Sáng ngày 8/4, Tổng Công ty 36 ( UPCoM: G36 ) tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Phó Tổng giám đốc Võ Đặng Sơn trình bày kết quả kinh doanh năm 2020 với doanh thu thuần đạt gần 2.309 tỷ đồng, tăng 29% so với 2019. Lợi nhuận trước sau thuế đạt 57,8 tỷ đồng, tăng 74,6% so với 2019 nhưng chỉ hoàn thành 83,43% kế hoạch.
Năm 2020, công ty đã thực hiện cấp xong sổ đỏ cho 124/146 hộ tại dự án 326 Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Dự kiến 2021 sẽ hoàn thành cho các căn hộ và kiot còn lại.
Đối với dự án 55 Định Công (quận Thanh Xuân, Hà Nội), Lô 1 và lô 2 đã bàn giao phí bảo trì, công tác vận hành tòa nhà cho ban quản trị. Dự án này đã có sổ đỏ của 24 kiot thương mại và tầng 3,4,5 để ô tô, nhà trẻ thuộc sở hữu riêng của Tổng công ty. Dự án cũng đã có sổ đỏ của 542/580 căn hộ, 38 căn còn lại chủ hộ tự đi làm thủ tục.
Dự án 4-678 (quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng đã hoàn thành công tác bàn giao phí bảo trù, công tác vận hành quản lý tòa nhà cho ban quản trị. Dự án đã có sổ đỏ của 315/360 căn hộ (45 căn còn lại do chủ hộ tự đi làm), 4/4 kiot thương mại và tầng hầm thuộc sở hữu của Tổng công ty. Dự kiến 2021 hoàn thành công tác bán hàng (sàn để ô tô).
Dự án B6 Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) đã bán hết số căn thương mại, 7/7 căn kiot, công ty chưa bán được khu dịch vụ tầng 2/989,6m2. Dự án 6-8 Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội) đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Dự kiến năm 2021 sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý và triển khai khởi công, thi công phần ngầm của dự án.
Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của Tổng Công ty 36. Ảnh: Bảo Lâm.
Năm 2021, HĐQT trình kế hoạch tổng doanh thu 1.937 tỷ đồng, giảm 17% so với thực hiện 2020 và lỗ hơn 66,3 tỷ đồng. Theo tính toán của ban lãnh đạo, đây là lỗ kế hoạch do 2 dự án BOT là quốc lộ 19 và quốc lộ 6 dự kiến lỗ 110 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ do không được thu theo mức phí hợp đồng đã ký kết mà phải giảm phí. Đồng thời, Tổng công ty phải tiếp tục miễn giảm mức thu phí cho một số nhóm phương tiện.
Từ năm 2016 đến 2020, G36 trích lập dự phòng cho 2 dự án này là 140,3 tỷ đồng. Năm 2021, Tổng Công ty cũng dự kiến trung tu bảo dưỡng 2 dự án BOT nói trên từ nguồn thu phí hàng năm, nhưng do thu không đủ chi dẫn đến Tổng công ty phải bỏ kinh phí để thực hiện.
Danh sách ứng viên thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 gồm ông Nguyễn Đăng Giáp hiện là Thành viên HĐQT, kiêm Tổng giám đốc, ông Nguyễn Văn Hiền – Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Đăng Thuận – Thành viên HĐQT, ông Nguyễn Thanh thế – Thành viên HĐQT, trong khi đó, bà Trần Thị Trang sẽ thay thế ông Nguyễn Đăng Trung – Thành viên HĐQT.
HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Bảo Lâm. |
Kết quả, cả 5 cá nhân trên đã trúng cử. HĐQT cũng đã có phiên họp đầu tiên ngay tại đại hội và bầu ra ông Nguyễn Đăng Giáp giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Giáp cho biết ông Võ Đặng Sơn – Phó Tổng giám đốc sẽ thay mình giữ chức vụ Tổng giám đốc.
Ông Nguyễn Đăng Trung trình bày tờ trình phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 5,38%. Với phương án này, công ty dự kiến phát hành gần 5,2 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh đó, công ty dự kiến chuyển đăng ký giao dịch cổ phiếu G36 từ UPCoM sang niêm yết trên HNX. Thời gian thực hiện năm 2021-2022.
Phần thảo luận:
Lộ trình thoái vốn nhà nước ra sao?
Ông Nguyễn Đăng Giáp: Trong đề án 80 của Thủ tướng đã ký và lộ trình thoái vốn là 2020, vừa qua Bộ Quốc phòng khẩn trương thoái vốn một số doanh nghiệp trong đó có Tổng công ty 36 nhưng vướng đất quốc phòng. Tổng công ty 36 đang sử dụng 7 mảnh đất của Bộ Quốc phòng và đã bị thu lại 2 mảnh. Vừa qua, G36 có văn bản của Bộ Quốc phòng gửi Chính phủ cũng như UBNN TP Hà Nội đề nghị thuê lại 5 miếng đất này. Lộ trình thoái vốn đang phụ thuộc vào chính sách sử dụng đất đai của Chính phủ.
Tiến độ dự án 6-8 Chùa Bộc?
Ông Nguyễn Đăng Giáp: Dự án mua của Ngân hàng Quân Đội từ 2016 nhưng do một cá nhân chiếm dụng gần 5 năm. Tổng công ty đã làm văn bản và đưa ra tòa sơ thẩm, phúc thẩm. Kết luận đã có và được đền bù 25 tỷ, được trả lại mặt bằng. Tuy nhiên, bên chiếm dụng này vẫn ngoan cố và làm khó. Công ty đã có văn bản gửi các bộ ban ngành nhưng xác định bị chậm đến hết năm 2021. Dự kiến dự án được khởi công vào cuối năm 2021, bán hàng quý III/2022 và doanh thu được ghi nhận vào quý III/2024.
Dự án 68 Chùa Bộc có 4 cổ đông và Tổng công ty 36 chỉ có 25%. Có nhiều tổ chức hay quỹ nước ngoài xung phong cấp vốn cho dự án. Vốn huy động cho dự án là không khó khăn và khi có giấy phép xây dựng thì công ty có thể mở bán ngay.
Năm 2021 dự kiến có dự án bất động sản nào bàn giao?
Ông Nguyễn Đăng Giáp: Mới đây, công ty đã thắng thầu dự án bất động sản trên Bắc Hà – Lào Cai và Nghệ An (136 tỷ đồng).
Chi phí tăng nhưng doanh thu giảm, công ty chỉ cần tối ưu hóa chi phí tài chính và chi phí quản lý? Việc Ban lãnh đạo để kế hoạch lỗ là không thể chấp nhận được. Nếu ban lãnh đạo không làm được có thể xin nghỉ?
Ông Nguyễn Đăng Giáp: Việc ban lãnh đạo xin nghỉ hay không là do đại hội quyết định. Tổng công ty 36 rất minh bạch. Duy nhất chỉ có Tổng công ty 36 thuộc Bộ Quốc Phòng cổ phần hóa được. Kế hoạch năm 2021 do ảnh hưởng của 2 dự án BOT và trong báo cáo đã rất rõ ràng.
Bà Đỗ Thị Hà – Phó phòng tài chính: Chi phí quản lý là 90 tỷ đồng báo gồm cả trích lâp dự phòng. Công ty luôn ưu tiên sự minh bạch. Năm 2021, ban lãnh đạo sẽ giảm trừ chi phí quản lý để giảm lỗ tối đa. Định mức mảng xây lắp là 52 tỷ nhưng công ty dự kiến chỉ thu được khoảng 4%. Đối với các dự án bất động sản thì phải năm 2024 đơn vị mới được ghi nhận doanh thu cho dự án bất động sản số 6 – 8 Chùa Bộc. Trong khi đó, lỗ của các BOT là lỗi khách quan do các thay đổi theo Thông tự, Nghị định của Nhà Nước quy định. Tổng công ty phải trả tiền lãi BOT nhưng không được thu phí như dự kiến ban đầu dẫn đến không trả được tiền gốc. Công ty phải hỗ trợ cho mảng này để không bị rơi vào trạng thái nợ xấu.
ĐHĐCĐ đã thông qua tất cả các tờ trình.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)