Với sự phát triển ngày càng cao, nhu cầu về điện tiêu dùng và sản xuất ngày càng tăng; đặc biệt tại Việt Nam thời gian gần đây. Chưa kể, khi các nguồn sản xuất điện truyền thống như nhiệt điện, khí điện, thủy điện, hạt nhân… bộc lộ nhiều rủi ro và ảnh hưởng cao đến môi trường, những nguồn năng lượng thay thế trở thành tất yếu. Trong đó, gây nhiều chú ý từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 là nguồn năng lượng gió khi nhiều dự án được xúc tiến đầu tư dưới sự hỗ trợ từ quy định mới.
Tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, Bamboo Capital (BCG) cho biết đang sở hữu danh mục các dự án điện gió lên đến 652MW. Trong đó, so với các dự án điện mặt trời thì điện gió mang tính dài hơi hơn, mức đầu tư lớn, quy trình công nghệ và thi công phức tạp hơn. Công ty dự kiến đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng cho điện gió trong giai đoạn 2020 – 2022.
Trong 2 năm vừa qua, BCG đã triển khai các dự án năng lượng tái tạo, mới đây nhất là nhà máy điện mặt trời 330MW tại Phù Mỹ vừa khởi công vào quý 2/2020. Liên quan tới câu hỏi về rủi ro của việc EVN gần đây trình không hoãn thời hạn áp dụng Quyết định 39 trong bối cảnh tiến độ các dự án điện gió có thể bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ông Phạm Minh Tuấn – Thành viên HĐQT cho biết sau công văn của EVN, Văn phòng Chính phủ đã có công văn phát hành ngày 29/7 cho biết chính phủ sẽ đánh giá và yêu cầu bộ công thương trình kế hoạch, xem xét về việc gia hạn giá FIT (giá bán điện từ nguồn thứ cấp, feed-in-tariff).
Trước đó, theo quyết định 55 và báo cáo của Tổ Trung ương, thì việc không gia hạn giá FIT đối với các dự án điện gió sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, mà trong đó gây thiệt hai lớn cho nhà đầu tư trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu điện và đang có chiến lược thúc đẩy nhà đầu tư trong lĩnh vực đầu tư tư nhân vào lĩnh vực điện gió.
Công ty tin rằng Chính phủ sẽ có quyết định gia hạn giá FIT. Chính phủ cũng sẽ ghi nhận những khó khăn trong môi trường kinh doanh đặc biệt là ảnh hưởng của Covid-19 đến tiến độ dự án, thị trường cung cấp nguyên vật liệu điện gió trên toàn cầu để đưa ra những quyết định đúng đắn, hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư đồng thời hỗ trợ các dự án điện gió được đưa vào phát điện một cách nhanh nhất.
Về kinh doanh, kết thúc 6 tháng đầu năm 2020, BCG ghi nhận doanh thu thuần tăng 30% lên 522 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 27 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu là do các tác động tiêu cực bởi Covid-19 làm cho công tác bán hàng ở mảng bất động sản và xây lắp chậm lại, đồng thời hoạt động sản xuất kinh doanh ở các công ty liên doanh liên kết cũng bị ảnh hưởng. Tập đoàn kỳ vọng các mảng hoạt động này sẽ khởi sắc trở lại vào quý 4/2020 khi vắc-xin Covid-19 được phát triển thành công trên thế giới và đưa vào sử dụng.
Tính đến thời điểm 30/6/2020, quy mô tài sản của BCG đạt 13.160 tỷ đồng, tăng hơn 81% so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu là Tập đoàn ghi nhận các khoản đầu tư vào dự án điện mặt trời 330MW tại Phù Mỹ, Bình Định với quy mô hơn 6.000 tỷ đồng (dự kiến hoàn tất và phát điện trước ngày 31/12/2020); dự án khu căn hộ phức hợp grade A King Crown Infinitive tại trung tâm quận Thủ Đức có diện tích 120.000 m2 sàn với tổng mức đầu tư gần 3.000 tỷ đồng (dự kiến ghi nhận doanh thu năm 2021-2022).
Cuối cùng, chia sẻ với các nhà đầu tư về kế hoạch chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 12%/năm, ông Tuấn cho biết câu chuyện về chia cổ tức luôn là câu chuyện về cân bằng giữa lợi ích cổ đông và chiến lược phát triển của công ty; giữa trung hạn và dài hạn.
“Ở những năm trước, chúng tôi quyết định không chia vì cần cho việc tái đầu tư. Từ 2015 đến cuối 2019. Năm 2020, Ban lãnh đạo sau khi tính toán đối với dự án Malibu và King Crown sẽ có điểm rơi dòng tiền vào cuối 2020 đầu 2021 thì chúng tôi đã xin phép và được chấp thuận về việc chia cổ tức tại đại hội. Đây là vấn đề đảm bảo niềm tin cho nhà đầu tư và nhìn thấy triển vọng kinh doanh khi rằng Công ty sẽ có được một dòng tiền đều đặn hứa hẹn cho việc chia cổ tức hàng năm cho các năm tiếp theo”, ông Tuấn nói.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)