Trong thời gian qua, những dự đoán về thời gian các doanh nghiệp có khả năng trụ được trong mùa dịch Covid-19 liên tục được đưa ra, có doanh nghiệp trên sáu tháng, một năm nhưng cũng có những doanh nghiệp dưới ba tháng.
Theo ông Dương Hải, Phó chủ tịch Câu lạc bộ giám đốc tài chính Việt Nam (VCFO), những dự đoán về khả năng sống sót của doanh nghiệp thường dựa vào thước đo dòng tiền, như nhận định của nhiều chuyên gia khác, tiền mặt là vua trong thời khủng hoảng.
Ông Hải cho rằng, doanh nghiệp nào có thể dừng lại trước “cám dỗ” mỗi khi đứng trước một quyết định đầu tư để giữ tiền trong tài khoản với đồng tiền sinh lời khiêm tốn ở thời gian trước dịch thì lại có thể phát huy trong thời gian dịch bệnh và suy thoái này. Có tiền mới tồn tại, mở rộng đầu tư, tiến hành sáp nhập doanh nghiệp khác trong thời điểm này.
Theo một khảo sát mới đây của Hiệp hội Kế toán và công chứng Anh (ACCA) trên hơn 10.000 chuyên gia tài chính toàn cầu, các tổ chức dù ở quy mô lớn hay nhỏ, ở khu vực công hay tư, đều quan ngại về tác động của dịch Covid-19 đối với người lao động, năng suất và dòng tiền. Những tác động nặng nề nhất là khó khăn của dòng tiền ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của doanh nghiệp.
Trong điều kiện nhiều nước công bố các gói hỗ trợ của Chính phủ , hầu hết những người tham gia khảo sát đều trả lời còn quá sớm để khẳng định tính hiệu quả của các gói hỗ trợ này.
Đáng chú ý, gần một nửa trong số gần 300 chuyên gia tài chính ở Việt Nam được khảo sát cho biết gặp khó khăn về dòng tiền, 71% doanh nghiệp có thể đưa ra dự báo tài chính tương lai trong điều kiện diễn biến dịch bệnh khó lường.
Theo ACCA, thách thức cũng lồng ghép với cơ hội kinh doanh. Về thách thức, tất nhiều doanh nghiệp trên thế giới cho biết không đáp ứng được thời hạn báo cáo và chịu áp lực hoàn thành dịch vụ khách hàng trong thời gian cao điểm do vấn đề di chuyển của nhân viên tương ứng; rủi to kiểm toán gia tăng liên quan đến định giá tài sản, tính đầy đủ của nợ phải trả và các vấn đề liên quan.
Tuy nhiên, ông Sharath Martin, chuyên gia tư vấn về chính sách của ACCA tại hội thảo trực tuyến với chủ đề “Tác động của Covid-19 và giải pháp: Thay đổi cuộc chơi của doanh nghiệp Việt Nam” cho biết, khối doanh nghiệp dịch vụ kiểm toán và tư vấn có cơ hội lớn, đặc biệt những doanh nghiệp đã đầu tư vào dịch vụ chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, ACCA, VCFO cùng các tổ chức đối tác đưa ra quy tắc “3 chữ A” để quản lý khủng hoảng gồm Act (hành động) để phản ứng lại một cách bền vững và tập trung vào nhân viên và các bên liên quan; Analyse (phân tích) các nguồn thông tin khác nhau để bảo vệ tổ chức mình; Anticipate (dự tính) các tác động đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và xu hướng trong tương lai.
Theo ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, các doanh nghiệp nên có riêng cho mình một cuốn cẩm nang (thường xuyên được điều chỉnh một cách hợp lý) để sẵn sàng phương án cho các tình huống có thể xảy ra dựa trên việc linh hoạt và coi trọng công tác dự báo.
Ông Dương Hải, Phó chủ tịch Câu lạc bộ giám đốc tài chính Việt Nam (VCFO)
Tuy nhiên, Phó chủ tịch VCFO lưu ý, các dự báo liên quan đến ảnh hưởng của Covid-19 chỉ mang tính chất tham khảo, mọi quyết định, kế hoạch cần dựa vào khả năng và thực trạng của từng doanh nghiệp thay vì đặt cược vào các nguồn thông tin bên ngoài. Đặc biệt, vấn đề thiếu tiền của doanh nghiệp cần được giải quyết dựa trên tổng thể của nhiều biện pháp nhỏ cộng lại.
Trước những tác động mang tính ngắn và trung hạn đến hoạt động của doanh nghiệp, giải pháp được các doanh nghiệp thực hiện là cho nhân viên làm việc linh hoạt (có thể làm ở nhà), điều chỉnh chế độ đãi ngộ và mô hình làm việc, thiết lập chuỗi cung ứng tại các khu vực ít chịu ảnh hưởng bởi dịch, đàm phán nợ vay với các ngân hàng và bên cho vay, và thực hiện chiến lược cắt giảm chi phí hoạt động.
Ông Dương Hải cho biết, nhiều doanh nghiệp thành viên của VCFO còn thực hiện thành công việc linh hoạt chuyển đổi từ chi phí cố định sang chi phí biến đổi để tối ưu hoạt động trong mùa dịch.
Một số gợi ý giải pháp được các chuyên gia đưa ra chủ yếu xoay quanh vấn đề dòng tiền. Trong đó, ông Hải lưu ý, tiền đến từ người chứ không đến từ máy móc, thiết bị. Do đó, các doanh nghiệp có thể thực hiện việc thương thảo với các nhà cung cấp, thoả thuận với khách hàng trả tiền sớm. Ngay như câu chuyện nghe có vẻ hơi “hoang đường” như thuyết phục khách hàng trả tiền trước cho các sản phẩm sẽ nhận trong tương lai cũng có thể thực hiện.
Khi dòng tiền bị hạn chế, ông Hải cho rằng, cổ đông và chủ sở hữu doanh nghiệp cần phải đưa tiền mới vào (nếu có), không nhất thiết phải tăng vốn cổ phần/vốn chủ sở hữu nhưng có thể theo hình thức tiền vay có lãi, để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt. Hay đơn giản như việc bán bớt các tài sản không cần thiết cho hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty cũng nên được cân nhắc để có tiền cho kinh doanh ngắn hạn, đặc biệt là “mấy chiếc xe Lexus hay Mercedes mà nhiều lãnh đạo hay đi” như lời ông Hải nói.
Đặc biệt, không chỉ trong tình huống như hiện nay mà hầu như bất kể lúc nào doanh nghiệp cũng cần giữ một bản cân đối kế toán mạnh. Từng nắm giữ vị trí giám đốc tài chính trong những tập đoàn tài chính ngân hàng lớn, trong đó có Citibank và J.P.Morgan Chase Việt Nam, ông Hải cho biết, J.P.Morgan Chase trong suốt mấy chục năm luôn duy trì bản cân đối kế toán mạnh như “pháo đài”, tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản của tập đoàn này vượt hẳn so với đa số tập đoàn tài chính ngân hàng của Mỹ. Cũng vì vậy nên trong khủng hoảng ít bị ảnh hưởng hơn so với các tập đoàn khác, thậm chí được ông Hải mô tả là “nổi lên làm ngôi sao trong thời khủng hoảng”.
Trong khi đó, các ngân hàng khác với cách làm trái ngược là duy trì tỷ lệ vốn chủ sở hữu thấp, nghĩa là đòn bẩy tài chính cao, khiến tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao hơn khi bình thường, song khó khăn tăng lên vượt trội vào thời điểm khủng hoảng xảy ra. Ông Hải cho rằng, điều này cũng cho thấy vai trò chiến lược của các giám đốc tài chính trong việc đề xuất cơ cấu vốn cho doanh nghiệp để chủ doanh nghiệp đưa ra các quyết định. Quyết định về cơ cấu vốn luôn là quyết định mang tính chiến lược cho mọi doanh nghiệp và không có ngoại lệ.
“Nếu chỉ nghĩ đến đồng tiền ở góc độ sinh lời thì người giám đốc tài chính đã mất đi sự chuyên nghiệp trong việc cân bằng giữa tính thanh khoản và tính sinh lời”, ông Hải nói.
Phó chủ tịch VCFO cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần cố gắng để làm sao sống sót, sống khoẻ, sống thọ nhưng đồng thời phải sống có tâm. Như ông Sharath Martin đã nhận định, nhân viên, khách hàng và đối tác sẽ nhớ mãi cách ứng xử của doanh nghiệp trong thời điểm này.
“Đây là thời điểm giúp được gì ai thì giúp chứ không phải thời điểm để triệt hạ hay chặt chém đối thủ cạnh tranh. Buôn có bạn bạn có phường, hãy cùng giúp nhau để tồn tại, vượt qua khủng hoảng rồi tiếp tục cạnh tranh công bằng, lành mạnh”, ông Hải nói.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)