Bước sang 2021, ngành y tế tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của toàn xã hội, không chỉ bởi tình hình dịch bệnh mà đòi hỏi về nâng cao năng lực khám, chẩn đoán, chữa bệnh của toàn ngành, hiện đại hóa hệ thống y tế, tăng cường khả năng chẩn đoán sớm, phòng bệnh từ xa, giảm tải tại các bệnh viện tuyến trung ương.
Dù nhiều khó khăn nhưng đây cũng là cơ hội để các startup trong lĩnh vực công nghệ y tế phát triển mạnh mẽ, tập trung vào việc ứng dụng công nghệ triển khai các hoạt động khám, chẩn đoán, chữa bệnh từ xa, chủ động chăm sóc sức khỏe, thăm, khám, tư vấn định kỳ từ xa.
Sự thay đổi trong nhận thức về vai trò của y tế từ xa
Sự hoành hành của đại dịch đã tạo động lực cho sự phát triển của ngành y tế và công nghệ cho y tế; từ việc nghiên cứu, thời gian phát triển, thử nghiệm các loại vaccine, năng lực xét nghiệm, năng lực ứng phó với các nguy cơ, dịch bệnh, tới các công nghệ số tham gia vào lĩnh vực y tế, hỗ trợ truy vết, khai báo y tế, cung cấp thông tin, tư vấn từ xa, chẩn đoán từ xa.
Tại Pháp, vào tháng 2/2020, hơn 3000 bác sĩ đã cung cấp dịch vụ tư vấn từ xa và khoảng 40.000 người đã được BHXH hoàn lại chi phí sau khi sử dụng dịch vụ này. Dịch vụ tư vấn sức khoẻ từ xa tại Pháp đã được triển khai từ năm 2018 nhưng số lượt sử dụng dịch vụ này chỉ thực sự gia tăng từ khi có đại dịch COVID-19. Kể từ khi kết thúc cách ly xã hội ở Pháp (vào ngày 11/5/2020), dịch vụ tư vấn từ xa có suy giảm nhưng ổn định ở mức 150.000 lượt mỗi tuần, cao hơn nhiều so với thời gian khi chưa có dịch bệnh.
Số lượt khám, chữa bệnh từ xa trong và sau thời gian phong toả xã hội do đại dịch COVID-19 tại Pháp
Tại Việt Nam, Đề án Khám chữa bệnh từ xa đã được ban hành tại Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 đến nay, nhiều BV tuyến trên đã đưa hoạt động KCB từ xa thành hoạt động thường quy. Mới đây, ngày 16/12/2020, Bộ Y tế cũng đã đã ban hành quyết định số 5238/QĐ-BYT về việc “ban hành định mức nhân lực áp dụng tạm thời trong tư vấn, khám, chữa bệnh, hội chẩn từ xa”, qua đó góp phần thức đẩy hiện thực hóa dịch vụ.
Triển vọng phát triển dịch vụ y tế số và các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế
Các startup về y tế dần trở thành một chủ đề được quan tâm và ưu tiên, nhiều dự án đã được rót vốn tới vài triệu, thậm chí vài chục triệu USD. Điều đó cho thấy được tiềm năng và kỳ vọng vào sự phát triển của Y tế số tại Việt Nam.
Trước đây, tại các cuộc thi về khởi nghiệp công nghệ, các startup về y tế luôn bị coi là “khó nhằn” vì những thách thức không nhỏ từ thị trường và thường không lọt được vào các vòng chung kết, thì nay các startup y tế đã được đánh giá cao về khả năng thực thi ra thị trường, một minh chứng đó là dự án giải pháp Y tế số MedOn đã đạt giải cao trong cuộc thi Techfest 2020, startup Deepcare lọt top 20 và được nhiều quỹ đầu tư quan tâm và liên hệ đầu tư.
Theo chia sẻ của Bs.Lê Đức Nguyên (CEO MED-ON), hiện tại ứng dụng y tế MedOn đã có khoảng 200.000 lượt người dùng cài đặt và dữ liệu hồ sơ các bác sĩ hơn 5.000 Bác sĩ, trong đó khoảng gần 1000 bác sĩ sử dụng ứng dụng MedOn Doctor, hơn 100 tài khoảng thường xuyên tương tác với bệnh nhân.
Tính chung trên toàn hệ thống, đã thực hiện tổng số khoảng 50.000 lượt hỏi đáp với các bệnh nhân. Hiện tại, sau hơn 3 tháng cung cấp dịch vụ tư vấn sức khỏe qua video call đã thực hiện được hơn 1.000 lượt, đối với các gói dịch vụ kiểm tra sức khỏe tại viện và gói xét nghiệm tại nhà, sau hơn 3 năm được MedOn cung cấp hiện đã đạt hơn 3000 lượt đặt mua hàng tháng. Ứng dụng cũng giúp hỗ trợ quản lý hồ sơ sức khỏe, lịch sử khám bệnh từ đó giúp người dùng tra cứu, thậm chí dự báo các nguy cơ, rủi ro trong tương lai.
Các chỉ số thống kê của MedOn cho thấy nhu cầu gia tăng từ phía người dùng về việc sử dụng các ứng dụng công nghệ cho việc thăm khám, tư vấn từ xa, chủ động phòng ngừa bệnh.
Mặc dù triển vọng y tế số đã khởi sắc hơn rất nhiều, khởi nghiệp công nghệ trong lĩnh vực y tế chưa bao giờ là dễ dàng. Tỷ lệ bác sỹ trên 10.000 dân ở Việt Nam chỉ đạt 8,6 – cận mức thấp nhất trên thang tỷ lệ của WHO (6 mức), khiến cho số lượng bác sĩ có thể huy động cho dịch vụ y tế từ xa vẫn còn thiếu và nếu không có được mức chi trả hấp dẫn, các startup rất khó để có những bác sĩ uy tín, tay nghề cao.
Bên cạnh vấn đề về hệ thống bác sĩ, các startup cần phải giải quyết được 3 vấn đề lớn khác đó là bài toán “con gà – quả trứng”, “thói quen” và việc “thu phí” dịch vụ y tế, đặc biệt là y tế từ xa. Việc phải thu hút người dùng và bác sĩ cùng lúc là bài toán nan giải nhưng khó khăn hơn là việc tạo lập được thói quen cho người dùng sử dụng dịch vụ. Dù sao thì y tế từ xa vẫn còn mới mẻ và sẽ vẫn cần để phát triển, thay đổi thói quen, niềm tin.
Việt Nam đã cho phép việc chẩn đoán từ xa, tuy nhiên việc chẩn đoán từ xa chắc chắn sẽ vẫn còn là một tâm lý và e dè nhất định từ cả phía bệnh nhân và bác sĩ về độ chính xác cũng như trách nhiệm khi đưa ra kết quả chẩn đoàn.
Vì vậy, song song với việc phát triển khám, chữa từ xa, cần phát triển các hệ thống hỗ trợ chẩn đoán chính xác như các trung tâm chẩn đoán hình ảnh, hệ thống xét nghiệm lưu động để bệnh nhân có thể dễ dàng thực hiện các chỉ định của bác sĩ; Hệ thống truyền tải, lưu trữ kết quả chẩn đoán hình ảnh và kết quả xét nghiệm giữa đơn vị thực hiện dịch vụ, bác sĩ chỉ định và khách hàng thông quá các ứng dụng, thiết bị số. Đây cũng là một thành phần quan trọng mà chưa thực sự được các hệ thống Y tế công phát triển mà chủ yếu được các đơn vị tư nhân cung cấp như Medlatec, Medic. Trong đó, Medlatec cùng với đối tác công nghệ chiến lược MedOn đang tập trung nghiên cứu giải pháp và từng bước tổ chức thực hiện đồng bộ các vấn đề này.
Bên cạnh việc khám chữa bệnh từ xa, một trong những vai trò và ý nghĩa rất quan trọng nữa của các startup y tế số đó là tạo lập được thói quen chăm sóc, phòng bệnh.
Các thống kê cho thấy nguyên nhân Việt Nam có tỷ lệ người dân mắc các bệnh mãn tính, các bệnh nan y cao (khoảng 7 triệu người đang bị đái tháo đường, 25% dân số có các chứng bệnh về tim mạch, 47% người trên 25 tuổi có nguy cơ về huyết áp cao, và hàng năm có tới 180.000 ca ung thư mới, 15-20 % dân số đang bị viêm gan B v.v.) không chỉ bởi môi trường, thói quen sinh hoạt mà đó còn là việc người dân không có thói quen phòng bệnh, khám bệnh thường xuyên. Tính trung bình, mỗi người Việt Nam chỉ thăm khám với bác sỹ 1,5 lần / năm; trong khi đó tại các nước phát triển con số này là khoảng 5-6 lần / năm, cá biệt những quốc gia đứng đầu như Hàn Quốc tới 17 lượt thăm khám bác sỹ/năm.
Các dịch vụ Y tế số giúp các bác sỹ có thể phục vụ được nhiều bệnh nhân hơn trong khi giảm được thời gian chờ đợi, sắp xếp khoa học hơn để việc thăm khám hiệu quả, nhanh hơn, giảm chi phí thăm khám bệnh, chi phí nội trú, đi lại. Với các vai trò và ý nghĩa to lớn đó, dịch vụ Y tế số cần được đẩy mạnh phát triển, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế số cần được hỗ trợ nhiều hơn để góp phần nâng cao năng lực cho toàn ngành y tế.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)