Câu chuyện Thế giới phẳng trong lòng Viettel
Thế giới phẳng (The World is Flat) là một tác phẩm của Thomas Friedman, được trao giải thưởng Cuốn sách hay nhất năm 2005, do Financial Times và Goldman Sachs bình chọn. Trong cuốn sách này, tác giả đã đưa ra một định nghĩa thế giới phẳng là thế giới không tồn tại giới hạn, nơi con người có thể đi đến bất kỳ nơi đâu. Với sự tác động của công nghệ, mỗi cá nhân cho dù ở đâu cũng có thể sáng tạo ra những nội dung riêng của họ và kết nối với nhau, mỗi cá thể trong thế giới ấy có thể đi vào một sân chơi chung, ở đó họ có cơ hội bình đẳng như nhau.
Cuốn sách này là nguồn cảm hứng cho rất nhiều cá nhân tổ chức để họ không ngừng sáng tạo, vươn lên. Cù Xuân Hùng, thành viên trong nhóm Sáng chế về cơ cấu trợ lực cho Robot song song bằng hệ lò xo với trợ lực hằng số của Trung tâm Mô hình Mô phỏng (MHMP), thuộc Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT), vừa được Mỹ cấp bằng bảo hộ cho rằng: “Ngày nay là thời của thế giới phẳng, với mạng internet thì một kĩ sư tại VHT cũng có thể tiếp cận với các nguồn tri thức ở bên Mỹ vì vậy các kĩ sư VHT hoàn toàn có thể tạo ra được các sáng chế lớn mà các công ty lớn trên thế giới cần”.
Cù Xuân Hùng, thành viên trong nhóm Sáng chế về cơ cấu trợ lực cho Robot song song bằng hệ lò xo với trợ lực hằng số
Tại trung tâm MHMP, đồng nghiệp của Hùng cũng đã ngày đêm miệt mài học hỏi, tìm tòi và tận dụng nguồn tri thức của nhân loại để làm chủ công nghệ lõi, tạo ra nhiều sản phẩm mô phỏng trong lĩnh vực quân sự như hệ thống mô phỏng huấn luyện điều khiển xe tăng, máy bay, bắn súng cá nhân, mô phỏng lái xe ô tô… góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hoá quân đội, xuất khẩu sản phẩm ra thế giới.
Với mô hình mô phỏng máy bay Su-30 phục vụ cho hoạt động quân sự, nhóm nghiên cứu của Trung tâm MHMP đã phải tìm hiểu kiến thức qua nhiều kênh khác nhau như trên internet, sách, tạp chí trong và ngoài nước, thậm chí đi ra nước ngoài học tập. Để mô phỏng máy bay cần có những tham số để thực hiện các phương trình toán học nhằm thể hiện các trạng thái của máy bay cũng như là tình huống may bay cần xử lý. Trong khi đó, tham số của máy bay Su-30 là một ẩn số. Khi đặt vấn đề mua tham số với nhà sản xuất, câu trả lời mà các kỹ sư VHT nhận đươc là sự từ chối, các kĩ sư của VHT đã phải huy động mọi nguồn dữ liệu đầu vào từ thực tế trong các tài liệu liên quan. Cuối cùng VHT đã có hơn 100 loại bộ tham số được tìm thấy và riêng quá trình thử tham số đã tiêu tốn thời gian của các kỹ sư VHT vài năm. Trên thế giới, hiện nay chỉ có Nga là quốc gia duy nhất làm chủ công nghệ mô phỏng máy bay Su-30, việc chất lượng sản phẩm của mô hình mô phỏng máy bay Su-30 của VHT được các đối tác đánh giá cao là rất đáng ghi nhận.
Vì sao Viettel phải đăng ký bằng sáng chế tại Mỹ?
Tính đến thời điểm hiện tại VHT đã đăng ký tổng cộng 283 sáng chế trong nước và quốc tế. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, VHT đã có 4 sáng chế được bảo hộ tại Mỹ: bao trùm cả 3 lĩnh vực quân sự, hạ tầng viễn thông và dân dụng. Cụ thể, lĩnh vực quân sự là sáng chế về phương pháp phát hiện mục tiêu di động chậm, ứng dụng trong Radar cảnh giới bờ; trong lĩnh vực viễn thông, phương pháp hiêu chỉnh và điều khiển công suất tuyến thu thích ứng theo môi trường truyền dẫn, ứng dựng trong hệ thống trạm thu phát gốc 4G eNodeB; lĩnh vực dân dụng: là ứng dụng trong hệ thống mô phỏng lái xe, ngành Mô hình mô phỏng.
Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã cấp bằng bảo hộ độc quyền cho VHT dành cho sáng chế “Hệ cơ cấu trợ lực cho robot song song bằng hệ lò xo với trợ lực hằng số” bởi chưa từng được tìm ra và triển khai trên toàn thế giới.
Theo ông Nguyễn Vũ Hà, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT), quyền sở hữu trí tuệ đang khẳng định vai trò không thể thiếu trong quá trình hình thành một nền kinh tế toàn diện và phát triển bền vững. Chứng chỉ về quyền sở hữu trí tuệ là vật chứng bảo đảm cho thành công của mỗi doanh nhân tiến vào thị trường thế giới.
Trên thế giới hiện nay, Hoa Kỳ được coi là một trong những nước có nhiều sáng chế nhất. Các bằng độc quyền sáng chế được cấp bởi Cơ quan đăng ký nhãn hiệu và sáng chế sẽ phải qua rất nhiều quy trình kiểm duyệt, đánh giá ngặt nghèo nhất thế giới. Vì vậy, để được cơ quan này cấp phép bằng sáng chế là quá trình vô cùng khó khăn.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm thẩm định, Cục Sở hữu Trí tuệ – Bộ Khoa học công nghệ cho biết: Trong 5 năm gần đây, số lượng đơn đăng kí bằng sáng chế của Viettel tăng trưởng liên tục. Việc Viettel có 04 bằng sáng chế được Mỹ cấp bằng SHTT có ý nghĩa rất lớn trong việc khẳng định năng lực công nghệ và định hướng phát triển mở rộng thị trường của doanh nghiệp Việt.
Nguồn: CafeF (https://cafef.vn/)