Từ đầu năm 2021 đến nay, ngành thép đang là một trong những “tiêu đề” được bàn luận khá nhiều do những thông tin về giá thép tăng nóng được đưa ra liên tục. Có những tuần, thậm chí có đến 2-3 thông báo tăng giá thép từ các nhà máy.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam, giá thép tăng cao là do giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu. Cụ thể, giá quặng sắt tính đến đầu tháng 3/2021 ghi nhận mức trên 170 USD/tấn, tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm trước; Giá thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 660 USD/tấn, giảm 6% so với cuối năm và tăng 44% so cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra việc thiếu hụt nguồn cung thép và thời gian giao hàng kéo dài ở châu Âu, Mỹ cũng là lý do khiến giá thép tăng mạnh. Nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng cao sau dịch bệnh trước đà phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng.
Giá thép tăng, các doanh nghiệp ngành thép hưởng lợi, đặc biệt là các doanh nghiệp chủ động được nguồn cung phôi thép và các doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho dồi dào lúc giá còn thấp trước đó.
Thép Hòa Phát lãi lớn, hơn 7.000 tỷ đồng ngay quý 1
Nhắc đến doanh nghiệp ngành thép, đầu tiên sẽ nhắc đến “ông lớn” Hòa Phát (HPG) – dù đây là doanh nghiệp đa ngành nghề. Kết quả kinh doanh của công ty không chỉ đến từ các sản phẩm ngành thép, mà còn từ các mảng sản xuất kinh doanh khác.
Doanh thu quý 1/2021 của Hòa Phát đạt 31.176 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ. Còn lợi nhuận sau thuế đạt 7.005 tỷ đồng, gấp 3 lần lợi nhuận đạt được quý 1/2020. Đây cũng là số lãi lớn nhất theo quý công ty từng đạt được. Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất khi giá thép tăng bởi công ty chủ động được nguồn phôi nguyên liệu.
Về cơ cấu doanh thu, mảng sản xuất và kinh doanh thép mang về hơn 28.800 tỷ đồng, chiếm trên 92% tổng doanh thu và tăng 23% so với cùng kỳ. Mảng nông nghiệp mang về gần 2.250 tỷ đồng doanh thu và mảng bất động sản chiếm một phần rất nhỏ với 125 tỷ đồng. Đáng chú ý, riêng mảng thép đã mang về 6.666 tỷ đồng trong tổng số hơn 7.000 tỷ đồng tiền lãi cả quý cho công ty.
Một trong những nguyên nhân nữa khiến lợi nhuận quý 1 của Hòa Phát tăng mạnh là do công ty ghi nhận khoản lãi chuyển nhượng các dự án đầu tư hơn 500 tỷ đồng vào doanh thu tài chính.
Không chỉ kết quả kinh doanh tăng mạnh, giá cổ phiếu HPG cũng đã tăng khoảng 40% kể từ đầu năm 2021 đến nay. Hiện HPG giao dịch quanh mức 58.200 đồng/cổ phiếu.
Lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hoa Sen gấp 5 lần cùng kỳ
Nhắc đến Hòa Phát, cũng không thể không nhắc đến Hoa Sen (HSG). Cũng như Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen là doanh nghiệp đa ngành nghề. Mảng thép của công ty cũng chủ yếu là các loại tôn. Ngoài ra, giai đoạn từ 1/1 đến 30/3/2021 đang là giai đoạn quý 2 trong chu kỳ tài chính của Tập đoàn Hoa Sen (bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau).
Doanh thu thuần quý vừa rồi đạt 10.846 tỷ đồng, tăng gần 88% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng gấp 5 lần, lên 1.035 tỷ đồng. Tổng LNST 2 quý đầu năm tài chính 2020-2021 đạt 1.607 tỷ đồng.
Quán quân tăng trưởng thuộc về Thép Tiến Lên – gấp 30 lần cùng kỳ
Thép Tiến Lên (TLH) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2021 với rất nhiều bất ngờ. Doanh thu hợp nhất đạt 979 tỷ đồng, tăng không nhiều so với doanh thu gần 943 tỷ đồng đạt được quý 1/2020.
Tuy nhiên công ty đã tiết giảm tối đa chi phí, cộng với đó các công ty liên doanh liên kết cũng mang về khoản lãi hơn 10 tỷ đồng (cùng kỳ chưa đến 1 tỷ đồng) dẫn tới lợi nhuận sau thuế thu về đạt 120 tỷ đồng, gấp 30 lần so với số lãi chưa đến 4 tỷ đồng đạt được quý 1/2020. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp lợi nhuận của công ty tăng so với quý liền trước.
Năm 2021 Thép Tiến Lên đặt mục tiêu đạt 5.000 tỷ đồng tổng doanh thu, 250 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ thép các loại ở mức 400.000 tấn.
Cổ phiếu TLH cũng đang là một trong những cổ phiếu HOT trên thị trường với nhiều triệu cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên. TLH cũng đã tăng gấp đôi từ đầu năm 2021 đến nay, hiện giao dịch quanh mức 15.350 đồng/cổ phiếu.
Loạt doanh nghiệp có lợi nhuận tăng đột biến hàng chục lần
Quý 1 vừa qua cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp công bố lãi gấp hàng chục lần so với cùng kỳ. SMC công bố doanh thu quý 1 đạt 5.070 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. Nhờ tiết giảm chi phí giá vốn nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý đạt 432 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện đáng kể. Ngoài ra, doanh thu tài chính tăng gấp 4 lần cùng kỳ, chi phí tài chính còn 2/3. Đồng thời các công ty liên doanh liên kết mang về số lãi lớn 102 tỷ đồng – gấp 3 lần cùng kỳ. Đây là những nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế trong quý đạt gần 216 tỷ đồng, gấp 15 lần lợi nhuận đạt được quý 1/2020.
SMC cho biết, sản lượng tiêu thụ thép trong quý chỉ tăng 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên giá vốn thấp, hiệu quả kinh doanh tốt là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận tăng mạnh. Năm 2021 SMC đặt mục tiêu tiêu thụ 1,35 triệu tấn thép các loại. Doanh thu ước tính đạt 18.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 300 tỷ đồng. Như vậy so với kế hoạch, kết thúc quý 1 SMC đã hoàn thành gần 72% chỉ tiêu về lợi nhuận.
Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel – mã chứng khoán TVN) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý 1 tăng đột biến so với cùng kỳ. Xét riêng doanh thu, quý 1 đạt 9.445 tỷ đồng, tăng trưởng 29% còn lợi nhuận sau thuế đạt 394 tỷ đồng, gấp 13,5 lần cùng kỳ.
Có cổ phiếu ngành thép vừa tăng trần 8 phiên liên tiếp
Thép Đà Nẵng (DNS) – một cái tên ít được nhắc đến, cổ phiếu cũng không có giao dịch khớp lệnh gần 1 năm nay. Bất ngờ, 8 phiên gần đây nhất DNS tăng trần liên tiếp từ 19/4 đến 29/4/2021. Trong đó phiên 19/4 tăng với biên độ 40% so hơn 6 tháng không có giao dịch. Hiện cổ phiếu DNS giao dịch quanh mức 32.700 đồng/cổ phiếu, gấp 3,5 lần lúc bắt đầu tăng, thanh khoản tốt với hàng nghìn đến hàng chục nghìn cổ phiếu khớp lệnh mỗi phiên.
Sức nóng ngành thép thời điểm hiện tại, cộng với kết quả kinh doanh tăng trưởng có thể là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu DNS bất ngờ tăng mạnh. Doanh thu thuần quý 1 vừa qua đạt 406 tỷ đồng tăng 42% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 40 tỷ đồng trong khi quý 1/2020 công ty lỗ 11,2 tỷ đồng.
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, trong quý 1/2021 xuất khẩu sắt và thép Việt Nam đạt 1,826 tỷ USD, tăng mạnh 65,2% (tương đương 720 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, xuất khẩu sắt và thép thô, cũng như thép cuộn tăng 14,4% và 54% trong khi thép hình giảm 1,6%.
Chưa nghi nhận doanh nghiệp ngành thép nào trên sàn báo lỗ
Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa ghi nhận doanh nghiệp ngành thép nào báo lỗ. Cũng không có doanh nghiệp nào báo lãi giảm sút so với cùng kỳ. Đây là một trong những quý đặc biệt đối với ngành thép.
Các chuyên gia ngành thép dự báo nhu cầu thép năm 2021 sẽ tăng từ 3 – 5% so với năm 2020. Động lực tăng đến từ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai như cao tốc Bắc – Nam; cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ; sân bay quốc tế Long Thành; thị trường bất động sản, nhà ở được dự báo sẽ “nóng” trở lại trong năm nay.
Hơn nữa, một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực… được thực thi kỳ vọng có thêm thị trường xuất khẩu mới. Nhu cầu tăng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm sẽ càng đẩy giá thép tăng cao thời gian tới.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)