Những chuyển động mới cho thấy thế khó tiếp tục kéo dài tại ba ngân hàng lớn này…
BIDV vừa phải dồn dập đi vay lãi suất cao bằng trái phiếu dài hạn để cân đối vốn, khi kế hoạch tăng vốn điều lệ vẫn chưa khả thi.
Trễ hơn những năm trước, cuối cùng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã ấn định ngày thanh toán cổ tức 2018 vào 25/10 tới, và bằng tiền mặt.
Chuyển động này có nghĩa, khối ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa vẫn bắt buộc phải trả cổ tức bằng tiền.
Trước đó, tại hội nghị về xử lý nợ xấu gần đây, đại diện lãnh đạo Chính phủ cho biết sẽ trình đề nghị Quốc hội điều chỉnh nghị quyết về kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung hạn, bổ sung nguồn tăng vốn cho nhóm ngân hàng trên.
Cũng tại hội nghị đó, đại diện Vietcombank và cơ quan quản lý cùng nhấn mạnh, yêu cầu tăng vốn ở đây đã trở nên cấp bách.
Định hướng Chính phủ trình Quốc hội bổ sung nguồn nói trên mở ra kỳ vọng khối ngân hàng này sẽ có thêm lựa chọn: giữ lại lợi nhuận để tăng vốn qua trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Tuy nhiên, cũng như từng gợi lên trong định hướng của Chính phủ năm 2017, năm 2018 nhiều khả năng “phép màu” tăng vốn bằng cách trên vẫn chưa thể đến với Vietcombank, VietinBank và BIDV.
Vietcombank đã công bố thời điểm chính thức trả cổ tức bằng tiền. Tới đây, dự kiến lần lượt VietinBank và BIDV phải thực hiện.
Trường hợp Chính phủ trình Quốc hội sửa nghị quyết, triển vọng và tính hiện thực tăng vốn bằng trả cổ tức bằng cổ phiếu vẫn để ngỏ, khi thời gian còn lại của 2018 không còn nhiều.
“Phép màu” chỉ xẩy ra nếu Quốc hội sớm duyệt, các ngân hàng nhanh chóng thực hiện thưởng cổ tức bằng cổ phiếu, khi nguồn lợi nhuận giữ lại chưa chia tích tụ quy mô lớn những năm qua.
Trong nhiều trường hợp, hoạt động ngân hàng không đặt cược với khả năng điều chỉnh cơ chế. Họ đã và đang phải chủ động cân đối để tự tháo gỡ thế khó tăng vốn.
Cũng tại hội nghị trên, đại diện Vietcombank cho biết rất khó để tăng vốn qua bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, do quy định giá bán không thấp hơn định giá và giá giao dịch trên sàn, cũng như người mua phải chịu ràng buộc không được chuyển nhượng trong vòng một năm.
Sau hai năm, kế hoạch tăng vốn theo hướng trên của Vietcombank đến nay vẫn không thể triển khai. Được biết, để chủ động gỡ khó cho tăng trưởng hoạt động gắn với yêu cầu vốn, ngân hàng này có thể sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu dài hạn.
Hoặc như ở một dự án trọng điểm, Vietcombank đã hoàn tất toàn bộ các khâu chuẩn bị, thậm chí đã có hồ sơ báo cáo Ngân hàng Nhà nước để chủ động áp dụng thành công các chuẩn mực Basel 2 sớm trước thời hạn hai năm. Điểm còn thiếu vẫn là tăng vốn, và giải pháp dự phòng có thể là phát hành trái phiếu nói trên.
Tương tự, cũng đã khoảng hai năm kể từ khi BIDV rục rịch thông tin bán cổ phần cho nước ngoài để tăng vốn. Nhưng đến nay, chưa có bất kỳ một thông tin hoặc triển vọng thực sự nào về khả năng thành công của kế hoạch này, nhất là sau khi cơ chế bán vốn vừa mới có thông tư hướng dẫn từ Bộ Tài chính.
Vậy nên, một chuyển động vừa mới diễn ra cho thấy thế khó tại BIDV tiếp tục kéo dài. Ngân hàng này buộc phải dồn dập triển khai các đợt phát hành trái phiếu dài hạn, “cắn răng” với lãi suất cao vượt trội để tăng vốn cấp 2, cân đối tài chính vì không tăng được vốn điều lệ, dù năm 2016 họ đã từng phải đi vay một đợt lớn tương tự.
Vừa qua, VietinBank cũng đã phải tiến hành các đợt phát hành trái phiếu dài hạn để cân đối vốn. Ngân hàng này áp lực hơn vì tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã lấp đầy, tỷ lệ sở hữu Nhà nước đã giảm xuống giới hạn cho phép.
Điểm chung tại Vietcombank, VietinBank và BIDV hai năm qua và cho đến nay, cũng như triển vọng hết 2018 vẫn là giải pháp tình thế, chấp nhận đi vay bằng trái phiếu dài hạn với lãi suất cao trước thế khó tăng vốn điều lệ.
“Phép màu” cho nhóm ngân hàng này hiện vẫn chỉ đặt ở khả năng Chính phủ đề nghị Quốc hội điều chỉnh kế hoạch đầu tư ngân sách trung hạn, bổ sung nguồn để tăng vốn tại các ngân hàng thương mại. Mà khả năng này có thể phải tiếp tục chờ đợi trong năm 2019.
Theo Thời báo kinh tế Việt Nam.