Giữa tình hình đại dịch Covid-19 đang hoành hành, ngày 25/4/2021, Nova Group của ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch tập đoàn Novaland bất ngờ “chào sân” một thành viên mới trong hệ sinh thái là Nova Consumer để phát triển mảng thực phẩm, thức uống, dinh dưỡng, hiện thực hóa mô hình 3F – chuỗi sản xuất thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn.
Chia sẻ với báo giới, ông Tôn Thất Đề – Tổng Giám đốc Nova Consumer Group -cho biết khởi thuỷ của Novaland là Anova – thành viên đầu tiên của NovaGroup là một tên tuổi lớn trong ngành nông nghiệp, có bề dày hoạt động gần 30 năm và gặt hái nhiều thành tựu đáng kể với các thương hiệu như BIO Pharmachemie, AnovaPharma; AnovaFeed; Anova Farm…do đó việc quay trở lại tham gia sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng, trực tiếp làm ra các sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp là lộ trình tất yếu và năm 2021 là thời điểm chín muồi để ra mắt.
Trước mắt, Nova Consumer có 3 nhóm ngành: Thực phẩm – Thức uống – Dinh dưỡng. Trong đó nhóm ngành thực phẩm, chế biến và phân phối các loại thịt gia súc, gia cầm được nuôi tại các trang trại thuộc Anova. Như vậy, Nova Consumer chính thức bước vào thị trường cạnh tranh với Masan, CP Group trên sân nhà.
CEO Nova Consumer cho biết trong mấy năm qua đã đầu tư hơn 200 triệu USD để quy tụ nhiều thương hiệu tiêu dùng nổi tiếng về hệ sinh thái của mình. Một trong số các thương hiệu đình đám là cafe PhinDeli của doanh nhân Phạm Đình Nguyên.
Chính ông Phạm Đình Nguyên đã tiết lộ với báo giới về việc Nova Consumer Group đã mua lại thương hiệu PhinDeli.
Đầu năm 2021, một quán cafe PhinDeli đã mọc lên tại vị trí đắc địa giữa trung tâm Sài Gòn, ngay phố to nhất tại Quận 1. Trên fanpage của PhinDeli, các bài quảng cáo cafe đều được gắn logo “manage by Nova F&B”.
Slogan của PhinDeli là “cafe thật – kết nối thật”. Trước đó, ông Phạm Đình Nguyên từng chia sẻ, ý nghĩa của tên PhinDeli nghĩa là “Ly cafe ngon – Phin là công cụ pha cà phê của người Việt, còn Deli là Delicious- nghĩa là ngon”.
Trước đây, khi mang cafe Việt chinh chiến tại thị trường Mỹ, doanh nhân Phạm Đình Nguyên có một ước vọng muốn giới thiệu cà phê Việt Nam để mọi người biết đến “cafe phin” và cách uống độc đáo của người Việt. Ông đã mua một thị trấn nhỏ của nước Mỹ với giá gần 1 triệu USD và đặt tên thị trấn là PhinDeli.
Năm 2015, ông Nguyên mang PhinDeli về Việt Nam với 5 điểm bán đầu tiên tại TP HCM, PhinDeli nhắm đến đối tượng khách hàng với nhu cầu hương vị cà phê phin, chất lượng cao, tiện dụng, an toàn và giá cả hợp với số đông.
Đầu năm 2018, ông Phạm Đình Nguyên thông tin đã phát triển hơn 2.000 điểm bán PhinDeli tại 40 tỉnh, thành trên cả nước, trung bình bán khoảng 50.000 ly mỗi ngày. Ngoài cà phê take-away, PhinDeli còn kinh doanh một số sản phẩm cà phê hòa tan.
Tuy vậy CTCP PhinDeli, đơn vị vận hành hoạt động kinh doanh cà phê mang thương hiệu cùng tên lại ghi nhận kết quả kinh doanh khá khiêm tốn. Doanh thu thuần trong hai năm 2018, 2019 lần lượt đạt 20 tỷ đồng và 16 tỷ đồng, lỗ lần lượt 2 tỷ đồng và 1 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của PhinDeli trong 5 năm ở Việt Nam toàn thua lỗ
Trước Nova Consumer, PhinDeli đã từng định bán mình cho Kinh Đô khi tập đoàn này muốn hợp tác để bước chân vào thị trường cà phê, khai thác thị trường nội địa và xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, hợp tác này sau đó không trở thành hiện thực, nguyên nhân do Kinh Đô đang bận triển khai thương vụ với Mondelēz, do đó PhinDeli không còn là ưu tiên.
6 năm vật lộn tại thị trường Việt Nam nhưng không thể bứt phá, PhinDeli “cần phải có một chiến lược cụ thể và một nguồn lực đủ mạnh” nên quyết định “về một nhà” với Nova Group.
Với Nova Consumer, mục tiêu của Novaland khi quyết lấn sân sang thị trường tiêu dùng bởi tập đoàn hướng tới một hệ sinh thái toàn diện, cùng với Nova Services Group “nhằm mang lại giá trị gia tăng cộng thêm cho các NĐT BĐS, tăng chất lượng phục vụ lẫn trải nghiệm đẳng cấp cho cộng đồng dân cư của Novaland, cũng như du khách đến với các “Điểm đến” do Novaland phát triển”.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)