Gió đổi chiều
Gió đã đổi chiều hoàn toàn trong ngành phân bón. Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc – thị trường tiêu thụ nông sản chủ lực của Việt Nam – gần như bị đóng băng, kéo theo nhiều hệ lụy, giá nông sản giảm sâu, đầu tư cho nông nghiệp bị hạn chế, khiến nhu cầu tiêu thụ phân bón giảm mạnh.
Đặc biệt, thời tiết năm 2020 rất bất thường, khắc nghiệt, mưa đá tàn phá hoa màu ở miền Bắc; hạn, mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long; siêu bão, những cơn lũ kinh hoàng càn quét dải đất miền Trung. Thiên tai khiến diện tích gieo trồng và năng suất cây trồng sụt giảm, kéo theo nhu cầu phân bón giảm mạnh.
Xu hướng giá phân bón thế giới tăng bắt đầu từ gần cuối năm 2020, do nhu cầu từ các nước sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu tăng mạnh, nhất là để trồng ngô và đậu tương.
Trong khi đó, nguồn cung phân bón thế giới bị thắt chặt do dịch COVID-19 gây khó khăn cho hoạt động sản xuất ở nhiều nước, và tình trạng thiếu container rỗng ảnh hưởng tới việc vận chuyển.
Tuổi Trẻ đưa tin giá đạm Ure chào bán tại các nhà máy và nhập khẩu cuối tháng 2/2021 lên tới 9.000 – 9.600 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg so với cách đây một tuần. Giá đến tay người nông dân tại khu vực phía Nam khoảng 10.000 đồng/kg, mức cap nhất trong nhiều năm trở lại đây. Bằng giờ này năm ngoái, giá đạm Ure khoảng 6.600 đồng/kg. Như vậy giá phân bón đang có mức tăng xấp xỉ 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Giá DAP dẫn đầu trên thị trường phân bón thế giới về mức tăng, lên tới 21% từ đầu năm đến nay, giá DAP trung bình trên thế giới hiện ở mức 602 USD/tấn.
Trong nước, thị trường DAP đang có dấu hiệu khan hàng khi lượng tồn kho gần như không còn, trong khi vụ Xuân Hè đang đến. Giá bán ra tại nhà máy của DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai đã tăng 900.000 đồng/tấn lên mức 9,528 triệu đồng/tấn. Theo đó, giá DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai ngoài thị trường tăng gần 2 triệu đồng/tấn lên 10,4 triệu đồng/tấn. Hiện Việt Nam mới chỉ tự cung ứng được 30- 35% nhu cầu DAP.
Theo Báo cáo cập nhật ngành phân bón và triển vọng năm 2021 của Công ty CP chứng khoán FPT (FPTS), tính đến tháng 11-2020, giá phân DAP thế giới đạt 365 đô la Mỹ/tấn, tăng 52,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá DAP tăng mạnh do giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao, cụ thể như giá lưu huỳnh (nguyên liệu chính sản xuất DAP) đã tăng 75% trong năm 2020. Ngoài ra, sự gián đoạn sản xuất ở một số tỉnh của Trung Quốc, là nước sản xuất DAP lớn nhất thế giới, cũng làm ảnh hưởng đến sản lượng DAP toàn cầu.
Cổ phiếu phân bón đi ngược thị trường
Hôm nay, mặc dù thị trường đỏ lửa, Vn-Index có thời điểm giảm 27 điểm trong phiên, đóng cửa giảm 18,43 điểm xuống 1.168,52 điểm song nhóm các cổ phiếu phân bón đều duy trì sắc xanh thậm chí nhiều cổ phiếu tăng trần gần 15%.
Cổ phiếu DDV bất ngờ “nổ” thanh khoản trong 1 tuần trở lại đây
Cụ thể, cổ phiếu DDV tăng 14,39% khớp lệnh 2,78 triệu cổ phiếu, giá cổ phiếu này đã tăng 50% trong một tuần trở lại đây với thanh khoản bùng nổ. Cách đây 1 tuần, DDV khớp lệnh chưa đến 10.000 cổ phiếu/phiên. Cổ phiếu LAS tăng 9,09% lên 10.800 đồng/cp, khớp lệnh 1,89 triệu đơn vị, cổ phiếu DPM của Tổng công ty Phân bón và hoá chất dầu khí tăng 4 phiên liên tiếp lên 18.700 đồng/cp khớp lệnh 5,48 triệu đơn vị, cổ phiếu DCM của CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau tăng 5 phiên liên tiếp từ 13.400 đồng/cp lên 16.350 đồng/cp, khớp lệnh 7,9 triệu đơn vị…Các cổ phiếu này đều đi ngược thị trường chung.
Giá các cổ phiếu phân bón trên 3 sàn
Mặc dù năm 2020 khó khăn song hầu hết các công ty sản xuất và phân phối phân bón trên các sàn niêm yết đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng.
Tổng công ty Phân bón và hoá chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ – mã DPM) có doanh thu năm 2020 gần như đi ngang với 7.762 tỷ đồng, thì lợi nhuận sau thuế bất ngờ tăng đến 81%, lên trên 703 tỷ đồng nhờ tỷ trọng giá vốn giảm và gia tăng doanh thu tài chính. Đạm Phú Mỹ cho biết trong năm 2020, PVFCCo đã xuất khẩu 71.000 tấn Đạm Phú Mỹ sang thị trường Ấn Độ, mở ra một hướng đi mới cho thương hiệu Phân bón Phú Mỹ tại thị trường đầy tiềm năng này.
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau – mã DCM), doanh thu năm 2020 tăng 7,4% so với năm 2019, lên 7.563 tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế cũng tăng đến 55,5%, lên mức 665 tỷ đồng. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp doanh thu Đạm Cà Mau tăng trưởng so với cùng kỳ.
CTCP Hoá chất Đức Giang (mã DGC) năm 2020 đạt 6.236 tỷ đồng doanh thu và 1.001 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 22,5% và 66% so với năm trước. Kết quả này là nhờ sản lượng sản xuất tăng, doanh thu các mặt hàng tăng, sản xuất và tiêu thụ không bị ngừng do đại dịch Covid-10. Cộng thêm việc vận hành và sản xuất ổn định nhà máy phốt pho thuộc CTCP Phốtpho Apatit Việt Nam (PAC) – doanh thu công ty PAC năm 2020 là 1.256 tỷ đồng, năm 2019 là 762 tỷ đồng.
CTCP Phân bón Bình Điền (mã BFC) ghi nhận doanh thu năm 2020 giảm 11,6% so với năm 2019, còn 5.422 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 201 tỷ đồng, vượt 31% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 68%, lên gần 167 tỷ đồng.
Công ty cổ phần DAP – VINACHEM (UpCOM: DDV) ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.886 tỷ đồng, tăng 15% so với 2019; lãi trước thuế đạt 15,4 tỷ đồng, gấp 2,7 lần kết quả 2019 nhưng chỉ hoàn thành được gần 39% mục tiêu kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020. Ngoài Tập đoàn Hoá chất đang nắm giữ 64% cổ phần, DDV còn có một cổ đông lớn là CTCP Thiết bị điện Gelex nắm giữ 12,38%.
CTCP Phân bón Miền Nam (SFG) công bố doanh thu thuần năm 2020 đạt 1.388 tỷ đồng, giảm 14,6% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 2,8 tỷ đồng, tăng so với năm trước trong đó quý 4/2020 SFG ghi nhận lỗ hơn 1 tỷ đồng.
Ngành phân bón chờ được tăng thuế VAT
Từ năm 2020, Bộ Công Thương đã khẳng định, việc phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế VTA đã gây nhiều ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Bộ Công Thương đã đề nghị Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi Luật 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều luật về thuế theo hướng đưa phân bón là mặt hàng chịu thuế VAT ở mức 0 – 5% để giảm khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Theo tính toán của các chuyên gia tài chính, nếu được áp dụng thuế VAT 5%, nông dân sẽ được hưởng lợi nhờ trong dài hạn, giá phân bón thấp hơn, có nhiều loại phân bón tốt hơn, góp phần giảm giá trị vật tư đầu vào, cải thiện hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập đáng kể của ngành nông nghiệp cả nước.
Thảo luận tại phiên họp thứ 53 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng nên cân nhắc, “đang bối cảnh Đại dịch COVID-19, chúng ta đang giải cứu nông sản cho nên thuế suất giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón cứ để lùi lại chưa có vấn đề gì, nếu có thì để Quốc hội khóa XV sẽ xem xét giải quyết”.
Như vậy, nếu sớm nhất thì đến tháng 7/2021, khi diễn ra kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XV, khó khăn liên quan đến thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước mới có thể được xem xét.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)