CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (mã CK: TDH) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 sau kiểm toán với khoản thua lỗ tăng cao so với trước kiểm toán.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 sau kiểm toán, TDH có doanh thu 1.961 tỷ đồng tương đương so với trong báo cáo tự lập. Tuy nhiên, con số lỗ ròng tăng mạnh từ 30 tỷ đồng lên đến 363 tỷ đồng, tức tăng thêm 333 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến việc điều chỉnh này là do trong báo cáo kiểm toán, chi phí QLDN được điều chỉnh tăng cao lên gấp 4 lần từ 96 tỷ đồng lên 403 tỷ đồng, trong đó, khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi chiếm 307 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, kiểm toán còn đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến việc vi phạm hành chính về thuế của TDH.
TDH đã ghi nhận khoản phải nộp theo các quyết định ngày 25/12/2002 của Cục Thuế Tp.HCM về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính bao gồm thu tiền thuế GTGT được hoàn cao hơn quy định và tiền chậm nộp thuế với tổng số tiền hơn 396 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty cũng đã ghi nhận một khoản phải thu ngắn hạn khác tương ứng với tổng số tiền nêu trên.
Kiểm toán cho biết không thể xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh khoản mục này hay không và các ảnh hưởng liên quan có thể có đến báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của TDH.
Hơn nữa, kiểm toán còn nhấn mạnh vào ngày 31/12/2020, TDH đã nộp đơn khởi kiện tại Tòa án Nhân dân Tp.HCM đề nghị xem xét hủy bỏ các quyết định nói trên của Cục Thuế Tp.HCM. Ngoài ra, Công ty cũng đang trong quá trình làm việc với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác về các cáo buộc của Cục Thuế Tp.HCM.
Đến thời điểm 31/03/2021, khoản phải thu ngắn hạn của TDH đạt trên 1.493 tỷ đồng, tăng 479 tỷ tương đương 47% so với hồi đầu năm. Trong đó, khoản phải thu khác chiếm 970 tỷ đồng, bao gồm 396 tỷ đồng phải thu đối với các khoản phải nộp theo các quyết định của Cục Thuế.
Bên cạnh đó đối với khoản mục trả trước cho người bán ngắn hạn liên quan đến Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại xây dựng Đại Lộc Phát (209 tỷ đồng) là nguyên nhân chính khiến TDH phải trích lập dự phòng khó đòi tăng cao từ 1 tỷ đồng lên 210 tỷ đồng.
Trước đó theo điều tra của Tổng cục Hải quan, từ tháng 2/2017 đến tháng 8/2019, Thu Duc House đã mở hơn 500 tờ khai xuất khẩu, trị giá tính thuế là 5.286 tỷ đồng. Mặt hàng xuất khẩu là linh kiện điện tử (bộ máy tính mini, Bộ nhớ IC, bộ nhớ RAM, thẻ nhớ, bộ vi xử lý chip, CPU…) xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc đại lục, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hong Kong.
Sau khi hoàn tất thủ tục xuất khẩu, Thuduc House làm thủ tục hoàn thuế VAT tại Cục thuế TP HCM với tổng số tiền 260 tỷ đồng từ tháng 2/2018 đến tháng 8/2019.
Năm 2012, Công ty Nhà Thủ Đức lập công ty con là Thuduc House Wood Trading, đồng thời mua các mặt hàng “linh kiện điện tử” từ công ty này để xuất khẩu. Thuduc House Wood Trading chỉ ký hợp đồng mua các linh kiện điện tử từ một công ty là Công ty An Lành Phát trong khi hàng hóa của An Lành Phát được mua lại từ 4 công ty trong nước khác.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp bán hàng cho Thuduc House không có tại địa chỉ đăng ký, thường xuyên thay đổi thông tin địa chỉ trụ sở chính, chủ doanh nghiệp, người đại diện pháp luật….
Hàng mua từ đối tác trong nước được Thuduc House xuất khẩu cho các đối tác nước ngoài, không qua bất kỳ công đoạn sản xuất nào. Hải quan Hong Kong và Campuchia xác nhận một số lô hàng mà hai doanh nghiệp này xuất cho đối tác không được nhập khẩu vào nước sở tại hoặc không có dữ liệu.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)