Gần đây, sàn thương mại điện tử chuyên về thời trang Ferosh đã dính phải lùm xùm khi bị hơn 40 nhà cung cấp tố chiếm đoạt tiền hàng của đối tác. Chúng tôi đã liên hệ với bà Nguyễn Thanh Hương – nhà sáng lập kiêm CEO Ferosh để xác thực câu chuyện và lắng nghe phản hồi.
Nữ CEO cho biết, thực tế đúng là Ferosh đang chưa thanh toán được công nợ với nhà cung cấp.
“Ferosh thành lập từ 2016 và đã gọi vốn 2 lần. Năm 2019, chúng tôi hoàn thành vòng gọi vốn thứ 2, từ đó đẩy mạnh phát triển và theo dự kiến tiếp tục huy động thêm vốn vào năm 2020.
Trong năm 2020, chúng tôi đã tăng trưởng rất nhanh mô hình thương mại điện tử, ở cả số lượng đơn hàng và nhà cung cấp. Tuy nhiên, Ferosh gặp khó khăn trong việc gọi vốn, có nhà đầu tư đã đồng ý nhưng đến giai đoạn cuối cùng vẫn không đạt được thỏa thuận. Đến tháng 10/2020, chúng tôi đã xác định khó mà huy động thêm vốn, chưa kể đến những bài học đau đớn từ thị trường như Leflair, Wefit”, bà Thanh Hương chia sẻ.
Vì thế, startup này quyết định thay đổi mô hình kinh doanh, chuyển từ sàn TMĐT sang cung cấp dịch vụ và giải pháp bán hàng online. Cụ thể, nếu như trước kia, Ferosh kết nối nhà cung cấp với đơn vị vận chuyển của chính mình, có trách nhiệm giao và thu tiền hàng, thì nay, công ty này kết nối luôn nhà cung cấp với bên giao hàng. Khi đó, các thương hiệu sẽ được nhận ngay doanh thu, chỉ cần trả lại phí dịch vụ và hoa hồng cho Ferosh.
“Với mô hình mới, Ferosh không tạo ra công nợ nữa. Tuy nhiên, mô hình thay đổi hơi chậm, đến tháng 12 chúng tôi mới đi kết nối với các đối tác. Những khoản công nợ từ tháng 1-11/2020, có những phần chúng tôi đã thanh toán được, có những phần chúng tôi chưa thể thanh toán ngay”.
Theo nhà sáng lập, công nợ của các đối tác cung cấp hàng cho Ferosh có hai nhóm chính, một là nhóm có công nợ lớn, hai là nhóm có công nợ nhỏ và rất nhỏ.
Cụ thể hơn, nhóm nhà cung cấp lớn bao gồm 20 thương hiệu, chiếm 80% tổng công nợ của Ferosh. Bà Thanh Hương cho biết đã làm việc với 18 trong số 20 đối tác này và vẫn đang trong quá trình xử lý.
Trong khi đó, nhóm nhà cung cấp nhỏ và rất nhỏ có công nợ dao động từ vài triệu đến 20 triệu đồng.
“Chúng tôi đề xuất với các nhà cung cấp này ra 2 hướng giải quyết. Thứ nhất, Ferosh sẽ trả dần. Vấn đề ở chỗ dù đã bắt đầu có doanh thu dịch vụ từ mô hình mới, nhưng vẫn chưa có khả năng chi trả được hết, mà chỉ có thể trích ra một phần nhỏ tương đương với 10 triệu – 15 triệu đồng/tháng để thanh toán công nợ cho các nhà cung cấp. Thay vì trả luôn một nhà cung cấp 15 triệu đồng thì chúng tôi chia nhỏ ra thành các khoản 2-4 triệu đồng, trả mỗi bên một ít.
Thứ hai, chúng tôi đề xuất kết nối lại với những nhà cung cấp này để hợp tác mô hình mới, rồi khấu trừ phí dịch vụ vào công nợ. Khoảng 20% trong số họ đồng ý, 80% còn lại không hài lòng và muốn thanh toán. Mọi người không đồng ý với việc chia nhỏ khoản thanh toán và cho rằng chúng tôi không muốn trả do khoản công nợ không nhiều. Hơn hết, tôi hiểu các nhà cung cấp đang hoàn toàn không hài lòng với thái độ và cách xử lý công nợ, cách giao tiếp với nhà cung cấp của Ferosh trong giai đoạn vừa qua”.
Nữ CEO giải thích thêm, từ tháng 1-4/2020, công ty đẩy mạnh tăng trưởng khiến các chi phí marketing, nhân sự bị đội lên, vượt quá 20-25% phí dịch vụ mà họ nhận được từ nhà cung cấp.
Phản hồi về việc các đối tác cho rằng công ty không có quyền sử dụng khoản tiền công nợ, bà Thanh Hương khẳng định: “Nếu các thương hiệu nói rằng 75-80% khoản tiền thu hộ còn lại chúng tôi không được động vào là không chính xác. Dòng tiền của hoạt động kinh doanh là dòng ra-vào, chúng tôi dùng tiền đó để tạm thời chi trả cho nhân sự, marketing,… Nếu hỏi rằng chúng tôi có lừa đảo hay chiếm dụng vốn hay không thì tôi tự tin là không“.
Ferosh khẳng định đã chuyển đổi mô hình kinh doanh và không chiếm đoạt công nợ của đối tác.
Tuy nhiên, nữ CEO bày tỏ, Ferosh lẽ ra nên xử lý khéo léo hơn trong việc đàm phán với các đối tác.
“Ferosh là người có lỗi trong việc không thanh toán công nợ theo đúng thời hạn và hợp đồng, gây ra những khó khăn không đáng có với các nhà cung cấp. Trước tiên, đại diện cho Ferosh, Hương chân thành xin lỗi các nhà cung cấp vì chưa thực hiện được tốt và đúng theo thoả thuận ban đầu. Hương sẽ cố gắng trực tiếp liên hệ và gửi lời xin lỗi tới từng nhà cung cấp. Hương và Ferosh trong giai đoạn tới sẽ cố gắng làm tốt hơn. Hương rất hy vọng các nhà cung cấp hiểu và cảm thông cho Ferosh trong giai đoạn vừa qua.
Còn đối với khách hàng, Ferosh khẳng định toàn bộ đơn hàng hiện được đẩy cho nhà cung cấp tự xử lý, chúng không giữ hàng và cũng không nắm tiền hàng. Do đó, khách hàng hoàn toàn được đảm bảo quyền lợi”.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)