch với ba mẹ trong một năm không còn nhiều. Ba mẹ hay nói: “Ba mẹ lớn tuổi rồi, thời gian không còn nhiều nữa, nên con hãy cố gắng”.
Thời gian tôi dành cho các con cũng thiếu. Đôi khi công việc không ổn, tôi lại mất cân bằng, vì tôi là người một khi đã tập trung vào công việc là chơi khô máu luôn. Bên cạnh đó, thời gian học đạo của tôi ngày càng ít đi. Trước đây, một ngày tôi có thể tu 8-10 tiếng. Thời gian tu dài nhất kéo dài từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm ngồi một mình trong phòng thờ.
Cái thiếu cuối cùng, tôi nói thật, tôi thiếu tiền. Tôi chưa thể làm nhiều hơn cho những hoàn cảnh khó khăn. Các đồn biên phòng thiếu đèn để canh trục biên giới, mình muốn giúp họ bổ sung thêm. Sau lũ lụt, có nhiều ý kiến làm nhà chống lũ. Tôi cũng muốn làm để khi lũ đến, người dân không phải gánh chịu hậu quả như lâu nay.
Bao nhiêu tiền cho đủ, với sức lực của riêng tôi? Định nghĩa thiếu tiền của tôi là nằm ở chỗ đó. Còn cá nhân, gia đình tôi thì không thiếu tiền.
Tôi đã sống và làm việc trong môi trường áp lực, nhưng may mắn là tôi tìm được các bậc thầy hướng tôi về đạo, giúp tôi phần nào cân bằng được cuộc sống.
Do đó, tôi không đặt áp lực lên các con. Tôi chưa bao giờ định hướng cho con là phải vào công ty, phải ngồi ở vị trí đó, hay gợi ý “con thích làm kinh doanh như ba không?”. Tôi chưa bao giờ nói như vậy. Tôi chỉ gợi ý cho con học và dành thời gian trải nghiệm nhiều bộ môn, tìm ra thứ gì mình thích nhất. Tôi cũng nói với vợ đừng bắt con học quá nhiều.
Chuyện ồn ào mà tôi không muốn nghe nhất là lúc tôi có sự cố tình cảm. Chuyện đó khủng khiếp nhất rồi nên không chuyện gì tôi không có thể vượt qua. Lúc đó, tôi sống không tốt với gia đình, báo chí “dập” tôi, mọi người đều biết tôi đã gặp chuyện gì. Còn hiện tại, tôi sống tốt và hạnh phúc hơn rất nhiều nên nếu có “ồn ào” chắc là vì mọi người thích tôi quá chứ không phải ghét (cười).
Tôi nhận được nhiều lời mời tham gia chương trình từ các nghệ sĩ. Câu hỏi đầu tiên của tôi là mục đích mời là gì, tôi xem lịch trống thì đi. Tôi đến không phải để chụp hình mà là xem showbiz hoạt động như thế nào, mình có phù hợp không, nếu thấy vui thì mình chơi.
Tôi không tự áp lực rằng mình luôn phải ở đỉnh cao khi bước vào lĩnh vực mới. Về chơi xe, nhiều người nói tôi ở đỉnh cao, nhưng tôi đâu có tự áp lực phải duy trì điều đó, tôi sẵn sàng tìm thú vui khác, vui là được.
Cuộc nói chuyện cũng khá dài, tôi mong đất nước mình sẽ vượt qua chặng khó khăn trước đại dịch COVID-19. Chúc mọi người có thật nhiều nụ cười, niềm vui bên gia đình trong dịp Tết này.
Trường Dương
14.02.21
https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/doanh-nhan-pham-tran-nhat-minh-xe-7-hay-10-ty-voi-toi-gio-qua-de-dang-162211402015003295.htm
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)