“Nếu tính tổng số các điều kiện kinh doanh hiện hành thì việc cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh không đạt như yêu cầu của Chính phủ”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói tại hội thảo đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh sáng 14/11.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Cắt giảm điều kiện kinh doanh mang tính hình thức
Nghị quyết 19-2018/NQ-CP Chính phủ ban hành đặt ra chỉ tiêu hoàn thành, bãi bỏ, đơn giản hoá 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh. Hoàn thành và trình Chính phủ ký ban hành trước ngày 31/10/2018.
Đo lường kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM cho biết, thống kê sơ bộ có 542 điều kiện kinh doanh được sửa đổi, 771 điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, 111 điều kiện kinh doanh thay thế nhưng bổ sung đến 98 điều kiện kinh doanh và phát sinh, ban hành thêm 29 điều kiện kinh doanh.
Nếu tính tổng số các điều kiện kinh doanh hiện hành thì việc cắt giảm là không đạt 50% như yêu cầu của Chính phủ.
Một số điều kiện kinh doanh có tác động lớn đến thị trường như điều kiện kinh doanh về gas trong Nghị định 87/2018, hay một số điều kiện kinh doanh đã quy định về số lượng nhân sự của ngành nghề đã rút cực gọn.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, vẫn có những điều kiện kinh doanh cắt giảm nhưng chẳng mang lại tác động gì. Còn có những quy định được bổ sung điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thậm chí, trong khi có bộ cắt giảm điều kiện kinh doanh này thì lại bị bộ khác đưa vào.
Ông Hiếu lấy ví dụ: Một số quy định trong Nghị định 49 quy định về yêu cầu kiểm định chất lượng giáo dục. Nghị định này yêu cầu cơ sở kiểm định chất lượng giáo dục phải có ít nhất 10 kiểm định viên, có trụ sở ổn định hai năm, có phòng làm việc cho mỗi kiểm định viên tối thiểu 8 m2…Quy định này cứ như cho các trường mẫu giáo. Nó là các điều kiện kinh doanh mà các bộ đã bãi bỏ thì lại xuất hiện trong lĩnh vực giáo dục.
“Bãi bỏ điều kiện kinh doanh chỉ là một phần nhỏ, nhưng phải xem xét lại chất lượng pháp luật mới là vấn đề”, ông Hiếu nói.
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Minh Thảo, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh – CIEM, cho rằng vẫn còn nhiều quy định không rõ ràng, khó tiên liệu, tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp. Nhiều điều kiện kinh doanh sửa đổi dưới hình thức diễn đạt lại quy định về điều kiện kinh doanh chứ không phải giảm hoặc gộp nhiều điều kiện doanh doanh thành một.
Theo nghiên cứu của CIEM, sau một năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đạt kết quả cắt giảm thấp nhất khi chỉ cắt giảm 80 điều kiện, chiếm 32,2%; Bộ Xây dựng cắt giảm 158 điều kiện, chiếm 73,5%; Bộ Thông tin và Truyền thông cắt giảm 116 điều kiện, chiếm tỷ lệ 46%; Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch cắt giảm 61 điều kiện, chiếm 51%.
Cuộc chiến đấu lâu dài và gian khổ
Chỉ ra số lượng doanh nghiệp đăng ký tăng 28% nhưng số lượng đóng cửa tăng đến 47%, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lo ngại mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp khó thành hiện thực. Môi trường kinh doanh thực sự có vấn đề.
Cũng theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, nhiều điều kiện kinh doanh hiện nay hoàn toàn lạc hậu so với Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong khi đó, Việt Nam đang hội nhập sâu, thị trường trong nước là thị trường của cộng đồng ASEAN, sắp tới là CPTPP, hàng hóa nhập khẩu giảm thuế từ 0-5%. Nếu chúng ta không cải thiện được thì sản phẩm, dịch vụ nước ngoài tràn vào. Dẫn đến tình trạng doanh nghiệp Việt Nam vừa mới khởi nghiệp phải đóng cửa ngay vì không thể cạnh tranh được.
“Cắt giảm điều kiện kinh doanh là cuộc chiến đấu lâu dài gian khổ, khẩn cấp và cần thiết”, ông Doanh trăn trở.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM thừa nhận: “Bao nhiêu đợt cải cách nhưng tôi cảm thấy không thành công, những nỗ lực kiến nghị của mình vẫn đạt được kết quả rất thấp. Cải cách phải liên tục, nhất quấn, có áp lực bên ngoài thì mới làm được”.
Còn ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, cần tăng cường sự tham vấn cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động rà soát pháp luật; tăng cường cơ chế kiểm soát; thống nhất quan điểm rà soát và mở rộng các đề xuất trong các phương án điều chỉnh pháp luật kinh doanh mà các bộ, ngành đề ra…
Theo vneconomy