Mới đây, kỹ sư an ninh mạng Elliot Alderson đã đưa tin trên Medium rằng chuỗi phòng gym Elite Fitness đã bị lộ thông tin của hơn 500.000 khách hàng.
Theo đó, các thông tin bị rò gỉ bao gồm: địa chỉ email, tên, ngày sinh, giới tính, hoạt động của khách hàng cũng như ảnh hồ sơ. Thậm chí, các thông tin liên quan đến sức khoẻ và dữ liệu vân tay cũng bị tiết lộ.
Elliot Alderson cho rằng, những thông tin trên có thể được khai thác từ lỗ hổng trên các thiết bị IoT (Internet kết nối vạn vật) như máy chấm công, máy in, camera an ninh… từ một trung tâm luyện tập của Elite Fitness.
Vị kỹ sư này cũng chính là người phát đi thông tin cho rằng Giao Hàng Tiết Kiệm (GHTK) bị rò rỉ tới 4 GB mã nguồn.
Hiện nay, mô hình phòng tập theo hướng hiện đại tại Việt Nam đang phát triển khá nhanh chóng. Phần lớn “miếng bánh” ngành công nghiệp thể dục thể thao của Việt Nam thuộc về những thương hiệu cao cấp.
Bên cạnh Elite Fitness, một số thương hiệu phòng gym lớn khác có thể kể đến như California Fitness & Yoga, Getfit Gym & Yoga hay Fit24.
Việc để lộ thông tin của khách hàng sẽ không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, mà còn tới hoạt động kinh doanh của Elite Fitness trong thời gian tới.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Elite Fitness là thương hiệu thuộc BIM Group, được sáng lập bởi ông Đoàn Quốc Huy (SN 1984) – con trai Chủ tịch HĐQT Đoàn Quốc Việt (SN 1955). Chuỗi phòng gym này được vận hành bởi CTCP Lifestyde Việt Nam (Elite Fitness).
Ra đời từ năm 2010 với câu lạc bộ đầu tiên tại Xuân Diệu – Hà Nội, hiện Elite Fitness đang sở hữu hệ thống phòng tập tiêu chuẩn 5 sao với 15 cơ sở trải dài trên cả nước.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, Elite Fitness luôn ghi nhận doanh thu hàng năm đạt từ 300 – 400 tỉ đồng, tuy nhiên lợi nhuận thu được lại rất khiêm tốn.
Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Elite Fitness lần lượt đạt 290 tỉ đồng và 395 tỉ đồng, lãi thuần ở mức 14,9 tỉ đồng và 1 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 5% và 0,25%.
Năm 2019, Elite Fitness ghi nhận doanh thu thuần đạt 468,8 tỉ đồng, báo lãi thuần ở mức 2,35 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 0,5%. Trong khi năm 2018, 2 chỉ tiêu này lần lượt là 463,6 tỉ đồng và 0,613 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 0,13%.
Có thể thấy, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu của Elite Fitness là thấp, nhưng nên biết rằng, kết quả này vẫn khả quan hơn nhiều nếu so với một số doanh nghiệp đang sở hữu các thương hiệu phòng gym khác tại Việt Nam như California Fitness & Yoga, Getfit Gym & Yoga hay Fit24.
Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Elite Fitness đạt 505,8 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 221,4 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt âm 14% và 1% so với thời điểm đầu năm./.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)